Tài chính - Thị trường

Quảng Nam tìm cách tăng thu ngân sách từ thủy điện

TRỊNH DŨNG 09/08/2024 09:45

Làm gì, như thế nào để đốc thu ngân sách từ thủy điện là vấn đề được thảo luận tại phiên họp vào hôm qua 8/8, giữa UBND tỉnh với các doanh nghiệp thủy điện. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng chủ trì.

1(1).jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng chủ trì cuộc họp với doanh nghiệp thủy điện ngày 8/8/2024.

Số nộp ngân sách ngày càng giảm sút

Cục Thuế công bố dự toán thu ngân sách đối với khối doanh nghiệp thủy điện 1.160 tỷ đồng trong năm 2024. Tổng sản lượng phát điện 6 tháng đầu năm 2024 theo hồ sơ khai thuế khoảng 3.080 triệu kWh.

Tuy nhiên, số thu ngân sách mới chỉ đạt 607,5 tỷ đồng (đạt 52,3% dự toán). So cùng kỳ năm 2023, số thu bằng 79,3%, sản lượng phát điện khoảng 2.496 triệu kWh/3.080 triệu kWh, bằng 81,8%. Theo phân tích của Cục Thuế, nhiều doanh nghiệp thủy điện trọng điểm đều có sản lượng phát điện giảm.

So cùng kỳ, số nộp ngân sách chưa đạt tiến độ, giảm sâu. Cụ thể: Công ty CP thủy điện A Vương nộp 63,5 tỷ đồng (29% dự toán, bằng 41,6%), chi nhánh Tổng công ty phát điện 1 - Công ty thủy điện Sông Tranh (Sông Tranh 2) nộp 47,7 tỷ đồng (52,4% dự toán, bằng 70,5%), Công ty thủy điện Geruco Sông Côn nộp 28,4 tỷ đồng (49,2% dự toán, bằng 74,5%), nhà máy thủy điện Đăk Mi 3 nộp 18,1 tỷ đồng (39,5% dự toán, bằng 52,5% so cùng kỳ)...

Số thu ngân sách 6 tháng qua của các doanh nghiệp thủy điện giảm mạnh. Nguyên nhân được tính đến, chủ yếu là do thời tiết bất ổn, khô hạn đến sớm hơn cùng kỳ. Các doanh nghiệp thủy điện phải thực hiện phát điện theo quy trình vận hành liên hồ chứa để bảo đảm cấp nước an toàn đến cuối mùa cạn.

Ngoài ra, theo quy định của Bộ Công Thương, các nhà máy thủy điện có công suất lắp máy từ 30MW trở lên phải tham gia thị trường điện chào giá cạnh tranh theo từng thời điểm. Sản lượng bán tùy thuộc vào việc chấp nhận giá của công ty mua bán điện và phụ thuộc vào điều tiết sản lượng của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia (A0).

1 (1)
Một trong những nhà máy thủy điện đang vận hành

Theo ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế, các nhà máy thủy điện đã thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, không nợ thuế. Tuy nhiên, theo dữ liệu quản lý thuế có quá nhiều biến động. Số nộp ngân sách không ổn định, giảm dần theo từng năm, dù vài năm gần đây có phát sinh một số năng lực mới nhưng chủ yếu là thủy điện nhỏ, số nộp ngân sách không lớn như Nước Biêu, Đăk Di, Trà Linh... Chỉ tính riêng 7 tháng đầu năm 2024 đã tiếp tục thấp, chỉ bằng 80% cùng kỳ.

Ngoài yếu tố thiên nhiên, vẫn có nhà máy tiếp tục vận hành, nhưng không tải lên được lưới điện vì không được điều tiết từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam. “Các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã dẫn đến sản lượng, giá bán điện năm 2024 của nhiều doanh nghiệp thủy điện sụt giảm mạnh, kéo theo số thu ngân sách giảm nhiều” - ông Tiếp nói.

Dự toán thu ngân sách năm 2024 đã được HĐND tỉnh ấn định là 20.100 tỷ đồng so với 20.880 tỷ đồng năm 2023. Tuy nhiên, trong 6 tháng đầu năm 2024, mới đạt 46,4% (9.317 tỷ đồng), bằng 91,6% so cùng kỳ. Tổng thu ngân sách bao gồm số gia hạn là 10.099 tỷ đồng, đạt 50,2% dự toán, bằng 94,1% so cùng kỳ.

Theo tính toán của Cục Thuế, ước thu năm 2024 từ các nhà máy thủy điện 1.160 tỷ đồng (đạt 100%, nhưng chỉ bằng 92,3% so năm 2023), có dễ dàng đạt được khi số nộp ngân sách từ khu vực này ngày càng sụt giảm.

img_7800.jpg
Thủy điện A Vương - một trong những nhà máy hoạt động hiệu quả, đóng góp nhiều cho ngân sách.

Tìm phương án tăng thu

Ngày 8/8, có 10 doanh nghiệp thủy điện lớn tham dự cuộc họp của UBND tỉnh để bàn về việc đốc thu ngân sách. Nhiều doanh nghiệp thủy điện cho rằng hiện nay, mực nước tại một số hồ thủy điện lớn trên địa bàn tỉnh cao hơn mức quy định trong mùa cạn của quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.

Họ đề nghị UBND tỉnh cho phép hoặc đề nghị Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia cho phép điều tiết đưa hồ về mực nước chết vào cuối tháng 8/2024 và hai tuần đầu của tháng 9/2024, nhằm tận dụng hết dung tích hữu ích còn lại để phát điện.

Doanh nghiệp thủy điện còn kiến nghị Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam ra lệnh vận hành linh hoạt các hồ trong mùa mưa lũ.

Cụ thể: không hạ quá sâu hồ về mực nước đón lũ thấp nhất khi có bản tin dự báo có mưa lũ. Kéo dài thời gian vận hành đưa nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ sau khi kết thúc đợt lũ.

Các doanh nghiệp yêu cầu chính quyền, cơ quan quản lý xem xét nhanh phương án bảo vệ đập, thi công đường, cho phép mở rộng nhà máy, tỉa cây rừng để bảo vệ an toàn lưới điện, tận dụng nguồn nước xả, tránh lãng phí tài nguyên và ngân sách... Cùng với các kiến nghị, chủ doanh nghiệp cam kết sẽ nộp ngân sách đủ số đã được ấn định.

img_8751.jpg
Các hồ thủy điện đã đầy nước. Hy vọng các nhà máy sẽ gia tăng sản lượng, đóng góp nhiều ngân sách vào những tháng cuối năm

Ông Nguyễn Vinh - Giám đốc thủy điện Đắk Mi 2 nói, sản lượng phát điện chỉ đạt 40% do hồ nhỏ không chứa được nước. Tuy nhiên, nhà máy sẽ bảo đảm đủ theo kế hoạch nộp ngân sách cho địa phương.

Quan trọng hơn là chính quyền chấp thuận cho nhà máy huy động vận hành ít nhất 2 đến 3 tổ máy trong mùa mưa lũ thường xuyên để có đủ lượng nước đẩy cát ra ngoài. Nếu không thì cát sẽ tràn, ngập, dẫn đến dừng phát điện, không đảm bảo lượng điện và số nộp ngân sách như kế hoạch.

Ông Lê Đình Bản - thành viên HĐQT Công ty CP Thủy điện A Vương cho biết, việc lập dự toán sản lượng kế hoạch năm phát bao nhiêu là điều không thể không thực hiện, nhưng còn đạt hay không phải phụ thuộc vào thời tiết. Không có cách gì dự báo một cách chính xác con số sản lượng hay nộp ngân sách được.

Theo ông Bản, sự vận hành của các nhà máy thủy điện 6 tháng đầu năm khoảng 35-40% công suất, sản lượng không có gì bất thường. Vừa đảm bảo nước sinh hoạt, vừa chào giá cạnh tranh, lại bị ràng buộc vào sự điều tiết nên ảnh hưởng đến doanh thu.

Doanh thu thấp, kéo theo hàng loạt loại thuế khác nộp ngân sách cũng sẽ giảm theo. Tuy nhiên, không có gì phải lo ngại. Sản lượng các tháng còn lại sẽ khá hơn. Dự kiến đạt kế hoạch nộp ngân sách.

Ông Trần Nam Hưng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong các doanh nghiệp thủy điện nỗ lực hết sức để vận hành sản lượng thủy điện đạt công suất, đóng góp đủ, đúng số thuế đã được giao.

Kiến nghị của doanh nghiệp sẽ được các sở, ngành, liên quan hướng dẫn; đối với việc cắt tỉa cây rừng, doanh nghiệp thủy điện chủ trì xây dựng phương án với địa phương vì chưa có quy định.

Tính toán việc cần thiết phải cắt tỉa, sự ảnh hưởng đến an toàn lưới điện như thế nào và phương án bảo vệ đập phải xong, chậm nhất trước 15/8/2024. Thống nhất chủ trương mở rộng, nhưng cần phải bổ sung quy hoạch điện xong thì mới có thể duyệt phương án mở rộng dự án, mở rộng nhà máy cho doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam tìm cách tăng thu ngân sách từ thủy điện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO