Phát triển đô thị miền núi: Hướng mở từ đô thị đa tâm

THÀNH CÔNG 08/10/2023 08:18

Bị bó hẹp bởi địa hình, Tăk Pỏ (xã Trà Mai, Nam Trà My) gần như ngột ngạt với quỹ đất chật chội. Khó có thể tìm kiếm một lát cắt bằng phẳng để bố trí quy hoạch cho hạ tầng khung đô thị, nên câu chuyện mở rộng, chỉnh trang diện mạo tương xứng với một đô thị giữa miền non cao trở nên đầy thách thức...

Tăk Pỏ - “thị trấn” trong tâm tưởng của nhiều người khi đến Nam Trà My. Ảnh: T.C
Tăk Pỏ - “thị trấn” trong tâm tưởng của nhiều người khi đến Nam Trà My. Ảnh: T.C

Phố theo chiều dốc đứng

Khu vực sầm uất nhất Tăk Pỏ, vẫn là con dốc ngoằn nghèo từ ngã ba gần chợ huyện xuôi xuống cây cầu Nước Là. Dốc đứng. Nhà cửa, hàng quán, trụ sở bám lấy hai bên đường, xuôi xuống chừng vài trăm mét thì chỉ còn độc phía bên phải, nhìn ra con sông Nước Là.

Những nỗ lực về quy hoạch của địa phương về hướng xã Trà Tập bên dòng sông Tranh giúp nới rộng không gian, nhưng thị trấn vẫn quá chật. Khó có thể tìm kiếm quỹ đất cho những toan tính phác thảo hình hài, thị trấn vẫn chỉ là danh xưng nằm trong tâm tưởng.

Quá nhiều khó khăn đã được đề cập trong những cuộc làm việc liên quan đến câu chuyện xây dựng thị trấn Tăk Pỏ. “Thị trấn tâm tưởng” ấy mãi loay hoay với việc kiến tạo hình hài, dẫu cho phố nhỏ ở non cao hẳn đã sôi động và nhộn nhịp hơn.

Ông Trần Duy Dũng - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nói, nhu cầu hiện tại về nguồn lực rất lớn, khó có thể đáp ứng.

“Vừa rồi tỉnh có thống nhất sẽ đầu tư 160 tỷ đồng cho việc chỉnh trang, mở rộng trung tâm Tăk Pỏ, bao gồm làm bờ kè phía sông Tranh, làm cầu, sửa sang lại một số khu vực. Muốn đẹp, muốn nên hình hài thì phải làm, tỉnh cũng đã rất quan tâm rồi nhưng khó đáp ứng được cùng lúc mọi nhu cầu để lên thị trấn. Câu chuyện đó phải... từ từ. Vẫn còn hạ tầng giao thông, điện, viễn thông, xử lý rác... Quá nhiều việc phải làm” - ông Dũng cho hay.

Tăk Pỏ không giống bất kỳ một trung tâm hành chính nào ở các huyện còn lại. Cư dân lẫn chính quyền đều phải nương theo dốc núi, như cái cách bao “nóc” của đồng bào vùng cao Nam Trà My vẫn bám víu vào sườn đồi Ngọc Linh mà sinh tồn.

Hẳn cũng đã vơi bớt nhọc nhằn, nhưng đặt để vào diện mạo chung là các trung tâm hành chính của các huyện miền núi, Tăk Pỏ chừng như không thể bước dài và nhanh. Leo dốc, bao giờ cũng khó hơn nhiều so với bước đi trên những bình nguyên.

Tăk Pỏ đã định danh bằng sức hút của phiên chợ sâm tiền tỷ. Du khách tìm đến chợ sâm, đến lễ hội, mang theo tiền tỷ, nhưng gần như chỉ chi tiêu cho thứ hàng hóa đắt đỏ là quốc bảo sâm Ngọc Linh. Nguồn thu từ dịch vụ vẫn khá khiêm tốn và ngoài Sâm Ngọc Linh, rất khó để có thể toan tính cho câu chuyện phát triển du lịch, dịch vụ cho miền đất đầy tiềm năng này...

Một tầm nhìn khác

Tôi chú ý đến một bài viết của ông Trần Trung Chính - Phó viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng về xây dựng không gian đô thị miền núi. Ông Chính đề cập đến nhận thức: “độ thẳng đứng là chìa khóa để hiểu về núi, là đặc điểm sinh thái nổi bật nhất, nơi mà các mối liên kết sinh thái, “cơ sở hạ tầng xanh” cần bảo vệ được sắp xếp theo chiều dọc (chứ không phải chiều ngang như đồng bằng) gắn kết với các quá trình đô thị hóa mở rộng ở vùng núi giữa các khu vực có độ cao khác nhau”.

Một đô thị “đa tâm” là gợi ý mà ông Chính đề cập, vốn đã được áp dụng ở rất nhiều thành phố miền núi trên thế giới, cách thức chuyển tải gánh nặng phát triển đồng tâm, tập trung sang đa trung tâm. Đó cũng là lựa chọn đặc biệt áp dụng cho các đô thị miền núi xuất phát từ mối lo sợ các hậu quả tàn phá tự nhiên, xáo trộn sinh thái.

Nó hướng dẫn sự phân bổ phù hợp, cân bằng và khả năng kết nối đa hướng cho các nút đô thị núi. Một gợi ý khá mới mẻ nếu đặt để vào hiện trạng và tính đặc thù của Tăk Pỏ hiện nay, sau 20 năm dài chật vật với câu chuyện nới rộng “tấm áo” để hướng tới xây dựng thị trấn.

Tăk Pỏ từng xảy ra sạt lở, một dạng hệ lụy của việc cố gắng tìm kiếm quỹ đất để đặt để nhà ở, bố trí dân cư trong một không gian quá chật. Sẽ không có công thức chung nào cho tất cả. Nhưng chính những loay hoay của hành trình dài là khởi nguồn, gợi ý cho việc thay đổi góc nhìn, thay đổi cách tiếp cận.

Như cái cách mà già Clâu Blao ở Tr’Hy (Tây Giang) tìm được con đường từ khu 7 về các xã vùng thấp xưa kia: trèo lên những ngọn cây cao nhất để quan sát địa hình, chỉ hướng cho bà con phát núi, mở đường. Tìm một con đường, tìm một lối đi, biết đâu đấy lại cần một chiều kích khác, một góc nhìn khác thay cho cái nhìn truyền thống, vốn không thể xa hơn cái gáy của người đi phía trước mình...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển đô thị miền núi: Hướng mở từ đô thị đa tâm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO