“Học để làm theo Bác” ở Tam Kỳ
Việc thực hiện học tập và làm theo Bác tại TP.Tam Kỳ dần chuyển biến mạnh mẽ từ “học để biết” sang “học để làm”, “học để chuyển hóa nhận thức thành hành động”. Từ thực tiễn đã xuất hiện nhiều gương điển hình tiêu biểu được tuyên dương, nhân rộng, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng.

Cựu chiến binh xây cầu dân sinh
Ở tuổi 79, thương binh Nguyễn Đình Phùng (phường An Xuân, TP.Tam Kỳ) được biết đến với nghĩa cử cao đẹp - đã tự bỏ tiền túi ra xây cầu cho người dân vùng nông thôn, khó khăn.
Ông Phùng chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, ông đã xây dựng hoàn thành 33 cây cầu dân sinh, với trị giá gần 2 tỷ đồng. Riêng đầu năm 2025, ông Phùng đã xây dựng hoàn thành 2 cây cầu tại thôn Phú Quý và Tân Phú nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng tỉnh Quảng Nam và Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ông Phùng và gia đình còn tài trợ đỡ đầu cho 13 học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Riêng ông từ năm 2020 đến nay tài trợ cho 2 trường hợp mới mức mỗi tháng 600 nghìn đồng. Vào dịp đón Tết cổ truyền của dân tộc, ông Phùng còn tham gia ủng hộ hỗ trợ hàng trăm phần quà giúp đỡ các gia đình và hội viên cựu chiến binh có hoàn cảnh khó khăn.
Với những công việc đã làm, giúp ích cho cộng đồng, theo ông Phùng đều bắt đầu từ tinh thần tự nguyện, được sự ủng hộ của người thân và luôn gắn với tâm niệm “học và làm theo Bác” phải bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
“Những việc tôi đã làm được rất nhỏ bé so với sự nghiệp và cuộc đời của Bác. Nếu tuổi tác và sức khỏe còn cho phép thì tôi còn cố gắng học và làm theo Bác bằng những việc cụ thể, thiết thực” - ông Phùng tâm sự.
Tinh thần nữ thủ lĩnh thanh niên
Trăn trở với yêu cầu làm thế nào để đưa việc học và làm theo Bác đến với mỗi đoàn viên, thanh niên luôn là động lực thôi thúc nữ Bí thư Đoàn Tô Ngọc Hạnh Nữ và tập thể Ban Chấp hành Đoàn phường Hòa Hương phải “hành động”.
Chia sẻ về những việc đã làm, theo chị Tô Ngọc Hạnh Nữ, từ những vụ việc đáng tiếc như bạo lực học đường, đuối nước, thực hiện các thử thách nguy hiểm đến tính mạng..., chị đã mạnh dạn đề xuất và tổ chức “Khóa rèn luyện kỹ năng sống” miễn phí dịp hè dành cho thanh thiếu nhi trên địa bàn phường.
Đến nay, “Khóa rèn luyện kỹ năng sống” đã duy trì được 8 năm, thu hút hơn 1.200 lượt học sinh, thanh niên tham gia. Các em được học về kỹ năng làm việc nhóm, thuyết trình; phòng tránh xâm hại, ứng xử học đường; kỹ năng thoát hiểm, sơ cấp cứu và nhận biết các loại cây thuốc nam... Hoạt động này không chỉ giải quyết vấn đề “khoảng trống hè” mà còn góp phần quan trọng giáo dục đạo đức, lối sống tích cực cho các em ngay từ nhỏ.
Nhằm trang bị kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em có hoàn cảnh khó khăn, năm 2021, chị Nữ trực tiếp vận động xã hội hóa, tranh thủ nguồn có sẵn tại địa phương và kêu gọi giáo viên thể dục nghỉ hè tham gia giảng dạy, mở “lớp phổ cập bơi miễn phí”. Lớp duy trì đã được 4 năm, dạy bơi cho khoảng 30-50 trẻ nhỏ mỗi năm.
“Là Bí thư Đoàn phường, tôi không chỉ trực tiếp tổ chức, điều phối mà còn chủ động đề xuất, vận động xã hội hóa, kết nối nguồn lực từ các cựu cán bộ đoàn, giáo viên nghỉ hưu, doanh nghiệp trẻ... để duy trì bền vững các mô hình trên, với tinh thần “đoàn kết, trách nhiệm, lấy hiệu quả làm thước đo hành động” - chị Nữ chia sẻ.
Vì nguyện vọng chính đáng của dân
Để chuyển hóa những nội dung đột phá đã được xác định trở thành phương châm hành động về học và làm theo Bác, trong 10 năm qua, Ban Thường vụ Thành ủy Tam Kỳ đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị hạn chế hội họp, dành thời gian đi cơ sở; trực tiếp gặp gỡ, tổ chức đối thoại trực tiếp với người dân để giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Theo bà Phạm Thị Thanh Xuân - Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Tam Kỳ, từ quyết tâm chính trị của các cấp ủy, tổ chức đảng đã trở thành hành động cách mạng mạnh mẽ của lãnh đạo thành phố và các địa phương, đơn vị.
Qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực về mọi mặt của đời sống xã hội, tạo niềm tin của nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên.
Các vụ việc nổi cộm, bức xúc ở cơ sở đã được chỉ đạo tập trung giải quyết, như tình trạng vi phạm trật tự đô thị, khiếu nại, tố cáo, cải cách thủ tục hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân…
Chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết nguyện vọng chính đáng của nhân dân, Thành ủy Tam Kỳ chỉ đạo lựa chọn những nội dung trọng tâm, địa bàn trọng điểm có nhiều bức xúc để tổ chức đối thoại trực tiếp với nhân dân.
Qua đó góp phần ổn định tình hình, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Trong 10 năm qua, Bí thư Thành ủy tiếp công dân 62 cuộc/152 lượt; tổ chức 18 cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, ghi nhận hơn 260 lượt ý kiến; Bí thư Đảng ủy 13 xã, phường tiếp công dân 850 cuộc/850 lượt.
“Nội dung tiếp công dân thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau nhưng vẫn tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực bồi thường thiệt hại khi nhà nước thu hồi đất, bố trí tái định cư, tranh chấp đất đai, quy hoạch và một số lĩnh vực khác; không có đoàn đông người. Đến nay, cơ bản các bức xúc của nhân dân đã được chỉ đạo giải quyết dứt điểm, kịp thời và sớm ổn định đời sống nhân dân” - bà Xuân cho hay.
Tam Kỳ vừa tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phòng cách Hồ Chí Minh. Dịp này, có 32 gương tập thể, cá nhân tiêu biểu được Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ tặng Giấy khen.