Phải lòng Tam Kỳ

PHAN HOÀNG 02/06/2019 09:35

Nhớ xưa bận nọ khi đôi mươi, tôi chỉ biết Tam Kỳ qua… bản đồ. Cách quê tôi chừng bảy mươi cây số nhưng là xa lắm. Ngoài ra không hình dung gì thêm. Cũng chẳng phải duyên phận gì, chỉ là vác mảnh bằng ra trường, kiếm việc làm thôi, rồi tôi rớt về Tam Kỳ một cái đùng. Vậy mà ngoảnh lại, đã thấy nợ nần với mùi đất mùi cỏ xứ này gần ngót 20 năm.

Đường Hùng Vương, Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Đường Hùng Vương, Tam Kỳ. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Tam Kỳ, không phải nơi có thể khiến người ta ồ à lên ngay từ cái nhìn đầu tiên. Tôi cũng không bị “sét đánh” với Tam Kỳ như vậy. Không như Huế, có thể khiến si mê và yêu đắm đuối như phải bùa ngay từ lúc tôi đặt chân xuống ga Huế. Không như Đà Lạt, có thể khiến tôi mê mẩn và tương tư suốt những năm tháng sau này, dù chỉ một lần quờ tay vướng sương mù ở đó.

Thị xã - danh xưng hành chính ngày tôi đặt chân đến, nhìn đâu cũng thấy màu làng mạc, nó quen thuộc bởi cả dấu chân trâu bò nhẩn nha phía đám ruộng mênh mông cửa ngõ vào thị xã. Từ phía bên này cầu Bà Dụ, rồi cầu ông Trạng. Nó quen thuộc đến cả tiếng cuốc vọng lại phía bờ sông Bàn Thạch, tiếng ếch nhái ễnh ương phía bờ ao bên kia doi đất Đoan Trai vọng về, như đã nghe rồi, từ làng mình lớn lên. Nên thấy bình thường quá đỗi. Tuổi trẻ ham những thứ mới lạ, nên đâu thể yêu ngay được. Mà hóa ra, khi đi xa, dòm lại chỉ nhớ quay quắt những thứ tầm thường quen thuộc quanh nơi mình sống, gốc cây nọ, bờ sông kia, đám lau sậy, đám lục bình đâu đó ở quanh nội ô hay ngoại ô thành phố này. Và hóa ra, như một nhà văn miền Nam thốt lên khi lang bạt xứ người, rằng, khi nhớ đến quê xứ, chẳng ai nhớ thứ gì hào nhoáng lộng lẫy anh hùng hào kiệt, mà sẽ chỉ nhớ bạn bè thân thuộc, bà con chòm xóm, những chuyện cỏn con tầm thường. Nhưng, điều đó thì vào tuổi trung niên, tôi mới tường.

Mười mấy năm chạm chân vào xứ này, bận thì thôi, rảnh tôi lại chạy về quê. Như bao nhiêu người trẻ, chúng tôi chọn và coi Tam Kỳ như chốn ngụ cư. Bạn bè gặp nhau, hỏi “Bao giờ đi Tam Kỳ?”. Đi Tam Kỳ, như một mặc định trong vỏ não. Bữa nọ, tự dưng trả lời bạn “Mai về Tam Kỳ” rồi giật mình ngỡ ngàng mất mấy giây. “Về quê” thì luôn miệng chứ chưa bao giờ buông câu “về Tam Kỳ”. Tự hỏi như trả lời, đất này lặm vào mình tự bao giờ!

Góc nhỏ Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC
Góc nhỏ Tam Kỳ. Ảnh: NGUYỄN ĐIỆN NGỌC

Vậy đó, Tam Kỳ sẽ khiến bạn phải lòng, yêu lúc nào không hay. Thương mà thành nghĩa lúc nào không hay. Chỉ có cái nghĩa mới ăn đời ở kiếp với nhau được, tôi nhớ hình như xưa ngoại hay dạy như vậy. Không ào ào như bão, không say đứ đừ như “phải nắng”, nên cái sự thay đổi ở vùng đất ba sông cũng chậm rãi, từ tốn. Ở đủ lâu, tôi mới hiểu vì sao vẫn còn gần như nguyên vẹn nếp sống xưa ở những cái tên như chợ Củi, chợ Mai, chợ Man, phố Hoa kiều… Vùng đất ba sông, nên có thể thu nhận tất cả, nhưng hòa lẫn những thứ mới lạ thì cũng không phải dễ dàng. Sự bảo thủ đôi khi giúp chống chọi trước cơn lốc của đổi thay chóng vánh, của hư hao mất mát trong dòng dịch chuyển từ quê sang phố thị. Với Tam Kỳ, sự bảo thủ khiến tôi thấy an lòng hơn.

Người Tam Kỳ cũng lành như đất, nên nếu đã quen thích với sự vồn vã, vồ vập thì bạn sẽ hụt hẫng khi gặp ngay sự lạnh nhạt buổi đầu gặp gỡ. Thử vào một hàng quán nào đấy, tôi cam đoan sẽ như vậy nếu chủ quán là người gốc Tam Kỳ. Nhưng họ đủ ấm lạnh để người tinh tế cảm nhận sự chân thành. Điều đó níu chân những kẻ ngụ cư chọn đất sống mà không muốn dời gót nữa.

Như kiểu cái tên đọng lại cho khách dọc đường thiên lý sẽ là ngã ba Nam Ngãi, dù đã thành ngã tư lâu lắm rồi, ở đây, bạn sẽ gặp rất nhiều xưa cũ, của Tam Kỳ cả trăm năm trước, không chỉ với những thức quà như trà Mai Hạc hay cơm gà. Đó là tôi nhắc lại, nếu bạn sống đủ lâu để yêu đất này. Lữ khách qua đường thì tôi không dám chắc đâu…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phải lòng Tam Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO