Văn hóa - Văn nghệ

Phan Tứ và dấu ấn ở vành đai lửa Núi Thành

Đặng Trương 29/03/2025 12:58

(VHQN) - Phan Tứ - một trong những nhà văn có mặt sớm nhất ở chiến trường Khu 5 và Quảng Nam thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Những tác phẩm ông viết ở vành đai lửa Núi Thành trở thành viên ngọc của nền văn học cách mạng Việt Nam…

anh-le-hong-cuong-con-trai-nha-van-phan-tu-lat-lai-nhung-trang-nhat-ky-ghi-chep-tu-tu-my-ky-sanh-chu-lai-nui-thanh-2.jpg
Anh Lê Hồng Cương (bìa trái) con trai nhà văn Phan Tứ lật lại những trang nhật ký ghi chép từ Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, Chu Lai - Núi Thành.

Từ không gian văn học Tứ Mỹ - Kỳ Sanh

Năm 1961, nhà văn Phan Tứ lên đường đi B, vào chiến trường Khu 5 khốc liệt. Vừa vào đến Quảng Nam, nhà văn lập tức có mặt ở vùng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, đây là khu vực đồng bằng giải phóng đầu tiên của Khu 5 bấy giờ.

Nhà văn Hồ Duy Lệ cho rằng, việc nhà văn Phan Tứ tiếp cận ngay khi mở ra vùng giải phóng Tứ Mỹ - Kỳ Sanh có ý nghĩa rất lớn trong cuộc đời văn nghiệp của ông.

“Những tư liệu nhà văn Phan Tứ thu thập được lúc đó quý như vàng. Nhà văn có điều kiện tiếp cận với nhiều gia đình cách mạng, tấm gương du kích, liên lạc gan dạ, các bà mẹ hết lòng vì cách mạng… để từ đó viết nên những bộ tiểu thuyết có giá trị như “Mẫn và tôi” hay “Gia đình má Bảy”, “Về làng” - nhà văn Hồ Duy Lệ nói.

Về Tứ Mỹ, Phan Tứ được tổ chức giới thiệu đến ở và làm việc trong gia đình bà Trần Thị Tranh - nguyên mẫu nhân vật má Bảy trong tiểu thuyết “Gia đình má Bảy”. Bà Bùi Thị Lợi - con gái út bà Trần Thị Tranh (80 tuổi), vẫn không thể phai nhạt hình ảnh nhà văn Phan Tứ đầy ắp kỷ niệm với gia đình bà.

Bà Lợi nhớ lại: “Anh Tứ ai không biết đều nói ảnh khó tính vì rất nghiêm túc, hiếm khi đùa giỡn. Nhưng anh ấy lại sống tình cảm chân thành. Má tôi xem Phan Tứ như con ruột của mình”.

Ngôi nhà bà Trần Thị Tranh ngày ấy chỉ là mái tranh đơn sơ. Bà Tranh đào cho nhà văn căn hầm phía cuối vườn để ẩn nấp và giấu tài liệu mỗi khi có động hoặc địch rải bom.

Bà Bùi Thị Lợi nói: “Ban ngày, nhà văn Phan Tứ ngồi viết một mình ở căn chòi tranh trên đồi. Ông viết hàng trăm, hàng ngàn trang bằng đủ thứ tiếng”.

Từ mảnh đất Tứ Mỹ - Kỳ Sanh, nhà văn vừa sống cùng nhân dân, tham gia các phong trào đoàn thể cách mạng và ghi chép tư liệu.

Trong nhật ký của mình, nhà văn viết: “Những tính toán riêng tư cháy vèo đi bên những gương anh hùng chói lọi”…

Vừa công tác, ông vừa viết những truyện ngắn nảy sinh từ cuộc chiến đấu, đưa cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đọc. Tập “Về làng” đã được hình thành như vậy.

Nhà nghiên cứu văn học Phạm Phú Phong nói: “Tiểu thuyết “Gia đình má Bảy” là bộ tiểu thuyết đầu tiên viết về phong trào đồng khởi ở miền Nam. Nhà văn đã rất thành tâm, trung thực trong trang viết với tất cả những diễn biến cuộc sống, cuộc chiến đấu của nhân dân lúc bấy giờ. Tôi cho rằng Phan Tứ là một nhà văn tiêu biểu nhất của nền văn học cách mạng Việt Nam”.

ba-dinh-thi-phuong-thao-doc-lai-nhung-la-thu-tay-viet-tu-chien-truong-cua-nha-van-phan-tu.jpg
Bà Đinh Thị Phương Thảo - vợ nhà văn Phan Tứ đọc lại những lá thư tay viết từ chiến trường của nhà văn Phan Tứ.

...đến vành đai lửa Chu Lai

Cùng với tiểu thuyết “Gia đình má Bảy”, “Về làng”, tiểu thuyết “Mẫn và tôi” của ông đã tạo tiếng vang lớn và có sức hấp dẫn với người đọc. Nhà thơ Tố Hữu đã gọi đó là “quyển sách gối đầu giường của thanh niên miền Bắc”.

Qua hai nhân vật chính Mẫn và Thiêm, tiêu biểu cho lớp cán bộ trẻ, dũng cảm, thông minh; tác giả đã tái hiện chân thật cuộc chiến đấu của quân dân ở vùng vành đai ác liệt sát căn cứ Chu Lai.

“Phải không em, Mẫn, dù anh đi khắp chân trời góc biển, mỗi lần ra trận chúng mình lại gặp nhau; có phải lúc này em đang quấn quít bên anh, em gần đến nỗi anh chỉ đẩy ngón tay đặt lên tim là nghe ngay tiếng người thương rủ rỉ trong tai, kể rằng quê ta thắng Mỹ rất ngon và hai đứa mình là bông bạc vẫy hai ngón giữa dòng… (trích “Mẫn và tôi”).

Nhà văn Hồ Duy Lệ nhìn nhận: “Mẫn và tôi” là tác phẩm vừa có giá trị văn chương vừa có giá trị thực tiễn của cuộc chiến đấu ở vùng vành đai Núi Thành bấy giờ. Thực tiễn trong trang viết của nhà văn phục vụ cho cuộc chiến đấu giai đoạn đó và sau này. Đó thực tiễn của lòng dân xứ Quảng nói riêng, cả miền Nam nói chung đối với cách mạng là không thay đổi…”.

Nhà văn Bùi Xuân - Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng cho rằng: “Những nhân vật nữ trong tiểu thuyết của nhà văn Phan Tứ vô cùng đặc biệt, điển hình cho tính cách người Quảng Nam, như Mẫn, má Bảy…”.

Chính vì giá trị to lớn mà “Mẫn và tôi” đạt được như vậy nên khi nhà văn Phan Tứ qua đời, trong rất nhiều vòng hoa mang đến đưa tiễn ông, có một vòng hoa ghi dòng chữ: “Mẫn và tôi” sống mãi mãi.

Và theo nhà thơ Thanh Quế, đó là hạnh phúc lớn nhất của một đời nhà văn…

Cũng chính từ vành đai lửa Núi Thành, nhà văn Phan Tứ đã ghi chép hàng ngàn trang nhật ký bằng các thứ tiếng Anh, Pháp, Đức, Lào… để sau này gia đình có điều kiện tập hợp hình thành bộ nhật ký “Từ chiến trường Khu 5”.

Nhà văn Thái Bá Lợi nói: “Khi thực hiện cuốn nhật ký này ngoài việc cần những nhà văn am hiểu chiến trường còn cần những người giỏi về ngoại ngữ mới hoàn thành được. Đây chính là ấn tượng mạnh mẽ của tôi về một nhà văn có kiến thức uyên thâm, làm việc cẩn thận…”.

ba-bui-thi-loi-tuc-ut-ngan-tro-chuyen-tro-chuyen-cung-tac-gia.jpg
Bà Bùi Thị Lợi tức Út Ngân kể lại kỷ niệm với nhà văn Phan Tứ.

Vĩ thanh...

Có thể nói, dấu ấn của nhà văn Phan Tứ đối với mảnh đất Quảng Nam, đặc biệt là với vành đai Chu Lai, Núi Thành là vô cùng lớn.

Khi về Tứ Mỹ - Kỳ Sanh (Tam Mỹ Tây bây giờ) chúng tôi hết sức xúc động khi vẫn còn căn hầm bí mật phía sau vườn nhà cũ bà Tranh - nơi nhà văn trú ẩn.

Tiếc là vẫn chưa thể có một tấm bia khắc ghi dấu tích căn hầm, căn chòi và khu vườn đầy ắp kỷ niệm với nhà văn Phan Tứ, để nhắc nhớ thế hệ sau về những cống hiến, hy sinh của cha anh cho độc lập dân tộc...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phan Tứ và dấu ấn ở vành đai lửa Núi Thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO