Nhận diện, chung tay xóa bỏ tập tục có hại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong cả nước nói chung và tỉnh Quảng Nam nói riêng, đã xuất hiện nhiều mô hình, giải pháp, cách làm hay cần được phát huy, nhân rộng.
Tích cực vào cuộc
Theo bà Nguyễn Thị Minh Hương - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, bên cạnh những phong tục tốt đẹp, còn không ít những tập tục lỗi thời cản trở của sự phát triển và tiến bộ xã hội.
Có thể kể đến như: Tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; tục thách cưới của một số dân tộc thiểu số (DTTS) ở Tây nguyên; tục chôn sống con theo mẹ ở vùng đồng bào Giẻ Triêng; tục “nối dây” của đồng bào Bru - Vân Kiều; tập quán chỉ cúng bái khi ốm đau không đến cơ sở y tế chữa bệnh, sinh đẻ tại nhà không có người có chuyên môn hỗ trợ...
Nhiều tập tục đã và đang cản trở, thậm chí kéo lùi tiến trình phát triển của các vùng DTTS, mà tác động lớn nhất là đến phụ nữ và trẻ em.
Quảng Nam có 9 huyện miền núi, trong đó 6 huyện miền núi cao, riêng 2 huyện Nam Giang và Tây Giang có đường biên giới giáp với Lào. Toàn vùng có 37 DTTS, với 140 nghìn người, chiếm 9,4% dân số của tỉnh.
Bà Lê Thị Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho hay, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành nhiều chương trình, nghị quyết, chỉ thị về phát triển vùng đồng bào DTTS, nhằm xóa bỏ khoảng cách, ranh giới vùng miền, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch giữa các vùng, góp phần cải thiện bộ mặt miền núi.
Tỉnh cũng ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, nhiều chương trình, chính sách bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong cộng đồng ở vùng đồng bào DTTS.
Từ sự vào cuộc tuyên truyền của các cấp, ngành, mặt trận - đoàn thể, nhận thức của người dân vùng đồng bào DTTS được nâng lên đáng kể.
Điển hình như, Tỉnh đoàn Quảng Nam đã tổ chức nhiều chương trình truyền thông nâng cao nhận thức cho thanh niên về giảm thiểu nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết, phòng chống mua bán người…
Duy trì, phát triển các mô hình đoàn viên, thanh niên kế thừa, gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống, lối sống văn hóa, nếp sống văn minh. Qua đó, các tập tục văn hóa có hại dần được xóa bỏ, đẩy lùi tình trạng hôn nhân cận huyết thống.
“Song, về lâu dài, rất cần sự tiếp tục chung tay của cả cộng đồng, các cấp ngành, nhất là phát huy vai trò người có uy tín trong cộng đồng DTTS, xóa bỏ tập tục có hại làm cản trở sự phát triển…” - bà Thủy nói.
Năm 2015 - 2020, miền núi Quảng Nam có 830 trường hợp tảo hôn, giảm 704 trường hợp so với giai đoạn 2010 - 2015. Năm 2021, có 81 trường hợp tảo hôn, 1 trường hợp hôn nhân cận huyết. Năm 2022, có 87 trường hợp tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết. 6 tháng đầu năm 2023, có 60 trường hợp tảo hôn, không có hôn nhân cận huyết (theo số liệu Ban Dân tộc tỉnh).
Nhiều mô hình hiệu quả
Bà Nguyễn Thị Minh Hương cho biết, chung tay xóa bỏ tập tục lạc hậu, thời gian qua Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai nhiều chương trình, hoạt động ý nghĩa như: Cuộc thi sáng tác sản phẩm truyền thông trên nền tảng số nâng cao nhận thức về bình đẳng giới vùng DTTS và miền núi với chủ đề “Rẻo cao hạnh phúc”.
Hội cũng phối hợp với Hội đồng đội Trung ương và Bộ GD-ĐT triển khai mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại địa bàn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS và miền núi của 40 tỉnh, thành.
Qua đó, thành lập và duy trì hoạt động 550 câu lạc bộ, thu hút sự tham gia của hơn 12.000 trẻ em 10-16 tuổi, đây sẽ là lực lượng xung kích trong xóa bỏ tập tục lạc hậu.
Thời gian qua, Hội LHPN Việt Nam tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều hoạt động, chiến dịch truyền thông nâng cao nhận thức thực hiện nếp sống văn minh, xóa bỏ tập tục lạc hậu cho cán bộ, hội viên phụ nữ, vùng đồng bào DTTS. Tiếp tục xây dựng, duy trì, nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống bạo lực gia đình”, “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế”, “Trao sinh kế cho hội viên phụ nữ”…
Bà Lê Thị Ánh Nguyệt - Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam tỉnh cho biết, năm 2017 hội đã xây dựng chương trình hành động với đề án “Tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ phòng chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, tổ chức được 39 mô hình tại các huyện miền núi. Triển khai dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, hội đã thành lập 30 tổ truyền thông cộng đồng, với 202 người tham gia...
Triển khai mô hình câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi”, Quảng Nam đã xây dựng được 25 câu lạc bộ, với 427 trẻ em gái là người DTTS tham gia vận hành. Toàn tỉnh có 14 “Địa chỉ tin cậy” để hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân của bạo lực gia đình.
Phối hợp triển khai hiệu quả chương trình “Đồng hành với phụ nữ biên cương”, nhân rộng mô hình “Phòng ngừa tảo hôn và hôn nhân cận huyết”. Thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, mô hình..., người dân, hội viên phụ nữ hiểu biết hơn về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết, từ đó dần thay đổi tư duy, nhận thức; nhiều hội viên phụ nữ quan tâm hơn đến việc giáo dục, nhắc nhở con em mình.
Truyền thông giáo dục sức khỏe, giới tính tại huyện Đông Giang
Chi Cục dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức hội nghị tuyên truyền, vận động, ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại thị trấn Prao và xã A Rooi, huyện Đông Giang.
Tại các điểm tuyên truyền, hơn 100 đại biểu là cộng tác viên dân số, y tế thôn bản, già làng, trưởng bản, người có uy tín trên địa bàn được nghe báo cáo viên tuyên truyền, phổ biến về những tác hại, hệ lụy của tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; Quyết định số 498/QĐTTg về việc phê duyệt Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2025; các quy định của pháp luật về tảo hôn, kết hôn cận huyết thống; ý nghĩa, tầm quan trọng, hiệu quả của việc thực hiện các dịch vụ nâng cao chất lượng dân số, tập quán sử dụng dịch vụ kế hoạch hóa gia đình của người dân tộc thiểu số…
A TING HÀN
Tây Giang hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia
Từ ngày 26/9 đến 10/10, huyện Tây Giang tổ chức nhiều hoạt động hưởng ứng ngày Chuyển đổi số quốc gia (10-10).
Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm nay với chủ đề “Phổ cập hạ tầng số và sáng tạo ứng dụng số để phát triển kinh tế số - Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế và năng suất lao động”. Bao gồm chuỗi các hoạt động: Tổ công nghệ số cộng đồng ra quân hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt; thi “Tìm hiểu Cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh Quảng Nam”; tập huấn về công tác chuyển đổi số cho cán bộ phụ trách công tác chuyển đổi số.
Các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tổ chức các hoạt động hỗ trợ người dân chuyển đổi sim 2G và 5 thiết bị 2G bảo đảm 100% dân số thực hiện chuyển đổi hoàn toàn sang 4G sau ngày 10/10/2024.
HIỀN THÚY
Phụ nữ Tây Giang phát động mô hình “Cải tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp”
Hội LHPN Việt Nam huyện Tây Giang vừa phát động mô hình “Cải tạo cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch - đẹp” gắn với xây dựng đời sống văn hóa cơ sở năm 2024.
Bà Bríu Thị Nem - Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam huyện cho biết, hội phát động triển khai mô hình từ nay đến cuối năm 2024 tại 63 thôn. Trước mắt triển khai thí điểm mô hình tại thôn Ra’bhượp, xã A Tiêng, đảm bảo 4 tiêu chí “Sáng - xanh - sạch - đẹp”. Qua đó huy động sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, sự chủ động sáng tạo của người dân, ban quản trị và các đoàn thể duy trì, nâng chất các tiêu chí nông thôn mới, tiến tới xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
H.THÚY
Hội Từ thiện huyện Nam Giang đã phối hợp với tổ chức Hamkkehaneun Sarangbat (Share Sarangbat/Hàn Quốc), tổ chức chương trình giáo dục giới tính, phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho hơn 400 trẻ vị thành niên độ tuổi từ 12 đến 18 tại xã Tà Pơ và xã Tà Bhing.
Tham gia chương trình, các em được tuyên truyền kiến thức giáo dục giới tính để giúp ngăn ngừa và giảm thiểu tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống. Cung cấp những kiến thức cần thiết về chăm sóc sức khỏe vị thành niên, ngăn ngừa tình trạng có thai ngoài ý muốn, phân tích nguyên nhân, hậu quả của việc mang thai và phá thai ở độ tuổi vị thành niên...
VĂN THỦY