Khẳng định sự đồng thuận cao đối với đề án hợp nhất hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng, các vị lão thành nguyên là Tỉnh ủy viên Quảng Nam, Quảng Đà, Đặc khu ủy viên Quảng Đà trong kháng chiến bày tỏ kỳ vọng, tin tưởng vào sự đoàn kết, thống nhất của thế hệ kế cận hôm nay, vì sự phát triển chung.
Nhân dân rất tin tưởng
Cuộc gặp gỡ diễn ra tại TP.Tam Kỳ vào chiều 21/4 khá ấm áp, thân tình. Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy hai địa phương Quảng Nam và Đà Nẵng đều có mặt, trao đổi nhiều thông tin đến các vị lão thành nguyên là Tỉnh ủy viên Quảng Nam, Quảng Đà, Đặc khu ủy viên Quảng Đà trong kháng chiến nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Chia sẻ về những thành tựu phát triển của Quảng Nam trong thời gian qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng cũng dành thời gian thông tin về tình hình sắp xếp tổ chức bộ máy.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, Quảng Nam - Đà Nẵng đều đã có những bước phát triển ấn tượng trong thời gian qua, đóng góp lớn vào ngân sách trung ương và có mối quan hệ đoàn kết, gắn bó giữa chính quyền và nhân dân hai địa phương suốt chiều dài lịch sử. Nhấn mạnh sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa chính quyền hai địa phương trong thực hiện đề án sáp nhập, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, người dân rất đồng thuận.
“Qua lấy phiếu xin ý kiến nhân dân, Quảng Nam ghi nhận sự đồng tình rất cao. Tỷ lệ người dân đồng tình việc sáp nhập hai tỉnh đến 98,5%. Đối với chủ trương sáp nhập cấp xã, thôi cấp huyện, nhân dân hưởng ứng đến 97,6%.
Lãnh đạo tỉnh đã tiếp thu, lắng nghe ý kiến và kịp thời điều chỉnh, đặt tên các xã theo lịch sử truyền thống văn hóa của địa phương và nhận được nhiều tín hiệu tích cực. Sắp tới, việc sáp nhập Quảng Nam và TP.Đà Nẵng sẽ thuận tiện hơn” - đồng chí Lê Văn Dũng nói.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Đình Vĩnh cho hay, qua ba phiên làm việc, Ban Chỉ đạo sắp xếp đơn vị hành chính 2 địa phương đã có sự thống nhất rất cao và chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu để trình Trung ương xem xét, quyết định.
“Các công việc tiếp theo theo định hướng Quảng Nam và Đà Nẵng về lại chung một nhà sau 28 năm chia tách, như vấn đề quy hoạch, hay việc thực hiện các tuyến giao thông mới như metro, đường sắt cao tốc nối từ Đà Nẵng - Hội An - Tam Kỳ - Chu Lai tạo nên sự kết nối, liên thông, liền mạch, tạo sự kết nối để phát triển sẽ được tính đến” - đồng chí Nguyễn Đình Vĩnh nói.
Lãnh đạo hai địa phương cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng đề án, đảm bảo đồng thuận từ người dân. Những tính toán liên quan đến hợp nhất sẽ dựa trên lợi ích chung, không chỉ của Quảng Nam và Đà Nẵng mà còn của cả khu vực miền Trung.
Dặn dò đội ngũ kế cận
Các đồng chí nguyên lãnh đạo qua các thời kỳ đã bày tỏ sự đồng thuận cao với đề án hợp nhất Quảng Nam - Đà Nẵng. Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Chí Thành chia sẻ, qua nghe ngóng tâm tư, tình cảm của nhiều người, ông rất hoan nghênh sự lắng nghe của chính quyền hai địa phương. Chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã từng rất gắn bó, việc sáp nhập là phù hợp với văn hóa, vì cuộc sống, vì tương lai của nhân dân.
Nhắc lại tinh thần đoàn kết trong quá khứ, ông Trần Chí Thành kể lại câu chuyện xây dựng đại thủy nông Phú Ninh sau giải phóng.
“Khi đã quyết định xây hồ Phú Ninh, nhân dân Kỳ Trà, Kỳ Yên đã tình nguyện đi ra, bà con xung quanh cũng đã nhường đất lại cho công trình, thậm chí dời cả mồ mả ông bà, mà không hề cần đến ban giải tỏa đền bù nào. Đó là văn hóa của người xứ Quảng, để lại nhiều tình cảm tốt đẹp, lớn lao và đầy trách nhiệm. Nhân dịp sắp đến thống nhất Quảng - Đà, tôi mong muốn cố gắng phát huy văn hóa xứ Quảng, sức mạnh tổng hợp để xây dựng cuộc sống mới, làm tấm gương sáng cho thế hệ trẻ” - ông Trần Chí Thành chia sẻ.
Ông Lê Đào - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, nay đã 99 tuổi, xúc động kể lại những ngày đầu được bác Võ Chí Công giới thiệu ra sinh hoạt tại Đà Nẵng chỉ bằng một tấm giấy giới thiệu nhỏ như con tem, sau đó gắn bó với sự nghiệp cách mạng, với vùng đất Quảng - Đà xưa.
Ông Lê Đào chia sẻ, Đảng đã kiên cường, gian khổ lãnh đạo nhân dân đi từ nô lệ đến độc lập thống nhất. Nhưng gần đây, ông nhận thấy quản lý còn nhiều cái yếu, về môi trường, đất đai, tài chính, quản lý các dự án, đặc biệt là quản lý cán bộ.
“Rất mừng vì Trung ương đã có sự chấn chỉnh cần thiết. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã thổi một luồng gió mới, tạo được niềm tin trong quần chúng nhân dân. Do đó, thời gian tới cần kiện toàn đội ngũ cán bộ cốt cán, có trình độ, có nhân cách, xứng đáng được tin tưởng để tiếp tục lái con thuyền Quảng Nam - Đà Nẵng cập bến vinh quang” - ông Đào nói.
Từng trải qua nhiều trọng trách, từ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng đến Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, ông Nguyễn Văn Chi bày ghi nhận những kỳ tích của Quảng Nam, Đà Nẵng đã đạt được.
“Tôi rất phấn khởi và mong rằng những thành tích của hai địa phương sẽ được tiếp tục phát huy trong thời gian tới. Năm mươi năm giải phóng, thống nhất đất nước là một chặng đường dài. Sắp tới, câu chuyện nhân sự là đại sự. Tôi đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ, Quảng Nam – Đà Nẵng chia tay 28 năm, sắp tới sẽ là hội ngộ. Mong muốn lớn nhất là trên dưới một lòng, trong ngoài một dạ. Muốn như thế phải khiêm tốn, thuyết phục, quyết đoán và tôn trọng nhau, như Bác Hồ đã dạy: giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi trong mắt mình” - ông Chi chia sẻ.
Phía trước, sẽ là một tương lai mới, một hành trình mới. Nhiều kỳ vọng được gửi gắm, trao lại cho thế hệ hôm nay, với rất nhiều niềm tin cho một hành trình mới của vùng đất, sau sáp nhập.