(QNO) - Ngành bảo hiểm xã hội (BHXH) đang nỗ lực để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT), chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Đáp ứng nhu cầu của nhân dân
Từ sáng sớm, Trạm Y tế phường Điện An (Điện Bàn) đã có gần 20 người đến khám bệnh BHYT. Chỉ mất khoảng 10 phút sau khi đưa thẻ BHYT và sổ khám bệnh, em Huỳnh Ngọc Khanh đã được y sĩ của trạm thăm khám, chẩn đoán bệnh. Với bệnh cảm thông thường nên Khanh đã được kê đơn thuốc, nhận thuốc về điều trị tại nhà.
“Em chọn khám tại Trạm y tế phường Điện An vì gần nhà, rất thuận tiện. Và các y bác sĩ ở đây gần gũi, luôn ân cần khi khám bệnh, cấp thuốc đầy đủ giúp em điều trị nhanh khỏi bệnh”.
Theo bà Đỗ Thị Hồng Nhung – Trưởng Trạm y tế phường Điện An, do dân số của phường đông đúc (hơn 17 nghìn người), đơn vị luôn tiếp nhận khoảng 500 đến 700 lượt khám BHYT mỗi tháng. Đa số tiếp nhận các bệnh thông thường không lây nhiễm và các người già có bệnh tiểu đường, huyết áp…
“Mặc dù khối lượng công việc lớn nhưng thái độ phục vụ và sự tận tình trong chuyên môn của lực lượng y tế đã giúp nhân dân tin tưởng, luôn đến trạm y tế khám, điều trị khi có bệnh” – bà Nhung cho biết.
Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam Lê Văn Tiến cho biết, sau 30 năm thực hiện chính sách BHYT và Chỉ thị số 38 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác BHYT trong tình hình mới đã đi vào cuộc sống góp phần đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục củng cố thêm niềm tin của Nhân dân vào chính sách BHYT nhân văn, ưu việt.
Điểm nổi bật nhất của chính sách này tại Quảng Nam là độ bao phủ đã đạt 96,5% và đang trên đà tiến đến độ bao phủ toàn dân. Đồng thời, chất lượng khám chữa bệnh BHYT ngày càng tăng lên, người dân được tiếp cận với các dịch vụ kỹ thuật y tế gần nhất. Và các loại thuốc, hóa chất, vật tư y tế đã mở rộng, đa dạng chủng loại đáp ứng được nhu cầu.
“Nhiều dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, chuyên khoa sâu như đặt stent, phẫu thuật tim hở… đã có ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh đã giúp người dân khám, điều trị trong tỉnh mà không tốn kém chi phí, rút ngắn thời gian điều trị đi các nơi khác như Huế, TP.Hồ Chí Minh” – ông Tiến nói.
Tính đến tháng 4/2024, số lượt khám chữa bệnh BHYT ngoại trú toàn tỉnh là 263.120, nội trú 29.631 với tổng chi phí do Quỹ BHYT thanh toán hơn 163,6 tỷ đồng, lũy kế số lượt khám chữa bệnh BHYT ngoại trú và nội trú 4 tháng đầu năm là 1.182.160 lượt với chi phí thanh toán là 627,1 tỷ đồng.
Ngoài công tác tuyền truyền, BHXH Quảng Nam đã phối hợp với Sở Y tế về công tác quản lý về khám chữa bệnh BHYT. Trong đó, 2 ngành đã thực hiện thanh tra, kiểm tra để kịp thời ngăn chặn các hành vi trục lợi, lạm dụng quỹ BHYT. Qua đó cũng chấn chỉnh công tác chuyên môn của các cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo quyền lợi cho người khám chữa bệnh BHYT.
Đồng thời, công tác giám định cũng được đổi mới, nâng cao chất lượng giám định. BHXH tỉnh Quảng Nam đưa công nghệ thông tin vào giám định tự động, giám định trực tiếp nên các cơ sở khám chữa bệnh sẽ thực hiện đúng quy định của pháp luật, đảm bảo người dân được thụ hưởng đúng, đủ các quyền lợi.
[VIDEO] - Ông Lê Văn Tiến - Phó Giám đốc BHXH tỉnh Quảng Nam:
UBND tỉnh vừa có công văn gửi BHXH tỉnh, Sở Y tế, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tăng cường truyền thông và tổ chức các hoạt động nhân dịp 15 năm ngày BHYT Việt Nam (1/7/2009 - 1/7/2024) với chủ đề “Sử dụng hiệu quả Quỹ BHYT tế và nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh BHYT tại y tế cơ sở”.
Đồng thời, yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn thực hiện các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về BHYT phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về BHYT; nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, quan tâm đến y tế cơ sở; tăng cường thanh tra, kiểm tra phòng, chống hành vi lãng phí, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ BHYT.
Đẩy mạnh chuyển đổi số
Theo Trung tâm Truyền thông BHXH Việt Nam, bên cạnh việc giải quyết, chi trả chế độ, chính sách BHYT đầy đủ, kịp thời, đúng quy định, BHXH Việt Nam còn tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp để tạo ra nhiều tiện ích, lợi ích cho người tham gia, thụ hưởng và cơ quan quản lý Nhà nước trong việc phát hiện, phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.
Theo đó, toàn ngành đã đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC) cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục. Ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác nghiệp vụ, như tin học hóa hầu hết các thủ tục tham gia BHYT và cấp thẻ BHYT; triển khai giao dịch điện tử đối với các tổ chức và cá nhân; triển khai 100% dịch vụ công (DVC) mức độ 4 cho các TTHC của ngành BHXH Việt Nam. Tích hợp, cung cấp trên Cổng DVC BHXH Việt Nam, Cổng DVC quốc gia và ứng dụng VssID-BHXH số trên nền tảng thiết bị di động...
Từ đó, hệ thống của BHXH Việt Nam đã tiếp nhận và xử lý gần 300 triệu lượt hồ sơ giao dịch trực tuyến, trong đó mỗi năm có hơn 170 triệu lượt đề nghị thanh toán chi phí khám chữa bệnh BHYT trên Hệ thống thông tin giám định BHYT. Đối với hệ thống Thông tin giám định BHYT được BHXH Việt Nam xây dựng và vận hành chính thức từ tháng 7/2016, đã kết nối liên thông dữ liệu giữa cơ quan BHXH với gần 13 nghìn cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc.
Và hệ thống thông tin giám định BHYT liên thông với các phần mềm nghiệp vụ để cập nhật, theo dõi người tham gia đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại các tuyến, liên thông dữ liệu với phần mềm kế toán tập trung để quản lý tạm ứng, thanh toán chi khám chữa bệnh BHYT tại từng cơ sở, để chống trục lợi giải quyết hưởng chế độ ốm đau, thai sản.
Tính đến hết tháng 4/2024, ngành BHXH Việt Nam đã giám định, thanh toán 57,552 triệu lượt người khám chữa bệnh BHYT (tăng hơn 3,07 triệu lượt khám chữa bệnh so với cùng kỳ năm 2023). Số chi khám chữa bệnh BHYT là gần 42.497 tỷ đồng.