(QNO) - Phạm Đức Nam - nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà, nguyên Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng là một người cộng sản kiên trung, thông minh và gan dạ, đã có những đóng góp xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ.
Thời chiến tranh, ông được coi là ông tướng “hậu cần” của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng và Đặc khu Quảng Đà.
Trong hoà bình, ông được coi là ông tướng trên mặt trận “nông nghiệp” của Quảng Nam - Đà Nẵng, là "tổng tư lệnh" chỉ huy xây dựng công trình Đại thuỷ nông Phú Ninh. Ông đã có nhiều sáng tạo làm thay đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp, tăng năng suất và sản lượng lương thực, giải quyết nạn thiếu đói sau chiến tranh, làm cho bộ mặt vùng nông thôn của xứ Quảng có nhiều thay đổi, ghi nhiều dấu ấn lịch sử cho đến ngày nay và mai sau… Bài viết này nhân 20 năm ông đi xa (2004-2024) và tiến đến kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng quê hương (1975-2025), như lời tri ân của thế hệ sau đối với ông.
Sinh ra từ làng Cẩm Sa
Làng Cẩm Sa là một làng “tiền hiền” của xứ Quảng. Nơi sản sinh ra những người con kiên trung, bất khuất của mảnh đất Điện Nam, Điện Bàn anh hùng.
Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, làng Cẩm Sa có 114 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong tổng số 198 Bà mẹ VNAH và 490 liệt sĩ trong tổng số 2.229 liệt sĩ của xã Điện Nam.
Cẩm Sa là nơi ghi dấu ấn chiến công 7 dũng sĩ của Đội công tác xã Điện Nam trong cuộc chiến chống quân Mỹ, ngụy tại khu vườn nhà ông Lợi, gần bến đò Cẩm Sa.
Đầu năm 1969, Đội công tác xã Điện Nam được thành lập, do Bí thư Đảng uỷ xã Điện Nam làm đội trưởng, biên chế 7 người là những cán bộ, du kích dày dạn kinh nghiệm và dũng cảm.
Từ năm 1969-1971, Đội thường hoạt động tại vùng Đông huyện Điện Bàn, tổ chức nhiều trận đánh du kích, nhỏ lẻ để tiêu hao sinh lực dịch, ngăn chúng mở tuyến đường Đà Nẵng đi Hội An, bảo vệ hành lang và vùng cứ cách mạng.
Sáng 19/1/1972, dưới sự hỗ trợ của không quân, pháo binh, tàu chiến, xe tăng, xe bọc thép, khoảng một đại đội bộ binh địch tràn vào Cẩm Sa nhằm tiêu diệt đội công tác. Đội Công tác đã đánh trả quyết liệt, tiêu diệt 1 xe xăng, 1 máy bay, loại khỏi vòng chiến đấu 47 tên địch.
Sau 10 giờ chiến đấu với tương quan lực lượng khá chênh lệch, các anh đã anh dũng hy sinh. Nhà nước đã truy tặng Đội công tác xã Điện Nam danh hiệu Anh hùng LLVTND. Dân làng Cẩm Sa đã dựng miếu thờ 7 dũng sĩ tại vườn nhà ông Lợi, nơi các anh đã hy sinh lúc xưa.
Nhân dân Cẩm Sa rất biết ơn công lao của 4 vị lãnh đạo cách mạng tiền bối của làng, nên đã trân trọng treo 4 tấm ảnh tại Nhà Truyền thống của làng, gồm Lý Văn Quí (Lý Văn Trân) - Bí thư Huyện ủy Điện Bàn, Bí thư Quận uỷ Quận 3, thành phố Đà Nẵng; Nguyễn Hồng Thắng - Anh hùng LLVTND - nguyên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Huyện ủy Điện Bàn; Phạm Đức Nam - nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng; Lê Diêu - Bí thư Chi bộ đầu tiên của làng Cẩm Sa.
Những người con của làng Cẩm Sa đã trở thành tướng lĩnh cấp cao như Thượng tướng Lê Thế Tiệm, Trung tướng Trần Đối, Trung tướng Nguyễn Văn Thảng, Thiếu Tướng Phạm Bân và Thiếu tướng Phạm Mai. Trong đó có 3 vị tướng được phong Anh hùng LLVTND là Trung tướng Trần Đối, Thiếu tướng Phạm Bân và Thiếu tướng Phạm Mai. Đến nay, xã Điện Nam có 7 vị tướng, thì làng Cẩm Sa có 5 vị nêu trên.
Phạm Đức Nam - từ vị tướng “hậu cần” trong kháng chiến
Phạm Đức Nam tên thật là Phạm Triêm. Khi tham gia cách mạng ông lấy tên của con là Phạm Đức Nam để hoạt động.
Ông sinh ngày 2/2/1922, năm lên 8 thì mồ côi cha, gia cảnh sa sút, nhưng ông vẫn cố gắng học hành, đến năm 1935, ông đỗ Sơ học yếu lược và sớm giác ngộ cách mạng.
Tháng 5/1945, ông tham gia Tổ Việt Minh làng Cẩm Sa, sau đó làm Bí thư Đoàn Thanh niên cứu quốc tổng Thanh Quít, tham gia khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám 1945 tại Phủ đường Điện Bàn. Sau đó làm Bí thư Hội Nông dân cứu quốc, Phó Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Mặt trận Việt Minh làng Cẩm Sa.
Ngày 10/9/1947, ông được kết nạp vào Đảng và tiếp tục hoạt động tại địa phương, được giao trọng trách làm Bí thư Chi bộ làng Cẩm Sa, rồi Bí thư xã uỷ Điện Nam.
Đến tháng 9/1949, được cử vào Huyện uỷ Điện Bàn, làm Trưởng ban Dân vận huyện. Đầu năm 1950, ông được điều động về làm cán bộ nghiên cứu của Văn phòng Tỉnh uỷ, rồi Trưởng ban nghiên cứu tình hình chung của Uỷ ban Kháng chiến - Hành chính tỉnh. Năm 1951, ông được cử làm Chi Sở trưởng Kho thóc của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, cùng với nhiều đồng chí nữa, ông được tập kết ra Bắc nhưng ông chỉ ở miền Bắc trong một thời gian ngắn. Sau khi có Nghị quyết 15 của Ban Chấp hành Trung ương (1/1959), ông là một trong số cán bộ được chọn trở về miền Nam chiến đấu sớm nhất.
Lúc mới về nam, ông được phân công nhiệm vụ xây dựng căn cứ ở vùng núi của tỉnh, kiêm chỉ huy công tác hậu cần cho lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông nhận thấy, trong công tác xây dựng căn cứ cũng như lo hậu cần cho lực lượng vũ trang đều phải dựa vào dân, mà trước hết phải làm cho dân no, có dư lương thực mới cung cấp cho bộ đội. Và hơn thế là xây dựng “căn cứ lòng dân”. Vì vậy, cùng với xây dựng căn cứ, ông đã vận động đồng bào dân tộc thiểu số cùng cán bộ lo tăng gia sản xuất.
Thế là hàng loạt rẫy sắn, bắp mọc lên với những cái tên như “rẫy cách mạng”, “rẫy đoàn kết”, “rẫy nhớ Bác Hồ”, “rẫy mong thống nhất”... Thấy trồng sắn, 6-7 tháng mới thu hoạch được, ông có sáng kiến trồng lúa ngắn ngày. Nên ông đã vận động nhân dân trồng lúa Ba Trăng do chính ông ra tận A Lưới đem giống về trồng chỉ 3 tháng là thu hoạch.
Cùng với lương thực, muối để ăn là rất quan trọng. Thấy cán bộ và nhân dân thiếu muối, ốm đau, bệnh tật, ông rất đau lòng. Nhưng làm sao mang được muối từ đồng bằng lên căn cứ và bảo quản muối là rất nan giải. Nhưng ông Phạm Đức Nam vừa chỉ đạo quyết liệt đi tìm nguồn muối, vừa sáng tạo trong cách bảo quản muối lâu dài. Ông thành lập các “con đường muối cách mạng” ở 3 cánh trên địa bàn tỉnh là cánh Ô Rây, Tống Cói - Đông Giang; cánh Nà Lau, Khe Sé - Quế Sơn; cánh Hạ Sơn, Tiên Lãnh - Tiên Phước, móc nối với cơ sở ở đồng bằng để mua từng ang muối đưa lên cứ. Ông có sáng kiến đắp muối thành từng ụ, rồi đốt cho muối chảy và kết tinh lại thành những “tảng đá muối” bảo quản trong rừng sâu, để dùng lâu dài.
Cuối năm 1960, ông được bổ sung Tỉnh uỷ viên dự khuyết, phân công đảm nhận Phó ban Kinh tài tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Cuối năm 1962, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng được chia thành hai đơn vị hành chính là tỉnh Quảng Nam và tỉnh Quảng Đà.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Đà lần thứ V, được tổ chức vào tháng 1/1963 tại làng Đào, huyện Bến Hiên, ông được bầu vào Tỉnh uỷ Quảng Đà, làm Trưởng ban Kinh tài tỉnh Quảng Đà. Trong giai đoạn này, ông tiếp tục lãnh đạo lo công tác hậu cần, đảm bảo lương thực, thuốc men, vũ khí, nhu yếu phẩm, tài chính phục vụ chiến đấu, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - nguỵ, giải phóng hoàn toàn vùng nông thôn của tỉnh.
Năm 1965, khi Mỹ đổ quân vào Đà Nẵng, trực tiếp xâm lược nước ta, ông được cử làm Chủ tịch Hội đồng cung cấp tiền phương Quảng Đà.
Tại Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ IX (8/1971) và lần thứ X (9/1973) ông được bầu làm Phó Bí thư Đặc khu uỷ, Chủ tịch UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà.
Trong giai đoạn 10 năm chiến đấu gian khổ (1965-1975), nhất là sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam thành lập (6/1969), UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà và các ngành được hình thành và dần dần lớn mạnh, dưới sự lãnh đạo của ông, đã luôn luôn đảm bảo hậu cần phục vụ chiến đấu, góp phần đánh thắng 2 cuộc chiến tranh của địch là “Chiến tranh cục bộ” và “Việt Nam hoá chiến tranh”.
Thời chiến tranh, trực thuộc UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà, ngoài Văn phòng Ủy ban nhân dân cách mạng Đặc khu, còn có các ban như Ban Tài mậu, Ban Lương thực, Ban Thương nghiệp, Ban Giao vận, Ban Giao bưu, Ban Giáo dục, Ban Dân y và Ban Sản xuất. Ban đầu các cơ quan đóng tại vùng giáp ranh giữa huyện Đại Lộc và huyện Nam Giang (gọi là Căn cứ A7). Đến tháng 4/1973, UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà và các đơn vị trực thuộc chuyển về đóng tại Thạnh Mỹ, Nam Giang. UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà cùng văn phòng đóng cơ quan tại làng Mực.
Tại đây, Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà lần thứ X được tổ chức từ ngày 4 đến 10/9/1973. Phó Bí thư, Chủ tịch Phạm Đức Nam là người chỉ huy chuẩn bị tổ chức đại hội. Đại hội lần này có ý nghĩa rất lớn, là đại hội cuối cùng trong kháng chiến. Đại hội đã tổng kết 19 năm kháng chiến chống Mỹ và chuyển hướng tấn công địch, quyết tâm giải phóng quê hương!
Phạm Đức Nam không chỉ là tướng “hậu cần”, trong Chiến dịch Giải phóng Thượng Đức (8/1974), ông được cử tham gia trong ban chỉ huy chiến dịch. Ông đã lãnh đạo bộ đội địa phương đánh thắng các trận vòng ngoài để phối hợp với bộ đội chủ lực tiêu diệt Chi khu quận lỵ Thượng Đức của ngụy, vận động hơn 13.000 dân nổi dậy phá khu dồn, diệt tề nguỵ để ra vùng giải phóng.
Có được dân, ông lại lãnh đạo tổ chức lo đời sống của nhân dân cho đến ngày giải phóng quê hương (3/1975). Trước đó, ông đã lãnh đạo mở các tuyến đường từ Trao (Đông Giang) và từ Thành Mỹ (Nam Giang) xuống áp sát Thượng Đức để phục vụ vận chuyển bộ đội, vũ khí, khí tài và hậu cần phục vụ chiến đấu giải phóng Thượng Đức.
... Đến tướng trên “mặt trận nông nghiệp” của xứ Quảng
Sau ngày giải phóng Đà Nẵng, ông Phạm Đức Nam tiếp tục làm Phó Bí thư, Chủ tịch UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà cho đến khi tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà sáp nhập thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, ông được cử vào Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, giữ chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Từ năm 1982, ông là Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng và nghỉ hưu từ đầu năm 1987.
Trong gần 12 năm, kể từ ngày giải phóng quê hương (3/1975), trên các cương vị Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, với tinh thần trách nhiệm cao và sáng tạo trong công việc, ông Phạm Đức Nam đã có những cống hiến xuất sắc trong việc hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quảng Nam - Đà Nẵng thành địa phương đầu tàu của khu vực Duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.
Những năm tháng đầu tiên sau ngày giải phóng với rất nhiều công việc bận rộn, từ việc đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội, đưa dân từ các khu dồn của địch và dân đã tản cư ra thành phố về lại quê cũ, lo ổn định đời sống của nhân dân, giúp dân bắt tay vào sản xuất... Ông Phạm Đức Nam lúc đó được giao làm "tướng" trên "mặt trận nông nghiệp".
Sau ngày giải phóng, lương thực là vấn đề hàng đầu và cũng là vấn đề căng thẳng nhất. Được sự thống nhất về chủ trương của lãnh đạo, ông đã bắt tay ngay vào khôi phục sản xuất lương thực, ưu tiên là trồng lúa nước. Công việc đầu tiên là phải rà phá bom mìn còn sót lại trong chiến tranh. Cùng với đó là di chuyển mồ mả chôn dưới ruộng đi nơi khác và khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích trồng lúa nước.
Vấn đề thuỷ lợi được xác định ưu tiên hàng đầu trong sản xuất nông nghiệp, do đó một mặt tỉnh đã xây dựng hệ thống các trạm bơm dọc các con sông để bơm nước vào các cánh đồng; mặt khác, khôi phục lại các hồ, đập cũ và quan trọng hơn là lãnh đạo tỉnh quyết tâm huy động các nguồn lực để xây dựng công trình Đại thuỷ nông Phú Ninh để có nước tưới cho các huyện phía Nam và một phần diện tích của huyện Duy Xuyên lúc đó.
Sau thời gian chuẩn bị, được sự đồng ý của trung ương, đúng ngày 29/3/1977, kỷ niệm 2 năm ngày giải phóng Đà Nẵng, lễ khởi công công trình đã được tổ chức. Sau hơn 9 năm xây dựng, ngày 27/3/1986, công trình đã được khánh thành và vận hành khai thác.
Hồ Phú Ninh được hình thành bởi hệ thống đập với đập chính có chiều cao lớn nhất 40m và dài 620m và 1 đập phụ. Diện tích lưu vực hồ là 235km2 và dung tích 344 triệu m3, phục vụ tưới tiêu cho hơn 23.000 ha lúa và hoa màu. Để dẫn được nước Phú Ninh về vùng cát đã có nhiều sáng kiến như xây cầu máng (như cầu Tam Hoà), dùng tôn làm kênh thuỷ lợi …
Có được hệ thống thuỷ lợi tương đối hoàn chỉnh, đồng chí Phạm Đức Nam suy nghĩ phải tăng sản lượng lúa bằng cả thâm canh tăng năng suất và tăng vụ. Ông đã chỉ đạo nghiên cứu khảo nghiệm và du nhập giống lúa mới thích nghi, trong đó giống 13/2 được nhân dân dùng đại trà, đồng thời ông chỉ đạo tăng thêm trồng lúa vụ xuân hè. Vì vậy, ông Phạm Đức Nam được bà con nông dân đặt cho cái tên thân mật là ông “Phạm Xuân Hè”!
Nhờ đó, sản lượng lương thực toàn tỉnh đã tăng thêm 20%. Giải quyết cơ bản vấn đề lương thực, Phạm Đức Nam nghĩ đến việc chuyển đổi cơ cấu trong ngành nông nghiệp bằng phát triển chăn nuôi, phát triển các cây công nghiệp ngắn ngày, khôi phục lại ngành dâu - tằm - tơ - lụa, phát triển nuôi trồng thủy sản, mà thành công nhất ở Quảng Nam - Đà Nẵng lúc bấy giờ là nuôi tôm nước lợ để xuất khẩu. Để làm được các việc này, ông đã vận động, cỗ vũ, khuyến khích anh em làm công tác khoa học kỹ thuật, nghiên cứu áp dụng các giống cây trồng, vật nuôi, thực hiện lai tạo đàn bò, đàn lợn. Thành công nhất là anh em kỹ thuật đã nghiên cứu nuôi tôm bố, mẹ cho đẻ và nuôi tôm sú giống để cung cấp cho nông dân. Tỉnh cũng đã quy hoạch các vùng nuôi tôm nước lợ trên các địa bàn và đã hình thành một ngành mũi nhọn lúc bấy giờ là nuôi tôm sú xuất khẩu!
Ông Phạm Đức Nam đã đi xa đúng 20 năm (2004-2024), nhưng di sản của ông để lại rất nhiều và còn phát huy. Những dấu ấn của ông trong chiến tranh cũng như thời bình đã in đậm trong lòng các dân tộc người dân xứ Quảng trên khắp mọi miền xuôi ngược!
___________________
* Bài viết có sử dụng các tư liệu Ban Tuyên Giáo Tỉnh uỷ Quảng Nam, “ Quảng Nam - Những tấm gương cộng sản” (Tập II), , NXB Đà Nẵng - 2012; Hoàng Minh Nhân, “Anh Sáu Nam”, NXB Văn học - 2004; Kỷ yếu Văn phòng UBND Cách mạng Đặc khu Quảng Đà trong kháng chiến chống Mỹ (1969-1975), NXB Đà Nẵng-2014 và các tư liệu do anh Phạm Đức Nam (con) cung cấp.