Thực hiện Kết luận số 01, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05, năm 2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam triển khai chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người góp phần xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước vào năm 2030”.
Không biết có phải ngẫu nhiên, năm 2024 cũng vừa tròn 10 năm Quảng Nam thực hiện Nghị quyết số 33, ngày 9/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Nguồn lực con người Quảng Nam có không?
Theo kết quả kiểm kê nguồn lực năm 2023 của UBND tỉnh, tổng lao động từ 15 tuổi trở lên của tỉnh là 930.960 người, chiếm hơn 55% dân số toàn tỉnh, lực lượng lao động đang làm việc là 929.035 người.
Về đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, toàn tỉnh có 36.735 người (cấp tỉnh 9.585 người, cấp huyện 22.430 người, cấp xã 4.720 người); trong đó, khối chính quyền có 90 người trình độ tiến sĩ, cùng 1.924 thạc sĩ và 21.978 cử nhân.
Nguồn lực con người khá dồi dào nhưng Quảng Nam chưa thể phát huy hết sức mạnh cho sự phát triển của tỉnh, dễ thấy nhất là trong những năm gần đây, vì sao?
Báo cáo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam về 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 nhìn nhận: Lối sống thực dụng, cá nhân làm ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển nhân cách con người.
Tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên không thường xuyên rèn luyện, tu dưỡng, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật đã tác động tiêu cực đến tư tưởng, tình cảm của cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Đáng chú ý, trong thời gian gần đây, những cụm từ “né tránh, đùn đẩy, làm việc cầm chừng, sợ sai, sợ trách nhiệm không dám làm” thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, tại các hội nghị, trong các báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ.
Thậm chí, theo kết quả điều tra dư luận xã hội (báo cáo chuyên đề của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam), trong cán bộ còn có tâm lý “làm nhiều sai nhiều, làm ít sai ít, không làm sẽ không sai”... Những biểu hiện này ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, gây bức xúc trong nhân dân và cản trở sự phát triển chung của tỉnh.
Cán bộ biết sợ sai là điều đáng mừng, biết sợ sai để làm cho đúng vai trò, chức trách, nhiệm vụ được giao và đúng quy định thật đáng hoan nghênh. Chỉ lo cán bộ không biết sợ sai, biết sai mà vẫn làm vì lợi ích cá nhân dẫn đến tổn hại lợi ích chung.
Đáng lo hơn cả là cán bộ sợ sai đến mức không dám làm gì, những việc đương nhiên cần làm nhưng không dám làm, không muốn làm, khiến mọi công việc bị đình trệ.
Nội dung chuyên đề năm 2024 Ban Thường vụ Tỉnh ủy chọn để thực hiện Chỉ thị số 05, được tổ chức quán triệt hôm nay 13/5, không nằm ngoài mục đích nhận diện rõ và khắc phục các biểu hiện, tình trạng trên,... để có thể khơi dậy, phát huy sức mạnh con người góp phần xây dựng Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá.
Những ngày này, cán bộ và các tầng lớp nhân dân Quảng Nam cùng hướng về kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5). Chợt nhớ câu chuyện của cựu chiến binh Trần Ngọc Quế (94 tuổi, thôn An Lâu, xã Tam Lãnh, Phú Ninh) kể về lời Bác Hồ dặn trước lúc ông cùng đơn vị trở lại miền Nam năm 1960 (bài viết “Nhớ lời Bác dạy trước lúc về Nam” báo Quảng Nam số thứ Sáu ngày 3/5/2024).
Lời dặn dò của Bác từ 64 năm trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị: “Cháu phải luôn ghi nhớ bài học về đầu - tai - mắt - miệng và tấm lòng. Đầu của cháu mang chế độ chính sách của Đảng, Nhà nước. Tai của cháu dùng để nghe nhân dân, đồng chí, đồng đội nói. Miệng của cháu là trả lời những điều nhân dân, đồng chí, đồng đội thắc mắc. Mắt phải nhìn xa, trông rộng. Và tấm lòng phải luôn trong sáng”.