Chính trị

Trở lại những vùng “đất lửa” - Bài cuối: Chặn đứng vành đai trắng

LÊ MỸ 26/07/2024 07:00

Không thể đếm xuể bao máu xương của bộ đội, du kích xã Kỳ Yên, huyện Nam Tam Kỳ (nay là xã Tam Sơn, Núi Thành) đã đổ xuống trong nỗ lực ngăn chặn Mỹ - ngụy mở rộng vành đai trắng, bảo vệ vững chắc cho căn cứ cách mạng...

TAM SON 2
Ảnh hưởng của bom mìn, chất độc hóa học, mất rất nhiều năm, người dân xã Tam Sơn mới có thể khai hoang, phục hóa, mang màu xanh trở lại trên quê hương. Ảnh: H.Q

Giữ vùng cách mạng

Trong ký ức của ông Nguyễn Xuân Công (85 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy xã Tam Sơn vẫn khắc sâu những cột mốc trong công cuộc đấu tranh chống Mỹ.

Ông Công kể, năm 1961 ông rời Kỳ Bích (Tam Xuân 2 ngày nay) lên Kỳ Yên và Kỳ Trà (Tam Trà, Núi Thành ngày nay) hoạt động. Những năm 1964, quân chủ lực Khu 5 san bằng nhiều đồn bốt, bẻ gãy hai chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch ở Núi Thành; hỗ trợ du kích và quần chúng nhân dân nổi dậy, phá tan bộ máy kìm kẹp của địch, giải phóng nhiều khu vực, trong đó có Kỳ Yên.

Tháng 9/1964, Trung đoàn 1 (Khu 5) phối hợp với bộ đội huyện, du kích xã Kỳ Yên và Kỳ Trà đã đẩy lùi âm mưu tấn công vào vùng giải phóng của địch, loại khỏi vùng chiến đấu một đại đội địch; buộc các tên hội đồng, ấp trưởng và lính nghĩa quân ra đầu hàng; thu hàng trăm khẩu súng các loại.

Vùng giải phóng Kỳ Yên lúc này được nhiều cơ quan, đơn vị chọn làm nơi đóng quân, hoạt động, như Tỉnh ủy, Xưởng quân giới huyện, Thị đội Tam Kỳ, các đơn vị pháo binh Khu 5, bệnh xá, kho lương,...

Với những chiến công trong công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân Kỳ Yên được Nhà nước tặng thưởng 2 Huân chương Chiến công hạng Nhì, 3 Huân chương Giải phóng hạng Nhì, 5 Huy chương Giải phóng, cùng nhiều bằng khen, giấy khen khác.

Toàn xã có 90 dũng sĩ diệt Mỹ, 35 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 338 liệt sĩ và có 578 cán bộ, nhân dân được trao tặng, truy tặng huân chương, huy chương... Năm 2002, Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhận định rõ được vị trí chiến lược của Kỳ Yên và Kỳ Trà, từ năm 1965, khi xây dựng căn cứ Chu Lai, Mỹ tổ chức chức nhiều cuộc càn quét, liên tục dùng máy bay trinh sát để ném bom, pháo hạm bắn phá theo tọa độ vào khu vực này.

Đồng thời đốt nhà, xúc hết dân vào khu dồn chiến lược Lý Trà (Tam Anh Bắc ngày nay) và khu dồn Hương Sơn (phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ ngày nay).

Ông Công kể, ngày qua ngày pháo sáng rực trời, chẳng còn mấy nóc nhà nhô lên trên đất Kỳ Yên. Nhiều phụ nữ địa phương đấu tranh trực diện, yêu cầu không được đốt nhà, tàn phá hoa màu,… thì chúng càng điên cuồng đàn áp, thậm chí bắt một số phụ nữ mang đi thủ tiêu.

Cuối năm 1968, để hiện thực hóa kế hoạch xây dựng vành đai trắng từ Kỳ Sanh (Tam Mỹ Đông - Tam Mỹ Tây ngày nay) qua Kỳ Yên nối lên khu vực giáp giới Trà My - Tiên Phước, quân địch cho máy bay, xe tăng càn vào Kỳ Yên, chốt chặn các điểm cao, san bằng nhà cửa, ruộng vườn.

Tàn ác nhất, chúng dùng máy bay rải chất độc hóa học hủy diệt, bức dân rời bỏ vùng giải phóng vào các khu dồn, ấp chiến lược. Tính cả già, trẻ, du kích và cán bộ xã Kỳ Yên thì chỉ còn hơn 100 người bám trụ.

Bám đá chiến đấu

Mặt đất có xe cày ủi, lính lùng sục. Trên trời máy bay liên tục ném bom, rải chất độc hóa học. Ruộng vườn, hoa màu héo úa, cây rừng cháy khô. Bộ đội, du kích địa phương bị dồn vào sát đèo Phường Tổng.

TAM SON 1
Sớm đứng vào hàng ngũ của Đảng, trực tiếp chiến đấu và lãnh đạo nhân dân vượt qua khó khăn, giữ vững thành quả cách mạng... trở thành niềm tự hào của ông Nguyễn Xuân Công. Ảnh: H.Q

Theo thời gian, khi phát hiện nơi ẩn nấp của bộ đội, du kích trong núi, Mỹ sử dụng tàu gáo bay tầm thấp để thổi cây cối ngã liệt. Mấy lán trại anh em du kích dựng lên sát mép đá, rất kín đáo cũng bị thổi bay.

Sau đó chúng báo hiệu máy bay thả bom, rồi cho quân đổ bộ lên núi lùng sục. Nắm được phương thức hành động của địch nên bộ đội, du kích và người dân kịp thời tìm khu vực tránh trú an toàn từ sớm.

“Ngày nào địch cũng nã pháo, đánh bom, lùng sục trong núi nên cán bộ, du kích dần quen, chẳng ai có tâm lý sợ sệt. Dựa vào địa hình núi đá hiểm trở, dù nằm ngay cạnh thì địch cũng chẳng phát hiện hay mò ra dấu vết” - ông Nguyễn Xuân Công nói.

Ông Công chia sẻ, trước sự càn quét của địch, anh em du kích đợi khi đêm xuống thì ra ruộng, đào khoai xiêm mang lên núi nấu ăn. Có một thời gian hưởng ứng phong trào tăng gia sản xuất, người dân bắt đầu trồng nhiều ruộng khoai xiêm. Nguồn lương thực ít ỏi nhưng quý giá này chính là của “để dành” cho du kích, bộ đội.

“Như tinh thần người Kỳ Yên, khoai xiêm có sức sống mãnh liệt, đạn bom liên miên, lá có khô, dây có cháy thì củ vẫn nguyên vẹn. Bữa khoai luộc nối tiếp bữa khoai nướng cũng lấp đầy cái bụng đói sau một ngày uống nước cầm chừng, lấy sức tiếp tục chiến đấu” - ông Công chia sẻ.

Không thể đánh trực diện, sau khi thăm dò nắm được vị trí địch đóng quân, du kích địa phương chia thành các tổ nhỏ, men theo bờ, bụi phục sẵn.

Lợi dụng đêm tối, đợi chúng lơ là phòng bị thì đồng loạt ném mìn, lựu đạn. Đôi ba ngày lại bị “ăn mìn” khiến quân địch không thể ngủ yên. Để trả thù, ban ngày chúng điên cuồng nã pháo, truy lùng khắp núi...

“Phía chân núi, bà con trốn khỏi ấp chiến lược, tìm đường về dựng nhà, tăng gia sản xuất. Mỹ - ngụy phát hiện, bắt xuống khu dồn thì người khác lại trốn về. Họ trở thành tai mắt cho cách mạng và từng bước ngăn chặn kế hoạch vành đai trắng của chúng” - ông Công nói.

Chiến công của du kích Kỳ Yên

Qua 21 năm kháng chiến chống Mỹ, không chỉ chặn đứng vành đai trắng của địch, người dân Kỳ Yên đã tổ chức hơn 100 cuộc đấu tranh trực diện; du kích và bộ đội xã Kỳ Yên đã đánh hơn 1.750 trận lớn nhỏ.

TAM SON 3
Hàng trăm chiến sĩ đã ngã xuống trên đất Tam Sơn trong những năm chống Mỹ. Ảnh: H.Q

Qua các trận đánh, đã loại khỏi vòng chiến đấu 3.896 tên địch, phá hủy 491 súng, sản xuất được 300 quả mìn; bứt rút 16 đồn bót, phá 2 ấp chiến lược, 2 khu dồn; bắn rơi 12 máy bay; bắn cháy và làm hỏng 25 xe tăng, xe bọc thép.

Có những “tay súng nhân dân” đã ghi vào lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Tam Sơn, khi bắn rơi các loại máy bay địch. Điển hình như du kích bắn rơi 3 tàu bay rọ, phá hỏng 3 chiếc khác và tiêu diệt 12 tên dịch tại tại xóm Gò, thôn Mỹ Đông vào năm 1968.

Năm 1970, du kích địa phương lại bắn rơi 1 máy bay HU1A, 1 máy bay OH13 và tiêu diệt nhiều tên địch. Đây là những trận đánh được Tỉnh đội báo cáo điển hình để rút kinh nghiệm cho du kích toàn tỉnh.

Du kích liên tục lập công, người dân miệt mài bám làng khai hoang, sản xuất, Kỳ Yên từ địa bàn trọng điểm đánh lâu dài với địch, đã vùng lên giải phóng hoàn toàn vào cuối năm 1973.

Đây là tiền đề để cách mạng xây dựng hậu cứ vững chắc, bảo đảm an toàn cho các đơn vị đứng chân, làm bàn đạp tiến về phía trước, góp vào chiến công giải phóng quê hương năm 1975.

Xã Kỳ Yên - tên gọi đã làm nên chặng đường lịch sử vang dội của vùng đất Tam Sơn anh hùng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Trở lại những vùng “đất lửa” - Bài cuối: Chặn đứng vành đai trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO