Chính quyền - đoàn thể

Quảng Nam nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công

ĐÔNG ANH 07/03/2024 09:27

Nâng chất lượng, hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến bằng nhiều kênh, hình thức để phục vụ người dân, doanh nghiệp, là nhiệm vụ quan trọng của công tác chuyển đổi số và triển khai Đề án 06.

z5058003276389_2445e601bf90521761c49a7cf5db26be.jpg
Nhân viên Bưu điện Quảng Nam thay thế cán bộ công chức sở ngành tiếp nhận hồ sơ TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh. Ảnh: PV

Nỗ lực cải thiện dịch vụ

Nhằm hỗ trợ công dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) thuận lợi, UBND tỉnh hợp nhất Cổng DVC và Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh thành Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC); chuyển danh mục cơ sở dữ liệu (CSDL) dùng chung từ hệ thống cũ sang hệ thống mới.

Ông Phạm Hồng Quảng - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông cho biết, hệ thống thông tin giải quyết TTHC đã được các đơn vị Bộ Công an kiểm tra an ninh mạng, cho phép kết nối với CSDL quốc gia về dân cư để tra cứu thông tin công dân, phục vụ giải quyết TTHC.

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai các đề án nhằm đẩy mạnh giải quyết TTHC trên môi trường điện tử. Trong đó có việc chuẩn hóa, tái cấu trúc quy trình, cắt giảm đơn giản hóa TTHC.

Năm 2023, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục DVCTT gồm 1.199 DVC toàn trình và 439 DVC một phần, với mục tiêu tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến, thanh toán trực tuyến tối thiểu tăng 10% so với năm 2022…

Đặc biệt, trên địa bàn tỉnh đã cung cấp 25/25 DVC thiết yếu theo Đề án 06, trong đó có 2 nhóm TTHC liên thông. Tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến trên Cổng DVC ngày càng được nâng lên rõ rệt, nhất là 11 DVC thiết yếu của lực lượng công an chủ trì.

Nhiều thủ tục có tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 100%, như thủ tục làm con dấu mới và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu; thu tiền nộp phạt xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ qua thiết bị ghi hình (phạt nguội); thông báo lưu trú tại các cơ sở kinh doanh lưu trú.

Theo Bộ chỉ số đánh giá chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp trong thực hiện TTHC, DVC, Quảng Nam xếp hạng 34/63 tỉnh thành.

Trong đó, điểm công khai, minh bạch đạt 77.1%, tiến độ giải quyết đạt 89%, cung cấp DVCTT đạt 32.5%, thanh toán trực tuyến đạt 31.3%, số hóa hồ sơ đạt 49% và mức độ hài lòng đạt 99.3%.

Chuyên nghiệp trong tiếp nhận, trả kết quả TTHC

Theo Bưu điện Quảng Nam, thực hiện Quyết định số 2114 ngày 12/8/2022 của UBND tỉnh, đến nay đơn vị đã bố trí 17 nhân viên thay thế, hỗ trợ 24 công chức của các sở, ngành trong tiếp nhận, số hóa hồ sơ, trả kết quả giải quyết TTHC tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh; bố trí 44 nhân viên thay thế, hỗ trợ 150 công chức tại trung tâm hành chính công và bộ phận một cửa của 18 địa phương.

Bố trí 20 nhân viên thay thế công chức tại bộ phận một cửa tại 19 xã, phường, thị trấn. Năm 2023, Bưu điện Quảng Nam đã tiếp nhận và chuyển phát hơn 140 nghìn hồ sơ TTHC các loại.

Hướng đến thu phí “0 đồng”

Triển khai Đề án 06 đối với nhóm tiện ích phục vụ giải quyết TTHC và cung cấp DVCTT, TP.Tam Kỳ đề ra nhiều chỉ tiêu thực hiện trong thời gian đến.

z5058003276049_4eb73d6624fb1f6bfdb353ead9d9c8cd.jpg
Hướng dẫn công dân đăng ký nộp hồ sơ trực tuyến. Ảnh: PV

Ông Nguyễn Hồng Lai - Phó Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho biết, có nhiều người dân đăng ký tài khoản trên cổng DVC, thực hiện tra cứu các tiện ích và khai thác văn bản hướng dẫn liên quan đến các lĩnh vực hành chính mà công dân có nhu cầu.

Thời gian đến, cần lựa chọn những nhóm TTHC gắn trực tiếp với người dân, doanh nghiệp để tập trung triển khai thực chất, thuận lợi, kịp thời, hiệu quả; thay đổi tư duy từ “làm thay, làm hộ” sang “hỗ trợ, hướng dẫn” để nâng cao kỹ năng số cho người dân, doanh nghiệp.

Đồng thời đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC theo đúng quy định. Không yêu cầu người dân, doanh nghiệp cung cấp giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC đã được số hóa theo quy định.

Nhiều ý kiến cho rằng, khi DVC liên thông chưa thực hiện đồng bộ sẽ dẫn đến phiền hà cho nhân dân vì phải đi lại nhiều nơi để làm thủ tục.

Ông Phạm Hồng Quảng cho rằng, bên cạnh kết quả, việc cung cấp DVCTT chưa thực sự thuận tiện cho tổ chức, công dân khai thác, sử dụng.

Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố rà soát, đơn giản hóa, tiến hành cắt giảm thời gian, thành phần hồ sơ yêu cầu không phù hợp.

Qua đó phối hợp với Sở Thông tin - Truyền thông hoàn thiện quy trình nghiệp vụ, tin học hóa tái cấu trúc các quy trình, kiểm tra, kiểm thử các DVC đảm bảo thuận tiện cho tổ chức, cá nhân thực hiện trên môi trường điện tử.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đánh giá, việc hoàn thiện hệ thống DVCTT đã triển khai, cải thiện nhưng vẫn còn nhiều lỗi, tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến còn thấp.

Do đó, thời gian đến các cơ quan, đơn vị, địa phương cần nâng cao chất lượng, hiệu quả cung cấp sử dụng DVCTT bằng nhiều kênh, hình thức để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Trong đó, sớm tham mưu trình HĐND tỉnh thực hiện thu phí 0 đồng với DVCTT. Trước đây, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47 về giảm 50% mức thu phí, lệ phí đối với các TTHC sử dụng DVCTT mức độ 3, 4.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam nâng chất lượng cung cấp dịch vụ công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO