Đã đến lúc phải cứu lấy núi rừng, bởi, cứu rừng chính là cứu người.
Xem các clip trên Youtube, TikTok... tôi như không tin vào mắt mình. Cả một dòng sông đất chảy trôi lừ lừ cuốn đi tất cả nhà cửa cây cối, dù đất chỉ hơi dốc!
Phải có cách gì đó, tìm ra loại cây gì đó để chỉ trong vòng 3-5 năm có thể nhanh chóng phủ xanh các sườn dốc ven sông ven suối, các vùng đồi núi dốc gần các làng xóm có nguy cơ sạt lở cao. Đồng thời với giải pháp tình thế ấy là giải pháp hữu hiệu phục hồi các cánh rừng tự nhiên, phục hồi đa dạng sinh học cho đồi núi.
Trong dịp đi Đông Giang, Tây Giang hay các huyện miền núi của Quảng Nam, tôi thấy các cánh rừng keo lá tràm xanh rì phủ hết các sườn đồi dọc theo các tuyến QL14G, ĐH 604, 609...
Keo lá tràm có thân cọc rễ chùm, đặc tính sinh trưởng rất nhanh, chỉ trong 3 năm là có thể phủ xanh cả sườn đồi. Có lẽ đây là giống cây phù hợp với việc phủ xanh núi đồi dốc nhanh nhất trong các loài cây, trong thời gian từ khi trồng đến khi khai thác từ 5-8 năm các cánh rừng này có thể giúp bảo vệ các sườn dốc, hạn chế sạt lở.
Tôi đã từng chui vào rừng keo khi khảo sát làm sân vận động ở huyện Đông Giang và thấy cây keo chung sống rất tốt với các loại lau lách, cây bụi, dây leo, thảm thực vật... tạo thành một lớp có tán và thảm thực vật dày đặc.
Tôi và nhóm khảo sát phải luồn mãi mới ra khỏi rừng. Thực tế, keo lá tràm có thể hỗn giao đa loài chứ không như nhiều người nói rằng không có cây nào có thể sống được dưới tán của rừng keo.
Mặt khác, lâu nay loài keo bị gạt ra khỏi danh mục các loài cây có tác dụng chống xói mòn, chống sạt lở đất theo tôi có nguyên nhân. Bởi, cây keo do dân trồng để khai thác bán cho các nhà máy sản xuất bột giấy nên người dân cứ trồng rồi đến kỳ thu hoạch lại chặt, đốt sạch và đốt luôn cả thảm thực vật, làm trơ hết đất, do vậy mất tác dụng chống xói lở.
Nếu các cánh rừng keo này được giữ lâu dài, không cho phép khai thác hoặc chậm khai thác, thì dù không thực sự phù hợp với chống xói mòn bằng các loại cây rừng tự nhiên, cây bản địa nhưng các cánh rừng keo và thảm thực vật kèm theo hoàn toàn có thể góp phần vào chống xói mòn, sạt lở. Điều chắc chắn là tốt hơn gấp nhiều lần so với đồi núi trọc lóc như hiện nay.
Nếu chúng ta có kế hoạch trồng xen kẽ lớp keo lá tràm đến lớp cây tự nhiên như sao đen, dầu rái... thì trước mắt đáp ứng được nhu cầu cấp thiết chống sạt lở ngắn hạn. Sau đó hơn chục năm lớp cây bản địa lớn lên, ta sẽ có lớp rừng tự nhiên bảo vệ đất thật sự hiệu quả, lâu dài...
Cạnh đó, nếu các địa phương xây dựng được một quỹ dành cho mục tiêu phủ xanh đồi trọc, khôi phục rừng tự nhiên và được bổ sung đều đặn hàng năm thì trong tương lai không xa, nạn sạt lở đất sẽ được hạn chế.
Để giải pháp này thành hiện thực, ngoài vấn đề về lâm sinh còn là cần giải quyết về sở hữu đất, sinh kế của người dân cũng như nguồn ngân sách...
Tôi không phải chuyên ngành về lâm sinh, nên chỉ đưa ra giải pháp theo cách nhìn của nhà quy hoạch đô thị. Hy vọng sẽ đóng góp thêm được chút gì cho Quảng Nam với câu chuyện phòng chống thiên tai...