Sau gần 50 năm giải phóng quê hương, trên địa bàn tỉnh vẫn còn hơn chục nghìn hộ dân phải sống trong những ngôi nhà tạm bợ, dột nát. Đây là nỗi trăn trở lớn của Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận và nhân dân toàn tỉnh. Vì thế Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII đã đề ra mục tiêu quyết tâm hoàn thành cơ bản việc xóa bỏ nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh vào năm 2025 nhằm chào mừng Kỷ niệm 50 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam. Theo đó, Ban chỉ đạo cấp tỉnh đã được thành lập. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết cũng đã có thư kêu gọi chung tay thực hiện thắng lợi mục tiêu hết sức có ý nghĩa này.
BÀI 1: ĐỂ NHÀ TẠM… HẾT TẠM
Các địa phương đang vào cuộc mạnh mẽ, đồng thời sáng tạo nhiều cách làm đột phá trong triển khai để công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát phát huy hiệu quả, bền vững.
Mong manh nhà tạm
Bà Lý Thị Tưởng (66 tuổi), sống một mình trong ngôi nhà nhỏ nằm sát cánh đồng thuộc tổ 3, thôn Trà Long (xã Bình Trung, huyện Thăng Bình). Năm 2021, được sự tài trợ từ Tổ chức Cứu trợ nhân đạo Catholic Relief Services (CRS), xã triển khai hỗ trợ 20 triệu đồng sửa chữa nhà cho bà Tưởng.
Với số tiền này, ngôi nhà bà chỉ được thay mới xà gồ, mái lợp fibro xi măng thành mái tôn và sơn, sửa một số hạng mục nhỏ. Qua năm tháng, ngôi nhà có nguy cơ trở thành... nhà tạm.
Ông Ngô Văn Hào - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Bình Trung cho biết, thời điểm đó, xã dự tính đưa trường hợp bà Tưởng vào diện hỗ trợ xây mới.
Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không thể đối ứng, mức hỗ trợ xây mới 40 triệu đồng không đủ để làm lại hoàn toàn ngôi nhà, nên địa phương tạm thời chỉ đưa vào diện sửa chữa.
Vừa rồi, xã Bình Trung đưa trường hợp của bà Tưởng vào danh sách đề nghị hỗ trợ xóa nhà tạm theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh, nhưng sau rà soát thì không được. Toàn xã cũng có 20 trường hợp bị “rớt” lại qua rà soát, chỉ 1 trường hợp được hỗ trợ năm 2024.
Trường hợp như bà Tưởng có lẽ không hiếm ở các địa phương. Từ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tổ chức, doanh nghiệp trước đây, nhiều gia đình đã được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở, tuy nhiên, qua thời gian không ít nhà đã xuống cấp.
Ngoài ảnh hưởng của thời tiết và thời gian, thì một phần do mức hỗ trợ thấp, điều kiện gia đình khó khăn không có đối ứng, nên dù được xây dựng, sửa chữa nhưng kết cấu, độ bền của công trình không cao.
Ông Trần Phước Ân - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Nông Sơn cho biết, trước đây, số nhà tạm của huyện Nông Sơn rất nhiều, đến năm 2022, huyện đã cơ bản xóa được nhà tạm. Tuy nhiên, qua rà soát, huyện Nông Sơn còn 49 nhà tạm theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh. Trên thực tế, nhu cầu xây dựng, sửa chữa nhà ở, nhất là với người có công vẫn còn cao.
“Nhiều gia đình chính sách được hỗ trợ sửa chữa nhà ở nhiều năm trước. Qua thời gian, do thời tiết, mưa bão, có nhà bắt đầu xuống cấp, dù chưa đến mức nhà tạm, nhưng có nguy cơ trở thành nhà tạm” - ông Ân chia sẻ.
Các địa phương vào cuộc
Thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát, từ đầu năm 2024 đến nay, hàng trăm ngôi nhà đã được khởi công xây dựng, bàn giao, góp phần an cư, ổn định cuộc sống người dân.
Hơn 11 giờ trưa, trên công trình xây dựng nhà của ông Nguyễn Công Tần (87 tuổi, thôn Chánh Lộc, xã Duy Sơn, huyện Duy Xuyên), các thành viên đội thợ xây dựng vẫn miệt mài làm việc. Là con liệt sĩ, ông Tần là một trong 11 trường hợp ở xã Duy Sơn thuộc diện được hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh.
Với sự trợ lực từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước, anh Nguyễn Công Điệp (con trai của cụ Tần) đã quyết định dành một khoản tiền tích cóp để xây dựng lại ngôi nhà mới khang trang cho cha mẹ (gia đình anh Điệp hiện sống ở Quảng Ngãi - PV). Theo đó, ngôi nhà chính hơn 100m2 cùng một số công trình phụ được ông Điệp thuê người vẽ thiết kế, đảm bảo kiên cố, thẩm mỹ.
“Ông nội hy sinh trong kháng chiến chống Pháp khi ba tôi mới 13 tuổi nên cuộc sống của ông rất cơ cực. Đã từ lâu, anh chị em trong nhà ấp ủ làm lại tặng cha mẹ ngôi nhà khang trang, tuy nhiên, nguồn lực kinh tế hạn hẹp nên mong ước còn bỏ ngỏ.
Đầu năm nay, biết ba mẹ thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ xóa nhà tạm, tôi bàn với cả nhà phải quyết tâm xây mới ngôi nhà cho ba mẹ. Trước là để ông bà có căn nhà khang trang sống ngày tuổi già, sau này cũng là chỗ để thờ cúng, con cháu trở về…” - ông Điệp chia sẻ.
Ông Ngô Tiến Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Sơn cho biết, với sự quyết tâm cao của chính quyền địa phương và sự đồng lòng của các gia đình, đến nay đã có 9/11 nhà trong diện xóa nhà tạm của xã được khởi công xây dựng, trong đó 3 nhà đã nghiệm thu bàn giao.
“Địa phương nắm bắt điều kiện hoàn cảnh từng hộ, từ đó kịp thời động viên gia đình, tộc họ, cộng đồng giúp đỡ để các gia đình khởi công xây dựng nhà. Một số trường hợp quá khó khăn, xã đứng ra bảo lãnh với bên bán vật liệu xây dựng để các gia đình yên tâm làm lại nhà” - ông Dũng nói.
Tại huyện Thăng Bình, công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát, vận động xây dựng nhà đại đoàn kết được cấp ủy, chính quyền, Mặt trận tập trung triển khai có hiệu quả.
Ông Nguyễn Thanh Phong - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, Trưởng ban Chỉ đạo công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát huyện Thăng Bình cho biết, địa phương quyết tâm hoàn thành xóa nhà tạm cho 97 hộ trong năm 2024 - 2025, gồm 47 hộ có công cách mạng và 50 hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Cùng với đó, trong năm 2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện còn triển khai hỗ trợ xây mới 24 nhà, sửa chữa 50 nhà đại đoàn kết cho hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó, 24 nhà xây mới với mức 60 triệu đồng/ nhà được tổ chức Phật giáo tài trợ; còn 50 nhà sửa chữa, Mặt trận huyện sẽ sử dụng nguồn Quỹ vì người nghèo để hỗ trợ.
“Đến nay, kinh phí xóa nhà tạm, xây dựng nhà đại đoàn kết cho các trường hợp được phê duyệt cơ bản đảm bảo, huyện quyết tâm triển khai, chậm nhất đến quý I/2025 phải hoàn thành” - ông Phong chia sẻ.
Nỗ lực tăng mức hỗ trợ
Giai đoạn 2023 - 2025, huyện Duy Xuyên có 154 nhà được phê duyệt xóa nhà tạm, nhà dột nát (xây mới 36 nhà, sửa chữa 118 nhà). Tính đến ngày 5/8/2024, toàn huyện có 45 nhà chưa khởi công, 46 nhà đang thực hiện, 63 nhà hoàn thành.
Đáng nói, ngoài nguồn ngân sách tỉnh hỗ trợ theo Nghị quyết số 13 (60 triệu đồng/ nhà xây mới và 30 triệu đồng/ nhà sửa chữa), HĐND huyện Duy Xuyên đã ban hành nghị quyết, trích ngân sách huyện khoảng 2,6 tỷ đồng để hỗ trợ thêm mỗi trường hợp thuộc diện xóa nhà tạm với mức xây mới 40 triệu đồng/nhà, sửa chữa 10 triệu đồng/nhà.
Như vậy, mỗi trường hợp thuộc diện xóa nhà tạm của huyện Duy Xuyên sẽ được hỗ trợ 100 triệu đồng/nhà xây mới và 40 triệu đồng/nhà sửa chữa.
Ông Nguyễn Công Dũng - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên cho biết, qua đánh giá việc triển khai hỗ trợ xây dựng xóa nhà tạm trước đây (với mức 20 - 40 triệu đồng sửa chữa, xây mới theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ hay sau này một số đơn vị tài trợ 50 - 60 triệu đồng/nhà), với mức hỗ trợ đó, những gia đình thực sự khó khăn khi làm nhà thì chất lượng công trình không cao, dễ xuống cấp và nhanh chóng quay lại nhà tạm.
Từ thực tế đó, huyện nhận thấy, dù Nghị quyết 13 HĐND tỉnh hỗ trợ 60 triệu đồng cho mỗi trường hợp xây mới là rất quý, nhưng nếu chỉ 60 triệu đồng thì nhiều hộ khó khăn khi tiến hành làm nhà sẽ không vững chắc, lâu bền được. Do đó, huyện quyết định dành một khoản ngân sách vượt thu để hỗ trợ thêm mỗi nhà xây mới 40 triệu đồng, nhà sửa chữa 10 triệu đồng.
Đáng nói, không phải đến năm nay huyện Duy Xuyên mới nâng mức hỗ trợ làm nhà cho người dân, trước đó, năm 2022 - 2023, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã lồng ghép các nguồn vận động, tiến hành xây dựng hoàn thành 63 nhà đại đoàn kết với mức hỗ trợ thấp nhất 100 triệu đồng/nhà.
“Đã xây mới nhà thì phải tính đến yếu tố bền vững, chất lượng. Ngoài nguồn hỗ trợ thêm, huyện còn chỉ đạo xã, thôn vận động nhân công, vật liệu..., rồi các gia đình góp thêm kinh phí, làm sao phải xây dựng nhà vững chắc, lâu bền” - ông Nguyễn Công Dũng nói.
-----------------------
Bài 2: Nan giải ở miền núi