(QNO) - Chiều nay 17/2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn chủ trì cuộc họp trực tuyến với UBND các huyện, thị xã, thành phố về triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2023 - 2025.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tính đến ngày 12/2/2025, toàn tỉnh hoàn thành 5.590 nhà/11.663 nhà (đạt 47,93%); trong đó xây mới 3.771 nhà, sửa chữa 1.819 nhà. Tổng kinh phí đã hỗ trợ thực hiện hơn 273,2 tỷ đồng.
Số nhà còn lại phải thực hiện năm 2025 là 6.073 nhà; trong đó xây mới 4.345 nhà, sửa chữa 1.728 nhà. Nhu cầu kinh phí thực hiện hơn 320 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ (theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg) 824 nhà với tổng nhu cầu kinh phí hơn 32,3 tỷ đồng. Nhóm hộ nghèo, cận nghèo theo chương trình mục tiêu quốc gia 2.198 nhà (xây mới 1.764 nhà, sửa chữa 434 nhà), nhu cầu kinh phí hơn 119,4 tỷ đồng. Nhóm hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công do HĐND tỉnh quy định 3.051 nhà (xây mới 2.328 nhà, sửa chữa 723 nhà), nhu cầu kinh phí hơn 168,3 tỷ đồng.
Bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết, tổng nguồn kinh phí hiện có hơn 395,4 tỷ đồng, gồm nguồn ngân sách hơn 261,7 tỷ đồng, nguồn vận động hơn 133,7 tỷ đồng. So với tổng nhu cầu kinh phí thực hiện hơn 320 tỷ đồng/6.073 nhà, đã đảm bảo nguồn kinh phí thực hiện. Đến nay, nguồn ngân sách tỉnh phân bổ 130 tỷ đồng/261,7 tỷ đồng; nguồn vận động của tỉnh đã phân bổ cho các địa phương hơn 22,9 tỷ đồng.
Tại cuộc họp, các sở, ngành liên quan và địa phương báo cáo tiến độ triển khai hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn; nêu khó khăn, vướng mắc và đề xuất giải pháp để triển khai hiệu quả trong năm 2025.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn ghi nhận nỗ lực, trách nhiệm của các địa phương thời gian qua. Đồng thời đề nghị các ngành, địa phương xác định tâm thế hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát ngay trong năm nay; xem đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, mang tính nhân văn, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Đồng chí Trần Anh Tuấn khẳng định, hiện nay, nguồn kinh phí không thiếu và sẵn sàng phân bổ để các địa phương yên tâm triển khai thực hiện. Do đó, các địa phương cần chủ động, khẩn trương triển khai, đẩy nhanh tiến độ. Cần xác định rõ trách nhiệm của cơ quan nhà nước và người dân, phân công nhiệm vụ cụ thể, đôn đốc và tháo gỡ khó khăn kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn đề nghị các địa phương khẩn trương phê duyệt số lượng, danh sách các nhóm đối tượng thuộc diện được hỗ trợ, bổ sung và các đối tượng bị trùng lắp… để tỉnh phân bổ kinh phí. Đối với các nhà đã được phê duyệt cần khẩn trương đăng ký thời gian xây dựng, sửa chữa cũng như thời gian nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.