(QNO) - Nhiều giải pháp căn cơ nhằm nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) trên địa bàn tỉnh đã được các đại biểu đề xuất tại hội thảo do Thường trực HĐND tỉnh tổ chức vào sáng nay 26/12.
Hội thảo “Nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh Quảng Nam” được Thường trực HĐND tỉnh tổ chức sáng nay, là một trong 5 hội thảo khoa học quan trọng được tỉnh tổ chức nhằm phục vụ công tác xây dựng văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII (nhiệm kỳ 2025 - 2030).
"Không để ai bị bỏ lại phía sau”
Ban tổ chức đã tiếp nhận 25 báo cáo tham luận. Tại hội thảo có 11 ý kiến tham luận, phát biểu, tập trung vào các nhóm vấn đề, trong đó tập trung nhận diện, đánh giá kết quả triển khai và đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong thời gian đến.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang - nguyên Bí thư Tỉnh ủy đề xuất, tỉnh cần căn cứ Chỉ số phát triển con người (HDI) để rà soát và có sự lựa chọn ưu tiên thực hiện tại Quảng Nam trong 5 năm tới. Tiếp tục quán triệt sâu sắc tinh thần phát triển kinh tế phải gắn với an ASXH, quan tâm người yếu thế theo phương châm "Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Quang đề xuất giải pháp về huy động nguồn lực xã hội trong thực hiện ASXH; sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư; mạnh dạn đầu tư cho chuyển đổi số ở mức 3%; áp dụng chính sách cử cán bộ biệt phái...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chỉ ra những bất cập trong đảm bảo ASXH của tỉnh. Đó là, bài toán việc làm còn lệ thuộc quá nhiều vào thị trường lao động, chưa khai thác dư địa để tạo ra mô hình sản xuất kinh doanh tạo việc làm.
Thứ hai là chưa có giải pháp căn cơ để phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu tác động của thiên tai. Thứ ba, một bộ phận người dân còn thụ động, trông chờ Nhà nước.
Để đảm bảo tính liên kết giữa các chế độ chính sách với ASXH thì việc ban hành nghị quyết, chính sách nên gom theo nhóm, không nên xé lẻ, phân tán.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh đề xuất tỉnh quan tâm một số giải pháp như dành quỹ đất phù hợp đầu tư thiết chế phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của người dân.
Trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, cần khảo sát, đánh giá kỹ những tác động tiêu cực đến đời sống người dân. Trong xây dựng nhà ở xã hội, cần chọn lựa vị trí thuận lợi để giảm chi phí đầu tư từ đó giảm giá nhà giúp người dân dễ dàng tiếp cận...
Quản lý phát triển xã hội bền vững
TS. Lê Minh Đức - Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh cho rằng, trong mục tiêu và chính sách, không chỉ quan tâm đến các thành quả của tiến bộ xã hội mà còn đặc biệt chú ý đến khía cạnh gắn kết, bảo đảm sự tương thích đồng bộ giữa cải thiện tiến bộ xã hội với các thành quả của phát triển kinh tế, thực sự đặt người dân vào trung tâm của mọi hoạt động. Để tỉnh Quảng Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ và bền vững, việc nâng cao nhận thức và triển khai mạnh mẽ chính sách quản lý phát triển xã hội bền vững là điều kiện tiên quyết.
Phát triển kinh tế gắn với đảm bảo ASXH
Ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến đóng góp đầy tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng khẳng định, các ý kiến phát biểu là những bài học kinh nghiệm quý báu để Quảng Nam tiếp tục hoàn thiện chủ trương, chính sách về nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, đảm bảo ASXH trên địa bàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Đức Dũng đề nghị các cấp, ngành, địa phương cần tập trung tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, sâu sát trong triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về ASXH. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các cơ chế, chính sách của tỉnh về ASXH.
Thường xuyên rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, ban hành các chính sách đặc thù của tỉnh trên các lĩnh vực ASXH phù hợp quy định của trung ương, tình hình thực tiễn và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người dân. Đa dạng hóa các hình thức kêu gọi, vận động xã hội hóa, thu hút đầu tư gắn với quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; ưu tiên tăng tỷ lệ đầu tư thực hiện các chương trình ASXH với quan điểm "đầu tư cho ASXH là đầu tư cho phát triển".
Sau hội thảo này, Tổ giúp việc Tiểu ban Văn kiện Đại hội XXIII khẩn trương tổng hợp tất cả ý kiến tham luận, thảo luận của đại biểu, lựa chọn những nội dung thật cốt lõi, những vấn đề có tính chiến lược báo cáo Tiểu ban Văn kiện, đề xuất Tỉnh ủy bổ sung vào Văn kiện trình Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2025 - 2030"
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đức Dũng
Năm 2024, Quảng Nam giảm 4.171 hộ nghèo
Theo UBND tỉnh, đến nay, số hộ nghèo toàn tỉnh còn 20.498 hộ, tương ứng tỷ lệ 4,61% (giảm so năm 2023 được 4.171 hộ nghèo, tương ứng giảm 0,96%, vượt chỉ tiêu giảm hộ nghèo năm 2024). Riêng vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm 9%; tỷ lệ hộ dân được hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề và tỷ lệ xóa nhà tạm dự kiến đến năm 2025 đạt 100% so với chỉ tiêu đặt ra.