Thời gian qua việc thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm - OCOP” ở huyện Nông Sơn đạt được kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để mang lại thành công bền vững, địa phương cần sớm giải quyết những hạn chế.
Kết quả bước đầu
Huyện Nông Sơn chọn bưởi trụ Đại Bình của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình (xã Quế Trung) triển khai thí điểm chương trình OCOP. Nhờ sự hỗ trợ từ nhiều phía, năm 2018 sản phẩm này được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
Ông Trần Thiện Thắng – Trưởng phòng NN&PTNT Nông Sơn cho biết, từ mô hình điểm vừa nêu, đơn vị tập trung tham mưu UBND huyện chỉ đạo triển khai nhiều phần việc để việc thực hiện chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao. Trong năm 2019 Nông Sơn tổ chức 7 lớp tập huấn về chu trình OCOP, những giải pháp thực hiện... với sự tham gia của 191 lượt người.
Năm 2019 Nông Sơn có 4 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP, gồm dầu mè nguyên chất 100% của HTX Nông nghiệp – du lịch – dịch vụ Đại Bình (xã Quế Trung), thịt heo đồi của HTX Nông nghiệp – du lịch Phước Ninh (xã Phước Ninh), vòng trầm hương của cơ sở sản xuất Tâm An Thịnh Phát (xã Quế Trung), bánh tráng của HTX Quế Lâm (xã Quế Lâm). Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, sản phẩm bánh tráng của HTX Quế Lâm xin rút khỏi chương trình. Ba sản phẩm còn lại tham gia dự thi xếp hạng cấp tỉnh và cả 3 đều được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao.
Bà Trần Thị Tú Oanh – cán bộ chuyên trách chương trình OCOP của huyện Nông Sơn nói: “Ngoài 900 triệu đồng do ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ, trong năm 2019 các chủ thể có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao đã đầu tư thêm 550 triệu đồng mua sắm trang thiết bị máy móc, mở rộng nhà xưởng, cải tiến bao bì, nhãn mác... Vềhoạt động xúc tiến thương mại, thời gian qua huyện Nông Sơn đã tổ chức hội chợ kết hợp ngày hội du lịch Đại Bình và hỗ trợ xây dựng một cửa hàng OCOP tại làng Đại Bình để quảng bá sản phẩm đặc trưng cũng như tiềm năng, lợi thế về du lịch sinh thái của địa phương”.
Ông Nguyễn Chí Tùng – Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, sau khi được công nhận đạt chuẩn, hầu hết sản phẩm OCOP của huyện đều có bước phát triển mạnh. Trước khi tham gia chương trình OCOP, HTX Nông nghiệp – du lịch – dịch vụ Đại Bình có doanh thu từ sản phẩm bưởi trụ là 500 triệu đồng/năm (lợi nhuận 100 triệu đồng/năm) và doanh thu từ sản phẩm dầu mè nguyên chất là 700 triệu đồng/năm (lợi nhuận 200 triệu đồng/năm). Sau khi đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh, doanh thu từ bưởi trụ tăng lên 850 triệu đồng/năm (lợi nhuận 150 triệu đồng/năm) và doanh thu từ dầu mè nguyên chất đạt 900 triệu đồng/năm (lợi nhuận 260 triệu đồng/ năm). Trong khi đó, doanh thu từ sản phẩm thịt heo đồi của HTX Nông nghiệp – du lịch Phước Ninh và vòng trầm hương của cơ sở sản xuất Tâm An Thịnh Phát cũng tăng từ 300 – 700 triệu đồng/năm so với trước đây.
Còn nhiều khó khăn
Năm 2020, bên cạnh việc nâng cấp sản phẩm dầu mè nguyên chất từ 3 sao lên 4 sao, HTX Nông nghiệp - du lịch - dịch vụ Đại Bình còn đăng ký xây dựng sản phẩm hương trầm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Nông Sơn còn có 2 sản phẩm đăng ký đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh là tượng trầm tâm linh của cơ sở kinh doanh trầm hương Tường Vi (xã Quế Trung) và bột ngũ cốc Hạt Thương của cơ sở kinh doanh Đoàn Thị Thương (xã Phước Ninh). Dự kiến, kinh phí huyện Nông Sơn hỗ trợ cho các chủ thể vừa nêu là 600 triệu đồng.
Theo ông Trần Thiện Thắng, bước đầu các cấp, ngành ở huyện đã thể hiện sự quan tâm, nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng, ý nghĩa của chương trình OCOP. Việc lựa chọn sản phẩm, đơn vị tham gia đúng yêu cầu, nội dung của chương trình. Công tác hỗ trợ được tổ chức thực hiện có chiều sâu, nhất là các hoạt động về hỗ trợ trang thiết bị đáp ứng được nhu cầu phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm của các chủ thể. Thời gian qua, các sản phẩm OCOP được xếp hạng đạt chuẩn 3 sao cấp tỉnh đã có bước tiến về chất lượng, đa dạng về mẫu mã, bao bì và đảm bảo điều kiện, quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đặc biệt, hầu hết đơn vị tham gia đã ký được hợp đồng phân phối sản phẩm với các siêu thị, đại lý...
Ông Nguyễn Chí Tùng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chương trình OCOP ở địa phương vẫn còn không ít hạn chế. “Thực tế cho thấy, sản phẩm đặc trưng tại địa phương còn ít và chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ theo hướng tự cung tự cấp nên việc lựa chọn sản phẩm tham gia chương trình OCOP gặp nhiều khó khăn. Đa số sản phẩm được sản xuất thủ công, nhiều sản phẩm chưa xây dựng thương hiệu, chưa công bố chất lượng và bao bì, nhãn mác chưa đảm bảo. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn gặp nhiều trở lực” – ông Tùng nói.
Theo ông Nguyễn Chí Tùng, thời gian tới huyện sẽ tập trung hoàn thiện bộ máy tổ chức, triển khai chương trình OCOP từ cấp huyện đến cấp xã. Đặc biệt, tích cực hỗ trợ các chủ thể trong thiết kế mẫu mã bao bì, đóng gói sản phẩm và xúc tiến thương mại, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm. Huyện Nông Sơn mong UBND tỉnh và các ngành liên quan quan tâm hỗ trợ nguồn kinh phí thực hiện các dự án phát triển sản phẩm OCOP. Cạnh đó, tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn nghiệp vụ cho cán bộ chuyên trách thực hiện chương trình và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia những hội chợ quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP.
Lựa chọn tư vấn OCOP có năng lực
Nhằm từng bước xây dựng mạng lưới tư vấn có kinh nghiệm và năng lực tư vấn toàn diện về các hoạt động triển khai chương trình OCOP, Thứ trưởng Bộ N&PTNT Trần Thanh Nam vừa có Công văn số 6022/BNN-VPĐP gửi UBND các tỉnh, thành phố hướng dẫn một số nội dung trong việc lựa chọn tư vấn.
Theo Bộ NN&PTNT, trên cơ sở điều kiện và nhu cầu thực tiễn, các địa phương có thể lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn chương trình OCOP để giúp các chủ thể và các cơ quan quản lý ở địa phương trong việc xây dựng kế hoạch, hình thành ý tưởng, lựa chọn sản phẩm, hỗ trợ kỹ thuật theo chuỗi giá trị để hình thành sản phẩm OCOP. Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương lựa chọn tổ chức, cá nhân tư vấn chương trình OCOP có kinh nghiệm về lĩnh vực dịch vụ tư vấn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả và phát triển được sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của đối tượng được tư vấn. Theo đó, đối với tổ chức đảm nhận tư vấn phải có tư cách pháp nhân, có năng lực và kinh nghiệm trong lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề chương trình OCOP; có kinh nghiệm, năng lực trong tư vấn và hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản phẩm. Còn đối với cá nhân thực hiện tư vấn phải có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thuộc lĩnh vực tư vấn, đào tạo nghề và am hiểu về chương trình OCOP... (NHÃ PHƯƠNG)
44 sản phẩm tham gia phân hạng OCOP
Ông Nguyễn Phi Hồng – cán bộ chuyên trách OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, tính đến chiều 5.10, các địa phương đã gửi 44 sản phẩm kèm hồ sơ liên quan về tỉnh để tham gia bình xét, phân hạng đợt 1 năm 2020.
Trong số 44 sản phẩm của đợt 1, UBND cấp huyện đã tiến hành xếp hạng 15 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao và 29 sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao. Ngày 6.10, tổ giúp việc của hội đồng thẩm định cấp tỉnh bắt đầu chấm chọn bước đầu, sau đó tham mưu hội đồng thẩm định cấp tỉnh bình xét và đề xuất UBND tỉnh quyết định phân hạng sản phẩm. Dự kiến, tháng 11.2020 sẽ tiến hành bình xét, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 2. Được biết, sau khi rà soát và điều chỉnh, năm 2020 toàn tỉnh có tổng cộng 135 sản phẩm đủ điều kiện đăng ký tham gia chương trình OCOP. (MAI LINH)
Quế Sơn triển lãm sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp nông thôn
UBND huyện Quế Sơn vừa tổ chức hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp - công nghiệp nông thôn lần thứ 3 năm 2020.
Hội chợ có sự tham gia của tất cả 13 xã, thị trấn trên địa bàn Quế Sơn và 1 doanh nghiệp đến từ Thăng Bình. Ngoài 4 sản phẩm đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm phở sắn của Công ty TNHH Caromi (Đông Phú), kẹo đậu phụng của cơ sở sản xuất - kinh doanh Đặng Ngọc Hải (Quế An), nếp đắng Lộc Đại của Hợp tác xã Nông nghiệp Quế Hiệp, khoai chà của Hợp tác xã Nông nghiệp An Xuân Sơn (Quế Mỹ), tại hội chợ lần này các địa phương của Quế Sơn còn đem đến những sản phẩm đặc trưng như bánh dừa nướng, phở gạo, môn hương, nấm rơm, gà tre và các sản phẩm mây tre đan, gỗ mỹ nghệ, chổi lông gà, tinh dầu sả… (MAI NHI – DUY THÁI)