Tài chính - Thị trường

Quảng Nam trong sức ép thu ngân sách

TRỊNH DŨNG 04/07/2024 08:30

Bia, tiền sử dụng đất dự báo sẽ hụt thu, nhưng ngân sách nội địa năm 2024 vẫn có thể đạt kế hoạch HĐND tỉnh đã ấn định.

Dây chuyền hàn linh kiện thùng xe
Trường Hải sẽ đóng góp ngân sách vượt dự toán

Qua ngưỡng 50% thu ngân sách

Kế hoạch thu 570 tỷ đồng từ Nhà máy bia Heineken Quảng Nam trong số 1.480 tỷ đồng của khu vực doanh nghiệp FDI bị “đổ bể”. Tính bình quân, số thuế doanh nghiệp này phải đóng vào ngân sách nhà nước theo kế hoạch là 47,5 tỷ đồng/tháng, nhưng sản lượng bia bán ra đã giảm đột biến.

Từ hơn 5 triệu lít/tháng trước đây, chỉ còn 1,7 triệu lít/tháng. Số thuế thu được từ doanh nghiệp này trong vòng 6 tháng qua chỉ khoảng 80 tỷ đồng (14% dự toán). Tiền sử dụng đất cũng không khá hơn khi chỉ thu được 528 tỷ đồng (19,6%). Thủy điện cũng sụt giảm; số thu chỉ được 534 tỷ đồng (46,1% dự toán).

Ba trong 4 trụ cột thu ngân sách nội địa Quảng Nam (ô tô, thủy điện, bia và tiền sử dụng đất) đã bị giảm sút. Hàng loạt doanh nghiệp, thương mại, du lịch, dịch vụ vẫn không có đà tăng trưởng mạnh.

Ngay du lịch, lượng khách tham quan gia tăng, nhưng lưu trú không đủ hấp dẫn để giữ chân khách, nên lượng đóng góp vào ngân sách của khu vực doanh nghiệp địa phương không đáng kể.

Cục Thuế ước thu ngân sách cả năm 2024 khoảng 20.111 tỷ đồng, đạt 100,1% dự toán. Theo tính toán, sẽ thu từ Trường Hải 9.500/9.300 tỷ đồng, đạt 102,2 % dự toán; từ thủy điện 1.160 tỷ đồng, đạt 100% dự toán; thu từ Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An 470/400 tỷ đồng, đạt 117,5%; từ tiền sử dụng đất 1.880 tỷ đồng, đạt 69,6% dự toán và thu tiền cho thuê đất 180 tỷ đồng, đạt 105,9% dự toán.

Sáng 2/7, Sở Tài chính công bố số thu ngân sách nội địa 6 tháng đầu năm đã đạt 50,51% dự toán (10.152 tỷ đồng). Nếu loại trừ tiền sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì thu nội địa đã đạt 55,3% dự toán (9.565 tỷ đồng), tăng 6,8% so cùng kỳ. Theo bà Phan Thị Thanh Thảo - Phó Giám đốc Sở Tài chính, khá nhiều nguồn thu chủ yếu đạt và vượt tiến độ thu dự toán.

Các phân tích cho thấy, khu vực nhà nước địa phương đạt 62,9% dự toán, khu vực công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 54,9% (6.858 tỷ đồng), tăng 18,6% so cùng kỳ.

Theo bà Thảo, nguồn thu khu vực này bảo đảm tiến độ, tăng so số thu cùng kỳ nhờ vào số thu từ ô tô Trường Hải phát sinh tháng 12/2023, nộp trong tháng 1/2024 khoảng 1.439 tỷ đồng (tăng 1,93 lần so tiến độ thu bình quân theo dự toán).

Ước thu từ Trường Hải 6 tháng đạt 51,2% dự toán (4.763 tỷ đồng), tăng 14,7% so cùng kỳ. Các nguồn thu còn lại như: thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, lệ phí trước bạ, thu phí, lệ phí, xổ số kiến thiết, cấp quyền khai thác khoáng sản... đều đạt và vượt tiến độ.

Bức tranh thu ngân sách nội địa không toàn vẹn. Số thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước trung ương chỉ đạt 45% dự toán (377 tỷ đồng), khu vực FDI chỉ đạt 47,7% dự toán (706 tỷ đồng), tiền thuê đất chỉ đạt 19,6% dự toán (528 tỷ đồng).

f.jpg
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong cho hay, không quá lo lắng về thu ngân sách nội địa năm nay.

Tính toán của Cục Thuế, lượng khách quốc tế và trong nước đến tham quan, nghỉ dưỡng tăng, hoạt động kinh doanh casino và sân golf của Nam Hội An có khách nên số thu thuế tiêu thụ đặc biệt từ hoạt động này và phí tham quan tăng so cùng kỳ.

Tuy nhiên, dù đạt đến 72,5% dự toán (290 tỷ đồng), tăng 14,8%, nhưng Nam Hội An không thể bù đắp cho sự thiếu hụt của bia nên khu vực FDI không thể đạt dự toán.

Các hồ thủy điện thiếu hụt lượng nước. Sản lượng điện 6 tháng qua sụt giảm đáng kể. Các dự án khai thác quỹ đất chậm đấu giá quyền sử dụng đất. Bất động sản đóng băng. Các dự án không chuyển nhượng được. Doanh nghiệp khó khăn về tài chính. Nợ đọng kéo dài lớn nên số nộp ngân sách đạt thấp.

Thu đủ ngân sách, tại sao không?

HĐND tỉnh ấn định thu ngân sách nội địa năm 2024 khoảng 20.100 tỷ đồng. Nếu loại trừ 2.800 tỷ đồng từ sử dụng đất và xổ số kiến thiết thì thu nội địa chỉ khoảng 17.300 tỷ đồng.

Con số ấn định thu ngân sách được công bố này thấp hơn nhiều so dự toán năm 2023 (20.880 tỷ đồng) và càng thấp so thực thu 2023 (21.445 tỷ đồng). Tất cả chỉ tiêu khoản thu chủ yếu năm nay đều thấp hơn dự toán và thực thu năm 2023, trừ tiền sử dụng đất tăng 17,4% dự toán, tăng hơn 35% so thực thu năm 2023.

Tuy nhiên, trước những diễn biến không mấy suôn sẻ, không ai có thể định lường được cụ thể các biến động của thị trường tác động lợi hay hại, nhất là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như gia hạn các loại thuế... thì liệu có thể đạt được số thu ngân sách nội địa như đã ấn định?

TIN 4 (1)
Thu từ Nam Hội An sẽ vượt ngân sách để bù đắp vào sự thiếu hụt của khu vực FDI khi nhà máy bia Heineken đóng cửa từ tháng 6/2024

Nhà máy bia đóng cửa, kế hoạch 570 tỷ đồng thu từ bia không thể thành hiện thực. Tiền thu từ sử dụng đất được giao 2.700 tỷ đồng dường như bất khả thi khi bất động sản chưa có dấu hiệu sẽ gỡ bỏ được tình trạng đóng băng. Dự kiến, bia và đất sẽ hụt khoảng 1.500 tỷ đồng.

Ông Lê Mai Khắc Hưng - Phó Cục trưởng Cục Thuế nói, để đạt được dự toán nguồn thu này, rất cần sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn đối với doanh nghiệp bất động sản; sự hỗ trợ, phối hợp của các sở, ngành trong quá trình giải quyết các thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản ổn định sản xuất, kinh doanh.

Ông Trần Úc - Chủ tịch UBND thi xã Điện Bàn nói, thị xã sẽ có khoảng 2.000 tỷ đồng từ bia và đất không thể thu được, không biết lấy gì bù đắp. Nếu gỡ khó được cho các dự án bất động sản được gia hạn, ban hành giá đất cụ thể thì mới có hy vọng thu đạt ngân sách năm 2024.

Không như những lo ngại ngân sách sẽ hụt thu, Cục Thuế phân tích dựa trên dữ liệu trong việc rà soát các nguồn thu còn dư địa. Đó là theo dõi tình hình tăng trưởng kinh tế trên địa bàn, khả năng phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng thu trong những tháng cuối năm, bù đắp cho các khoản thiếu hụt của bia và tiền sử dụng đất.

Chính sách gia hạn thuế như một liều thuốc, liệu pháp tinh thần, tiếp thêm sức lực cho doanh nghiệp có cơ hội hồi phục. Ngân sách không mất đi khoản thu này khi toàn bộ số gia hạn hơn 3.000 tỷ đồng sẽ được các doanh nghiệp nộp dồn vào cuối năm.

Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, thu ngân sách nội địa trên 50% đã là thành công. Sự thiếu hụt thu nội địa từ đất chưa phải là nỗi lo.

“Tiền đất sẽ có khả năng đạt một khi kiện toàn hội đồng thẩm định giá thì số thuế (kể cả nợ tiền sử dụng đất của các dự án bất động sản) này sẽ đạt được ngay trong năm nay.

Đo lường được những tác động đến nền kinh tế nên các doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, kinh doanh sát thực tế, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp có tỷ trọng thu ngân sách lớn. Ngân sách nội địa 2024 không chỉ đạt mà còn có thể vượt thu” - ông Phong nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quảng Nam trong sức ép thu ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO