Với chủ đề “Chuyển đổi số (CĐS) giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”, các hoạt động hưởng ứng Ngày CĐS quốc gia năm nay tập trung phát động sáng kiến, giới thiệu sản phẩm, dịch vụ số, phổ cập kỹ năng số mang lại lợi ích thiết thực cho người dân. Phóng viên Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu về công tác CĐS số trên địa bàn tỉnh.
Chuyển động mạnh mẽ
- Cùng với kinh tế số, xã hội số, Quảng Nam đã tập trung đầu tư phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số đạt những kết quả nổi bật nào, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Bửu: Tỉnh Quảng Nam đã đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các ứng dụng dùng chung tạo nền tảng để hình thành chính quyền điện tử nhằm góp phần phục vụ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành, quản lý, phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Với các ứng dụng đã triển khai thống nhất, đồng bộ, kết nối liên thông dữ liệu giữa các cấp như hệ thống quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp - Qoffice, hệ thống một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, chữ ký số… đã thúc đẩy trao đổi, sử dụng văn bản điện tử và hình thành môi trường làm việc qua mạng, góp phần nâng cao hiệu quả công việc và cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Quảng Nam đã đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh; triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền, tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp…
Quảng Nam cũng ưu tiên, tập trung nguồn lực triển khai CĐS trong một số ngành, lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, mang lại các giá trị mới, thiết thực cho người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bao gồm: CĐS trong y tế, giáo dục, du lịch, nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, quản lý quy hoạch, xây dựng, giao thông vận tải; CĐS cấp xã gắn với xây dựng nông thôn mới.
- Thưa ông, với sự hưởng ứng mạnh mẽ của nhiều cơ quan, ban ngành, địa phương, doanh nghiệp, công tác CĐS đã xuất hiện những mô hình, cách làm hiệu quả nào?
- Ông Hồ Quang Bửu: Mừng nhất là thay đổi về tư duy và nhận thức trong thực hiện nhiệm vụ CĐS. Nếu trước đây còn có ý kiến bàn ra bàn vào nhưng bây giờ thì không, tất cả các ngành, địa phương từ tỉnh đến cơ sở đều nhận thức rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.
Với tinh thần đó, thời gian qua, Quảng Nam đã triển khai nhiều mô hình thiết thực như mô hình “Công dân không viết” hỗ trợ dịch vụ công trực tuyến (DVCTT); niêm yết bộ thủ tục hành chính (TTHC) và hướng dẫn DVCTT bằng mã QR; việc đăng ký hẹn giờ giải quyết TTHC tại Sở GTVT, Sở Tư pháp; đăng ký lịch khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam; giám sát việc thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính, CĐS bằng Bản đồ thực thi thể chế…
Ngoài ra, Quảng Nam đã triển khai mô hình kết hợp DVCTT và dịch vụ bưu chính công ích trong giải quyết TTHC. Sở GTVT thí điểm ứng dụng công nghệ thông tin trong cấp phép phương tiện bến thủy nội địa từ xa.
Cục Hải quan tỉnh triển khai công cụ hỗ trợ tra cứu các mặt hàng bách hóa, hàng tiêu dùng nhập khẩu có rủi ro cao tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Kỳ Hà… Các mô hình, sáng kiến phần nào đáp ứng đòi hỏi của người dân, tổ chức, doanh nghiệp về bộ máy hành chính thực sự chuyên nghiệp, đổi mới và hiện đại.
Nhiều vướng mắc
- Bên cạnh kết quả đạt được, CĐS đang gặp những khó khăn, thách thức gì, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Bửu: CĐS là cả quá trình, luôn biến động nên phải thường xuyên bổ sung, điều chỉnh phù hợp. CĐS khác với một sự việc cụ thể, do đó rất khó để trả lời câu hỏi thời gian nào sẽ kết thúc. Với đặc trưng đó, việc triển khai CĐS đã và đang gặp rất nhiều khó khăn từ vấn đề nhận thức đến hạn chế về hạ tầng, cơ sở dữ liệu, nền tảng CĐS, an toàn thông tin…
Chẳng hạn như vấn đề định mức trong thực hiện một số nhiệm vụ CĐS, do chưa có định mức cụ thể nên hiện nay nhiều cơ quan, đơn vị đang bị vướng. Cụ thể như việc triển khai bưu chính công ích, dù đã có chủ trương và thực tiễn cho thấy rất tiện ích cho người dân, nhưng do Bộ TT-TT chưa ban hành khung định mức nên cả chính quyền và doanh nghiệp bưu chính công ích cũng đang loay hoay trong triển khai thực hiện Quyết định 468 ngày 27.3.2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Rồi còn nhiều vướng mắc nữa, chẳng hạn như quy định như thế nào là thành phố thông minh; một số cơ chế, chính sách, quy định về giải quyết TTHC hiện nay còn chưa phù hợp việc triển khai thực hiện trên môi trường điện tử, chưa có hướng dẫn cụ thể về triển khai áp dụng chữ ký số, hồ sơ điện tử trong giao dịch giữa các cơ quan nhà nước với tổ chức công dân, gây trở ngại trong việc thực hiện CĐS…
- Vậy tỉnh sẽ có những giải pháp nào để khắc phục khó khăn nêu trên?
- Ông Hồ Quang Bửu: Muốn CĐS thành công, công tác tuyên truyền là số 1. Ngoài các phương tiện truyền thông truyền thống, cần lan tỏa CĐS trên các nền tảng mạng xã hội, phát huy vai trò của tổ công nghệ cộng đồng ở cơ sở… Mục đích cuối cùng của truyền thông là làm cho người dân hiểu được lợi ích của CĐS, phải chỉ cho được những chỗ làm tốt để lan tỏa, nhân rộng và cổ vũ làm theo.
Để thực hiện đồng bộ CĐS, mỗi huyện, thị xã, thành phố chủ động lựa chọn một đơn vị cấp xã để triển khai thử nghiệm công tác truyền thông, phổ biến các kỹ năng số cho người dân về truy cập và sử dụng internet, thư điện tử, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử, DVCTT...
Nhà nước cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, chương trình kế hoạch về CĐS; triển khai các chương trình đào tạo, tập huấn trực tuyến về CĐS; đầu tư phát triển hạ tầng số, nền tảng số đáp ứng yêu cầu CĐS; thúc đẩy phát triển kinh tế số với trọng tâm là phát triển doanh nghiệp công nghệ số, nội dung số, công nghiệp sáng tạo, kinh tế nền tảng, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử và sản xuất thông minh...
Chuẩn hóa cơ sở dữ liệu
- Cơ sở dữ liệu (CSDL) được xem là “trái tim” của CĐS, vấn đề này đã và đang được quan tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Ông Hồ Quang Bửu: Muốn CĐS thì phải có CSDL. Dữ liệu không chỉ được số hóa mà cần chuẩn hóa. CSDL ngành nào cũng quan trọng nhưng hiện nay dữ liệu về nhân thân và đất đai là ưu tiên hàng đầu, đó là trách nhiệm của ngành công an và TN-MT đang thực hiện, sau đó là dữ liệu các ngành y tế, giáo dục, tư pháp…
Quảng Nam đang nhận diện rõ những việc cần làm và đang tốc lực triển khai. Có CSDL thì mới dám nói đến sự tiện ích cho người dân. Ở khía cạnh khác, khi dữ liệu được số hóa, liên thông sẽ giúp cơ quan công quyền hoạt động hiệu quả. Tóm lại, CĐS làm sao người dân có lợi nhưng chính quyền cũng sử dụng thuận tiện.
- Xin ông cho biết giải pháp để CĐS một cách đồng bộ, hiệu quả?
- Ông Hồ Quang Bửu: Tỉnh ủy, UBND và các ngành chủ trương làm CĐS từ trên xuống, làm từ Trung ương chỉ đạo từ trên xuống nhưng đồng thời cũng triển khai từ dưới lên. Minh chứng là đến nay toàn tỉnh đã thành lập hơn 900 tổ công nghệ cộng đồng; nhiều xã bắt tay CĐS, xây dựng xã thông minh…
Ở cơ sở, các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông đã đồng hành với địa phương thực hiện CĐS, cung cấp những tiện ích số cho người dân. Cũng với tinh thần hướng đến tiện ích cho người dân, tỉnh đã chủ trương giảm phí cho người dân sử dụng DVCTT mức độ 3, 4; xây dựng ứng dụng Smart Quang Nam, tổng đài 1022… cung cấp các nền tảng số, tiếp nhận phản ánh, giải đáp kiến nghị người dân.
Chúng ta vẫn thường hay nói đến nhận thức, tuy nhiên theo tôi chỉ cần làm cho người dân thấy lợi ích từ CĐS thì ắt sẽ có nhận thức. CĐS là hãy làm những gì dễ sử dụng nhất thì chắc chắn người dân dùng; còn làm CĐS mà người dân chưa dùng chẳng qua là mình làm chưa đến...
- Xin cảm ơn ông!