Văn hóa

Phả hệ làng, chuyện của đời người...

TRƯƠNG ĐIỆN THẮNG 01/01/2025 14:55

(VHQN) - Từ nghiên cứu lịch sử, đặc điểm gia phả Việt Nam, bao gồm cấu trúc gia đình, dòng họ, quan hệ giữa dòng họ với làng xóm, gia phả mở ra một con đường mới: phả hệ của các làng, có người gọi là “lư sử”.

Lang Dien Ban
Một ngôi làng lâu đời ở Điện Bàn. Ảnh: K.L

Công trình đầu tiên về gia phả học ở nước ta là cuốn Gia phả khảo luận và thực hành của cụ Dã Lan Nguyễn Đức Dụ (1919-2001), xuất bản năm 1972. Bên cạnh đó, còn có một Chương trình nghiên cứu gia phả Việt Nam thuộc Đại học quốc gia Hà Nội và Viện Viễn Đông Bác Cổ, đại học Paris, và Alberta (Canada) sau 1975.

Người làng viết sử

Trong cấu trúc quan hệ giữa họ tộc với làng xóm, tôi chợt nhớ đến một công trình biên soạn công phu, được coi như “lư sử”. Đó là cuốn sử làng chỉ do 4 người tự nhận là tay ngang, đứng ra biên soạn trong nhiều năm.

“Viết sử của một làng cần một đời người” - họ dẫn câu nói nổi tiếng của cố nhà văn Nguyễn Văn Xuân để dựng lại lịch sử làng Quảng Lăng, có tuổi đời 350 năm thăm thẳm. Bốn người đó là các ông Võ Đạt, Đặng Hữu Lý, Võ Như Tống, Đặng Hữu Duyên ở xã Điện Nam Trung, thị xã Điện Bàn từ gần 15 năm trước.

Lang DB2
Gia phả của các họ tộc góp phần lớn trong việc hình thành phả hệ làng. Trong ảnh, nhà thờ tộc Võ Văn ở xã Bình Giang - một trong những tộc họ lớn ở huyện Thăng Bình. Ảnh: ĐÌNH HIỆP

Thật ra, trước công trình này, chúng tôi đã từng đọc các tác giả Phan Khoang và Li Tana về quá trình lập làng xã ở phía bắc Quảng Nam. Theo đó, giữa hai thời điểm lịch sử mà Ô Châu cận lục (Dương Văn An) và Phủ biên tạp lục (Lê Quý Đôn) đã cho chúng ta biết, ngoài 66 tên làng, ở Điện Bàn còn có 7 đơn vị dân cư gọi là giáp và hai trại.

Quảng Lăng trước 1776 chưa có làng. Lê Quý Đôn lần đầu đã ghi rõ trong Phủ biên tạp lục, Quảng Lăng là một làng cùng với Cổ Lưu, An Lưu… thuộc huyện Lễ Dương, phủ Thăng Hoa.

Trong 221 năm từ 1555 đến 1776, làng Quảng Lăng được hình thành lúc nào là câu chuyện mà các nhà “viết sử làng” đã phải lần vào gia phả và cả tài liệu “Quảng Nam xã chí” hồi 1944 để xác minh.

Đến đây thì mối quan hệ giữa tộc họ và làng xóm hiện ra.

Manh mối từ gia phả tộc họ

Gia phả tộc Võ được lưu giữ bởi cụ cử Võ Úy lẫn tài liệu ghi chép từ Quảng Nam xã chí cho thấy: “Thủy tổ tộc ta là ngài húy Võ Như Oanh là tiền hiền bổn xã, vào lập làng thời Hiếu Nghĩa Đế tức chúa Nguyễn Phúc Trăn, chiếu theo dương lịch là năm 1667”.

Lang DB3
Đình làng Phong Ngũ, phường Điện Thắng Nam, thị xã Điện Bàn. Ảnh: MINH TẠO

Cùng lúc đó, gia phả tộc Đặng Hữu cũng chỉ ra: “Tiền hiền Đặng Hữu Chiếu hiệu Quang Minh, quê quán Thanh Hóa, huyện Nông Cống, vào Nam lập nghiệp thời chúa Nguyễn Phúc Tần, lập điền trang doanh trại Quảng Lãng vào năm 1665…”.

Cả hai tài liệu, dựa vào gia phả hai tộc tiền hiền để tìm ra gốc gác làng Quảng Lăng. Sau đó là các tộc họ anh em khác trong tổng số 16 tộc họ đầu tiên vào khai thác vùng đất mới và sinh cơ lập nghiệp. Như vậy, phả hệ của làng bắt đầu cho thấy xuất phát từ gia phả các tộc họ tiền hiền, là một manh mối khả tín cho mỗi địa phương.

Phả hệ làng Quảng Lăng tiếp tục mở rộng ra những chân trời về địa lý địa hình, các thời kỳ lịch sử, giao thông, khí hậu, dân cư và kinh tế, kể cả văn học dân gian. Tựu trung, Quảng Lăng xuất phát từ đặc điểm địa hình là một làng có nhiều gò đất rộng. Chính nơi đây đã sản sinh ra những câu ca của một thời nghèo khó như: Đủ ăn đủ tiêu nhờ khoai với củ/ Quanh năm khỏi nợ nhờ củ với khoai.

Tuy vậy, từ gia phả của các tộc tiền hiền cho đến lập “xã hiệu” là một bước tiến không dễ gì tìm được, nếu thiếu dữ liệu khả tín. Bởi từ tài liệu Bắc địa tấu từ dẫn đến thành lập các xã hiệu như Nhất Giáp đến Lục Giáp cạnh địa danh Quảng Lăng vẫn còn đó nhiều yếu tố lịch sử cần khảo sát thêm, nhưng dẫu sao, kết luận trên đây cũng là một bước nghiên cứu thật đáng trân trọng!

“Ký ức quê nhà”

Những năm 1980, nhân về vùng bắc Điện Bàn, tôi được gặp cụ Hà Thao - người đau đáu với làng quê Ngũ Giáp của ông. Từ nghiên cứu của TS.Hà Phụng - “Họ Hà vào Quảng Nam từ khi nào?”, làng Phong Ngũ (nay là xã Điện Thắng Nam) đã ấn hành thành cuốn “Ký ức quê nhà” với chất liệu chính từ “phả hệ làng” của TS.Hà Phụng.

DJI_0186_PHUONG THAO
Làng quê xứ Quảng. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Theo đó, từ 4 bản Bắc địa tấu từ mà ông Phụng sưu tầm, đối chiếu và lý giải, cho thấy làng Ngũ Giáp ngày nay chính là Phong Niên xã, mang ý nghĩa của năm được mùa. Ông Phụng tiếp tục nghiên cứu các gia phả tộc Hà Đức, tộc Võ tại làng Ngũ Giáp và đối chiếu với nhiều gia phả của các tộc họ trong vùng có quan hệ hôn nhân.

Ở các bản Bắc Địa tấu từ thời Bùi Tá Hán vào Quảng Nam năm 1545, xác định làng Phong Niên được lập xã hiệu trong giai đoạn từ 1555 đến 1560 - thời gian Bùi Tá Hán làm trấn thủ Quảng Nam, trước khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ năm 1570.

“Phả hệ làng” Phong Niên sau đổi thành Ngũ Giáp trong nghiên cứu của Hà Phụng được nhiều người ủng hộ. Sau này, họ tiếp tục ghi chép sự thay đổi tên làng.

Kỳ công của ông Phụng còn ở chỗ đã tìm ra những thay đổi địa vực của làng Ngũ Giáp, căn cứ vào địa bạ các thời kỳ Gia Long về sau, kể cả các chi tiết về đất đai, tứ cận, thủy đạo thời Gia Long, Minh Mạng. Địa danh Ngũ Giáp tồn tại từ đầu thế kỷ 20 đến năm 1945 còn được tác giả chứng minh từ các văn tự mua bán gạo, mua bán ruộng, cả tên trường Sơ học thời Pháp thuộc, ca dao dân ca.

Ngũ Giáp, Giáp Năm hay Phong Ngũ là tên của một làng được thay đổi theo thời gian. Phả hệ làng Ngũ Giáp sau nghiên cứu của ông Hà Phụng còn có sự tiếp bước của các ông Hà Sáu, Hà Cung, Võ Xuân Quế... Nhờ đó, họ tiếp tục lưu giữ dấu tích của các tộc họ, chùa làng, lai lịch của những nhà khoa bảng, di tích âm linh nghĩa tự, chùa cổ lẫn các di sản về văn học dân gian.

Những “phả hệ làng” là công việc của nhiều đời người nối tiếp nhau. Trong đó, có sự hợp sức, khuyến khích từ các dòng tộc của mỗi địa phương. Phả hệ làng hàm chứa yếu tố về lịch sử, dân tộc học, tâm lý học, giáo dục, văn hóa, nhân khẩu học, kể cả quan hệ hôn nhân trên một địa bàn. Phả hệ của mỗi làng giúp con người nhận thức, tiếp cận các khuynh hướng phát triển của mỗi địa phương, để sau đó quay lại hun đúc tình yêu quê hương, xứ sở.

Nếu mỗi làng Việt Nam đều có một phả hệ như đã dẫn, sẽ tạo cho chúng ta những chứng tích lịch sử vô giá!

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phả hệ làng, chuyện của đời người...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO