Phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái

MỸ LINH 24/11/2023 12:30

Mong muốn đưa ứng dụng công nghệ cao vào phục vụ sản xuất, anh Nguyễn Hữu Thiện Trí (SN 1991, phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) đã phát triển mô hình phun thuốc bằng máy bay không người lái (Drone) vào lĩnh vực nông nghiệp và lâm nghiệp, bước đầu mang lại hiệu quả.

Anh Trí pha chế phẩm sinh học để phun tại đồi chè của Công ty Quyết Thắng (Đông Giang). Ảnh: M.L
Anh Trí pha chế phẩm sinh học để phun tại đồi chè của Công ty Quyết Thắng (Đông Giang). Ảnh: M.L

Mô hình triển vọng

Năm 2020, anh Nguyễn Hữu Thiện Trí làm việc trong một công ty tại TP.Hồ Chí Minh về công nghệ phun thuốc bằng máy bay không người lái, được trực tiếp tham gia điều khiển thiết bị này tại những cánh đồng rộng lớn ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Theo anh Trí, không chỉ ở khu vực phía Nam, các tỉnh miền Trung như Huế, Quảng Bình, Quảng Trị đều đã áp dụng công nghệ này trên những diện tích lớn và mang lại hiệu quả rõ rệt.

“Trong khi đó, Quảng Nam có diện tích đất nông nghiệp rộng lớn, bà con nông dân cũng đang dần tiếp cận với máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp, từ máy cày, máy gặt đập liên hợp... Tôi nghĩ việc đưa thiết bị máy bay không người lái để phun thuốc, bón phân trên những cánh đồng lớn là hướng đi rất khả quan” - anh Trí cho biết.

Giữa năm 2022, anh Trí rời công ty về quê, đầu tư gần 600 triệu đồng để mua sắm máy móc, thiết bị. Dù mô hình rất tiềm năng nhưng thời gian đầu anh gặp không ít khó khăn, do mới mẻ, người dân còn nghi ngờ về hiệu quả và e ngại về giá dịch vụ.

Theo anh Trí, nếu phun thuốc, bón phân thủ công thì nông dân phải mang bình phun, pha trộn thủ công, khó điều chỉnh được liều lượng và phun, bón không đều giữa các vùng, mất nhiều thời gian.

Việc hòa tan lượng thuốc, phân bón cũng không đảm bảo, hạt thuốc khi phun ra vẫn còn lớn, sau 1 - 2 giờ mới bốc hơi và hấp thụ vào cây, lá; nếu gặp phải trận mưa lớn là thuốc, phân trôi hết. Vấn đề đáng quan tâm nhất là ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Trong khi đó, nếu sử dụng Drone, thuốc, phân bón sẽ được pha bằng máy, với tỷ lệ nước rất tiết kiệm, khoảng 100 lít nước cho 1ha, so với 400 lít nếu phun thủ công, tiết kiệm 30 - 40% lượng thuốc, thời gian phun chỉ từ 10 - 15 phút/ha, đồng thời tránh việc vứt bỏ bao bì không đúng nơi quy định.

Do khi phun cánh quạt sẽ làm lật mặt lá, thuốc, phân sẽ xuyên xuống đến mặt dưới tán lá, thân, gốc cây giúp diệt tận gốc sâu bệnh. Cùng với đó, khi phun, máy sẽ tính toán diện tích phun nên lượng phân, thuốc phun ra sẽ đều trên tất cả diện tích, trên mọi địa hình, không bị chồng lấn hay bỏ sót...

“Nhiều người lo lắng nếu áp dụng công nghệ này để phun thuốc hóa học sẽ gây ra nhiều hệ lụy khác. Tuy nhiên, hiện nay người dân cũng đã ý thức cao về vấn đề này nên đa phần đều sử dụng chế phẩm sinh học, phân bón vi sinh để phòng trừ sâu bệnh và cung cấp chất dinh dưỡng cho cây trồng. Do vậy, công nghệ này sẽ giúp người dân tiết kiệm được rất nhiều chi phí, đảm bảo sức khỏe và mang lại hiệu quả cao” - anh Trí nói.

Hiệu quả bước đầu

Gần một năm nay, hơn 100ha chè Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng (Đông Giang) được phun chế phẩm sinh học (thuốc), tưới phân bằng máy bay không người lái do anh Trí thực hiện.

Nguyễn Hữu Thiện Trí và mô hình máy bay phun thuốc không người lái của mình. Ảnh M.L
Nguyễn Hữu Thiện Trí và mô hình máy bay phun thuốc không người lái của mình. Ảnh M.L

Ông Nguyễn Đại Trường - Giám đốc công ty cho biết, trước đây với diện tích này được thực hiện hoàn toàn thủ công, tốn nhiều thời gian, công sức, phân bón. Sau khi áp dụng thử nghiệm trên diện tích nhỏ, thấy hiệu quả nên công ty đã áp dụng đại trà cho diện tích chè hiện có của công ty.

“Hiệu quả rõ rệt khi áp dụng công nghệ Drone. Bởi trước đây, bình quân chúng tôi mất 2 công lao động trên 1ha chè. Còn với công nghệ Drone, một buổi đã phun được được 5ha, lượng nước, phân bón, chế phẩm với liều lượng thấp hơn nhiều so với phương pháp thủ công, qua đó tiết kiệm nhiều chi phí.

Công nghệ Drone khi phun sẽ lật lá chè lên, lượng phân, chế phẩm thấm sâu đến gốc nên diệt được tận gốc sâu rầy, cây cũng hấp thụ nhiều nhất chất dinh dưỡng.

Đặc biệt đảm bảo an toàn cho người lao động khi không trực tiếp tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật hay phân bón, chế phẩm sinh học. Công ty đang thử nghiệm phun các chế phẩm xử lý bệnh phấn hồng và một số bệnh khác trên diện tích cao su của công ty” - ông Trường cho biết.

Không chỉ triển khai ở Công ty CP Nông lâm nghiệp Quyết Thắng, mô hình này cũng được anh Trí triển khai ở nhiều nơi trong tỉnh như Phú Ninh, Thăng Bình, Điện Bàn, Duy Xuyên, Nam Giang, Đông Giang, bước đầu được ngành nông nghiệp địa phương và nông dân đón nhận.

Mong muốn phát triển mạnh hơn, tháng 8 vừa qua, anh Trí đã thành lập HTX Nông nghiệp công nghệ cao Quảng Nam. Mục tiêu của anh không dừng lại ở việc phun thuốc, bón phân mà còn hướng đến gieo hạt và các công việc khác phục vụ sản xuất nông nghiệp.

“Tôi luôn mong muốn mang những ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân đỡ vất vả, đồng thời nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững. Rất mong nhận được sự quan tâm, ủng hộ từ chính quyền địa phương và bà con nông dân” - anh Trí chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phun thuốc, bón phân bằng máy bay không người lái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO