Những năm qua, huyện Quế Sơn nỗ lực triển khai nhiều phần việc trong công tác bảo vệ môi trường. Thế nhưng, thực tế cho thấy vẫn còn không ít hạn chế cần sớm quan tâm giải quyết.
Chuyển biến tích cực
Bà Lê Thị Lập – Trưởng phòng TN-MT Quế Sơn cho hay, thời gian qua công tác bảo vệ môi trường, kiểm soát môi trường ở địa phương được triển khai đồng bộ, thường xuyên. Việc giải quyết các vấn đề môi trường phát sinh từ những cơ sở sản xuất - kinh doanh, khu dân cư… được thực hiện hiệu quả, chưa làm phát sinh các điểm nóng.
Đáng chú ý, những công ty, xí nghiệp trong và ngoài các khu, cụm công nghiệp cũng như các đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản trên địa bàn huyện đều lập đầy đủ hồ sơ, thủ tục pháp lý về bảo vệ môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường.
Theo bà Lập, đến nay Quế Sơn đã thực hiện việc thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại 21.809 trong tổng số 22.822 hộ gia đình có nhà ở, 47 cơ sở sản xuất - kinh doanh, 7 chợ và 144 đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn toàn huyện. Ước tính, khối lượng thu gom bình quân mỗi năm đạt 28.935m3. Tỷ lệ tổ chức, hộ gia đình đăng ký tham gia đổ rác đạt khoảng 95,53%.
Về chất thải nguy hại trên đồng ruộng, năm 2023 huyện Quế Sơn có 11/13 xã, thị trấn thực hiện việc thu gom với tổng khối lượng hơn 1,8 tấn; còn 2 xã chưa hợp đồng thu gom là Quế Thuận và Quế Xuân 1.
Đối với rác thải y tế phát sinh tại các bệnh viện, trạm y tế các xã, thị trấn và các phòng khám tư nhân trên địa bàn thì đã thực hiện việc đăng ký thu gom đạt tỷ lệ 100%; riêng năm nay tổng khối lượng thu gom đạt gần 6,2 tấn.
Nhiều hạn chế
Bà Lê Thị Lập nhìn nhận, công tác quản lý chất thải rắn ở Quế Sơn hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Theo đó, tần suất thu gom thấp, phần lớn các nơi chỉ lấy 1 tuần/lần hoặc 10 ngày/lần. Rác thải đổ tại các khu tập kết, nhà trung chuyển quá lâu đã phân hủy, gây mùi hôi, tiềm ẩn nguy cơ phát sinh mầm bệnh.
Đáng chú ý, chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn. Hiện nay, khâu này chỉ mới dừng lại ở việc thu hồi, tái sử dụng cho mục đích làm thức ăn chăn nuôi, làm phân bón, bán phế liệu...
Tuy nhiên, tỷ lệ tái chế, tái sử dụng còn khá thấp, dẫn đến khối lượng rác thải cần được xử lý rất lớn và có xu hướng ngày càng tăng, gây khó khăn cho việc thu gom, xử lý. Tính đến thời điểm này, Quế Sơn vẫn chưa có khu xử lý rác thải tập trung cho địa bàn toàn huyện.
Vấn đề đáng quan tâm nữa là, thời gian qua hạ tầng thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị, khu dân cư tập trung ở Quế Sơn chưa được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh. Các khu dân cư tập trung ở vùng nông thôn đều chưa có hệ thống thu gom, thoát nước riêng.
Hiện nay, mới chỉ có khu công nghiệp Đông Quế Sơn đầu tư và vận hành trạm xử lý nước thải tập trung; còn 4 cụm công nghiệp trên địa bàn huyện đều chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thu gom, trạm xử lý nước thải. Hầu hết cơ sở sản xuất - kinh doanh bên trong và ngoài các cụm công nghiệp tự xử lý nước thải và cho tự thấm hoặc xả thải trực tiếp ra môi trường.
Cần nói thêm, tình trạng ô nhiễm môi trường từ ngành chăn nuôi ở Quế Sơn vẫn chưa được kiểm soát. Cụ thể, chất thải, nước thải chăn nuôi chưa được thu gom, xử lý đạt tiêu chuẩn quy định; môi trường xung quanh bị ô nhiễm do không đủ điều kiện tiếp nhận nguồn thải; mùi hôi phát sinh gây xung đột môi trường tại các vùng nông thôn...
Những việc cần làm
Ông Nguyễn Phước Sơn – Chủ tịch UBND huyện Quế Sơn cho hay, thời gian tới địa phương sẽ phải nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để cải thiện công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, tiếp tục triển khai tốt đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng tới năm 2030; phương án quản lý, thu gom xử lý rác thải tại các xã, thị trấn đã được UBND huyện phê duyệt năm 2023.
Cùng với đó, đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại khu vực Da Dù (xã Quế Mỹ) để xử lý rác thải của huyện.
Tiếp tục triển khai đồng bộ việc phân loại rác thải tại nguồn để phân loại tái chế, tái sử dụng, hạn chế nguồn chất thải phát sinh. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành quy định pháp luật về bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh; kịp thời ngăn chặn, không để phát sinh các điểm nóng về môi trường.
Ông Sơn kiến nghị UBND tỉnh và các sở, ngành hướng dẫn quy trình, giải pháp phân loại rác thải tại nguồn để hạn chế chất thải phát sinh. Đồng thời chỉ đạo đơn vị thu gom rác thải thực hiện tốt lịch, tần suất thu gom, đảm bảo tối thiểu 2 lần/tuần.
Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải tập trung tại xã Quế Mỹ đã được quy hoạch và giải phóng mặt bằng sạch. Xem xét phân bổ, hỗ trợ kinh phí đầu tư hệ thống thu gom, xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp trên địa bàn huyện.
Ông Sơn cho biết thêm, theo đề án quản lý chất thải tỉnh Quảng Nam, đến ngày 31/12/2023 khu xử lý chất thải Tam Xuân 2 (Núi Thành) sẽ đóng cửa nên toàn bộ rác thải sinh hoạt trên địa bàn Quế Sơn (trừ thị trấn Đông Phú) sẽ không có điểm để xử lý.
Trước vấn đề này, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn xây dựng phương án tự xử lý rác thải của địa phương mình với phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh. Tuy nhiên, việc xử lý tại các xã, thị trấn gặp nhiều khó khăn, nhất là về quy trình xử lý và lựa chọn địa điểm xử lý.
Do đó, huyện kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép rác thải sinh hoạt của Quế Sơn được vận chuyển đi xử lý tại các khu xử lý rác tập trung khác của tỉnh như bãi rác Tam Nghĩa (Núi Thành), Đại Hiệp (Đại Lộc) để đảm bảo vệ sinh môi trường…