Nông nghiệp

Phòng trừ sâu bệnh hại lúa

HỒNG NĂM - MINH TÂN 07/06/2024 15:20

Cùng với xuống giống đảm bảo lịch thời vụ, nông dân Thăng Bình chú trọng triển khai các biện pháp diệt trừ sâu bệnh và các sinh vật gây hại bảo vệ lúa phát triển ngay từ đầu vụ.

z5512898091047_ccdcc5392cabea2b33b5acc309a7026d.jpg
Nông dân Thăng Bình phun thuốc diệt ốc bươu vàng. Ảnh: T.N

Ở vụ sản xuất lúa hè thu 2024, cánh đồng khu phố 4 (thị trấn Hà Lam, Thăng bình) có con suối nhỏ và hệ thống kênh mương nội đồng được bê tông dẫn nước theo lịch cung ứng thủy lợi của Chi nhánh Thủy lợi Thăng Bình. Nước về cơ bản đảm bảo giúp nông dân chủ động trong sản xuất. Tuy nhiên, suối và mương dẫn nước thường là nơi trú ngụ, đẻ trứng của ốc bươu vàng.

Vụ mùa này, ông Mai Văn Trung (ở khu phố 4, thị trấn Hà Lam) gieo sạ 8 sào. Trước khi xuống giống, ông đã mua các loại thuốc đặc hiệu trị ốc bươu vàng về phun diệt. Theo kinh nghiệm của ông Trung, khi lấy nước vào ruộng, ốc bươu và trứng ốc theo dòng nước chảy vào, kết hợp với sinh vật ốc sẵn có trong ruộng, lúc này ốc bươu vàng sẽ sinh sôi nảy nở. Đến khi lúa sạ lên được chừng một, hai lá non, ốc bươu vàng sẽ gây hại lúa.

“Có năm chỉ cần qua một đêm ốc đã có thể cắn gần hết lúa non, chúng tôi phải vất vả tìm kiếm lúa cấy dặm mới đảm bảo mật độ lúa sản xuất. Vì vậy, các năm qua, gia đình luôn chủ động phun thuốc diệt trừ trước khi gieo sạ” - ông Trung nói.

Cũng chủ động diệt ốc bươu vàng nhưng ông Trương Hoàng (thị trấn Hà Lam) lại chọn phương án phun thuốc đặt trị sau khi sạ lúa từ 3 - 4 ngày. Lúc này, lúa đã lên cây cao tầm 3cm, mặt đất hơi khô nẻ, ông cho nước vào ruộng rồi tiến hành phun thuốc trừ ốc.

“Ruộng có nước nên khi phun thuốc sẽ giúp việc diệt ốc bươu vàng hiệu quả hơn” - ông Hoàng chia sẻ.

z5512903294092_131007bab82b9bd4de400d81f96f8046.jpg
Ốc bươu vàng chết sau khi phun thuốc. Ảnh: T.N

Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Thăng Bình cho biết, vụ lúa hè thu 2024, huyện Thăng Bình chủ trương khuyến khích nông dân sản xuất bám sát lịch thời vụ, cơ cấu giống do Sở NN&PTNT đã ban hành và gieo trồng hết diện tích chủ động được nước tưới.

Cạnh đó, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân chủ động chăm sóc lúa ngay từ đầu vụ. Chú ý sử dụng các loại thuốc trừ cỏ (tiền nảy mầm hoặc hậu nảy mầm) thích hợp cho từng loại cỏ kết hợp với việc tổ chức ra quân diệt chuột. Đối với ốc bươu vàng, cần ra đồng thu gom ốc và ổ trứng tại các ao hồ kênh mương, sông suối, để hạn chế ốc gây hại lúa mới sạ.

“Kinh nghiệm là trong gieo sạ không nên sạ lan mà cần lên luống, có rãnh thoát nước, nếu mật độ ốc cao có thể sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun theo rãnh vào sáng sớm hoặc chiều mát, phun tập trung tại những vùng ruộng trũng, nơi có mật độ ốc nhiều để đạt hiệu quả, giúp bảo vệ lúa phát triển tốt” - ông Nguyễn Xuân Cẩm nói.

Được biết, vụ đông xuân 2023 - 2024, Thăng Bình xuống giống hơn 8.650ha, trong đó hơn 8.000ha lúa chủ động nước tưới, 575ha lúa nước trời. Cuối vụ, tổng sản lượng lúa thu hoạch đạt 54.132 tấn, năng suất lúa bình quân đạt 62,58 tạ/ha (tăng gần 2 tạ/ha so với cùng vụ năm ngoái). Nhiều nơi nông dân Thăng Bình thắng lớn nhờ chủ động chăm sóc, bảo vệ lúa ngay từ đầu vụ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phòng trừ sâu bệnh hại lúa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO