Những ngày qua, chuột và sâu bệnh phát sinh gây hại trên các cánh đồng lúa đông xuân tại Quảng Nam. Ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương tích cực hướng dẫn nông dân triển khai biện pháp phòng trừ.
Tập trung diệt chuột
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn thông tin, vụ đông xuân 2023 - 2024 toàn thị xã gieo sạ hơn 5.332ha lúa. Thời gian qua, chuột phát sinh gây hại khoảng 115ha lúa trên địa bàn 20 xã, phường của Điện Bàn với tỷ lệ hại trung bình 10 - 15%, cá biệt có 5ha bị hại hơn 20%.
Trước nguy cơ chuột phát sinh diện rộng, từ nguồn kinh phí phát triển sự nghiệp nông nghiệp năm 2024, Phòng Kinh tế Điện Bàn đã trích gần 95 triệu đồng mua 12.272 gói thuốc sinh học cấp phát cho chính quyền cơ sở hỗ trợ nông dân đánh bả diệt chuột.
Ngoài ra, các địa phương cũng trích thêm kinh phí mua thuốc sinh học hỗ trợ người dân và tổ chức thu mua đuôi chuột để khuyến khích phong trào ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, thời gian qua nông dân Điện Bàn đã diệt 13.500 con chuột.
Theo ngành nông nghiệp Quảng Nam, vụ đông xuân năm nay nông dân trên địa bàn tỉnh sản xuất tổng cộng 41.696ha lúa, trong đó có 3.135ha phụ thuộc nước trời và 38.561ha chủ động nguồn nước tưới.
Hiện nay, lúa nước trời trong giai đoạn đứng cái - làm đòng - trổ - chín; còn lúa chủ động tưới trong thời kỳ đẻ nhánh rộ - đứng cái - làm đòng.
Thông tin từ Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, thời gian qua chuột phát sinh gây hại lúa ở hầu hết địa phương của tỉnh.
Qua thống kê, đến nay toàn tỉnh đã có 374,5ha lúa bị chuột gây hại với tỷ lệ bình quân 3 - 5%, nơi cao 10%, cục bộ 12%. Trong khi đó, thời điểm này năm ngoái, số diện tích lúa bị chuột cắn phá trên phạm vi cả tỉnh chỉ gần 313ha.
Trước tình trạng trên, từ đầu vụ đông xuân đến nay, ngành liên quan và chính quyền các cấp đã tích cực hướng dẫn, hỗ trợ nhà nông triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu để diệt chuột nhằm hạn chế thấp nhất mức độ thiệt hại…
Sâu bệnh phát sinh
Ông Nguyễn Xuân Cẩm - Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp Thăng Bình cho hay, vụ đông xuân này nông dân địa phương sản xuất hơn 8.517ha lúa.
Thời gian qua, chuột phát sinh gây hại rải rác nhiều diện tích lúa của huyện. Nhờ triển khai đồng bộ biện pháp đối phó, đến nay tình trạng chuột cắn phá lúa đã có phần giảm.
Tuy nhiên, hiện nay trên đồng ruộng của Thăng Bình đang xuất hiện một số đối tượng sâu bệnh nguy hiểm. Đáng chú ý là sâu cuốn lá nhỏ phát sinh lứa mới gây hại trên lúa ở giai đoạn làm đòng với mật độ 1 - 2 con/m2, còn sâu trưởng thành gây hại rải rác với mật độ 2 - 4 con/m2.
Trong khi đó, rầy nâu và rầy lưng trắng tiếp tục phát sinh gây hại ở hầu hết các vùng với mật độ bình quân 300 - 500 con/m2, cục bộ có nơi mật độ 700 - 1.000 con/m2. Tổng diện tích lúa bị nhiễm 2 loại rầy nêu trên là 28ha.
Không chỉ vậy, bọ xít đen cũng gây hại rải rác ở các vùng của Thăng Bình, cục bộ có nơi mật độ 10 - 20 con/m2. Cạnh đó, bệnh khô vằn phát sinh ở hầu hết địa phương với tỷ lệ hại trung bình 5 - 7%, cục bộ có nơi 10 - 15%. Đến nay, tại các xã Bình Quế, Bình An, Bình Tú… đã có 11ha lúa nhiễm bệnh khô vằn.
Theo Chi cục Trồng trọt & bảo vệ thực vật Quảng Nam, những ngày qua rầy nâu, rầy lưng trắng gây hại rải rác trên lúa giai đoạn làm đòng - trổ ở Quế Sơn, Hiệp Đức, Tam Kỳ, Thăng Bình, Phú Ninh. Mật độ rầy trung bình 500 - 1.000 con/m2, nơi cao 2.500 con/m2.
Ngoài ra, bọ xít đen, sâu năn, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đạo ôn lá, bệnh khô vằn, bệnh nghẹt rễ - vàng sinh lý, bệnh tuyến trùng rễ, bọ trĩ, sâu keo, sâu phao, bọ xít dài… cũng phát sinh gây hại rải rác ở nhiều địa phương của tỉnh.
Ngành chuyên môn khuyến cáo, từ nay đến cuối vụ đông xuân, nông dân cần bám sát đồng ruộng để kịp thời phát hiện và chủ động triển khai các biện pháp phòng trừ dịch hại trên cây lúa nhằm hạn chế mức độ thiệt hại.