Quế Sơn nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP

VĂN SỰ - DUY THÁI 14/06/2019 14:10

Quế Sơn đã và đang nỗ lực đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương hướng đến Chương trình OCOP nhằm nâng cao giá trị kinh tế, tăng nguồn thu nhập cho người dân vùng nông thôn. Thế nhưng, để sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOP vẫn là một khó khăn, thách thức không nhỏ.

Chính quyền xã Quế Long cùng các đơn vị liên quan đang nỗ lực đưa gà tre Đèo Le trở thành sản phẩm OCOP. Ảnh: T.S
Chính quyền xã Quế Long cùng các đơn vị liên quan đang nỗ lực đưa gà tre Đèo Le trở thành sản phẩm OCOP. Ảnh: T.S

Chủ thể gặp khó

Năm 2019, sản phẩm gà tre Đèo Le của thôn Lộc Thượng (xã Quế Long) được huyện Quế Sơn chọn đăng ký tham gia Chương trình OCOP. Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Kiên – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Quế Long cho biết, là chủ thể thực hiện chương trình, HTX đã chủ động chọn lọc và thả nuôi gần 300 con gà giống bản địa, đồng thời mua máy ấp trứng để nhân giống gà con. Đến nay, HTX đã cung ứng gà giống cho 7 hộ thành viên với hơn 2 nghìn con. Quá trình chăn nuôi cho thấy, gà sinh trưởng tốt, đảm bảo chất lượng, da vàng, chân nhỏ, thịt thơm ngon. Gà nuôi 4 - 6 tháng thì xuất bán với mức giá bình quân 100 nghìn đồng/kg. Bên cạnh đó, HTX Nông nghiệp Quế Long cũng đã hoàn thành thủ tục, hồ sơ đề nghị UBND huyện Quế Sơn cấp giấy chứng nhận là đơn vị đầu mối thu gom, thẩm định nguồn gốc, chất lượng gà và cung ứng sản phẩm cho các hộ kinh doanh.

Tuy nhiên, ông Đỗ Văn Kiên cho rằng, để gà tre Đèo Le trở thành sản phẩm OCOP là một thách thức không nhỏ đối với đơn vị. Bởi, HTX chưa thể bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm mà mới chỉ dừng lại ở việc giới thiệu gà của các hộ chăn nuôi cho các tư thương đến thu mua. Hơn nữa, do chương trình OCOP mới triển khai thực hiện nên HTX còn lúng túng trong việc xây dựng thương hiệu, bao bì, nhãn mác, đăng ký tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Cạnh đó, muốn trở thành sản phẩm OCOP, đòi hỏi thịt gà phải được chế biến, đóng gói đảm bảo chất lượng và có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm.  Thế nhưng, yêu cầu đó HTX chưa hội đủ điều kiện để thực hiện. “Chúng tôi mong rằng, thời gian tới HTX Nông nghiệp Quế Long sẽ được các đơn vị liên quan hướng dẫn trực tiếp cách làm thủ tục, biểu mẫu, hồ sơ công nhận sản phẩm OCOP; đồng thời được hỗ trợ thêm nguồn vốn để đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị công nghệ nhằm phát triển chuỗi sản phẩm gà tre Đèo Le” - ông Kiên nói.

Trong khi đó, bà Đỗ Thị Linh Phượng – Phó Chủ tịch UBND xã Quế Long cho hay, địa phương xác định gà tre Đèo Le là sản phẩm thế mạnh, có thể phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung nên thời gian qua đã nỗ lực hỗ trợ, khuyến khích người dân mở rộng các mô hình chăn nuôi gà bản địa. Hiện nay, toàn xã có 24.184 con gà, trong đó có 23 gia trại thả nuôi với quy mô lớn. Bình quân mỗi năm cung cấp ra thị trường 40 - 50 nghìn con gà.

Ngoài nguồn cung đảm bảo, gà tre Đèo Le cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận dưới dạng nhãn hiệu tập thể, đây là lợi thế rất lớn để đưa loại gà này trở thành sản phẩm OCOP. Theo bà Phượng, chính quyền địa phương đang tích cực phối hợp cùng HTX Nông nghiệp Quế Long tập trung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc nhằm nâng tầm thương hiệu gà tre Đèo Le gắn với phát triển du lịch suối Nước Mát - Đèo Le. Và một khi gà tre Đèo Le trở thành sản phẩm OCOP, chắc chắn giá trị kinh tế sẽ nâng cao, thu nhập của người dân địa phương sẽ tăng lên.

Nỗ lực đưa sản phẩm hướng đến OCOP

Ông Lưu Văn Thành – Phó Trưởng phòng NN&PTNT Quế Sơn cho biết, trong năm 2018, huyện Quế Sơn có 2 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP là phở sắn Xinh Hợi ở thị trấn Đông Phú và thịt heo sạch của HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn. Tuy nhiên, chỉ có sản phẩm phở sắn Xinh Hợi được UBND tỉnh công nhận đạt hạng OCOP 3 sao. Còn sản phẩm thịt heo sạch không được công nhận vì thủ tục, hồ sơ gửi tham dự đánh giá, xếp hạng sản phẩm có nhiều điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, HTX Nông nghiệp sạch Quế Sơn đăng ký chăn nuôi heo tại địa phương nhưng lại chế biến, đóng gói sản phẩm tại TP.Đà Nẵng.

“Hiện nay, việc xây dựng sản phẩm OCOP ở Quế Sơn gặp không ít trở lực. Chẳng hạn, chủ thể thực hiện Chương trình OCOP còn thụ động trong việc xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh và chưa đầu tư nghiên cứu, phát triển thương hiệu sản phẩm. Cạnh đó, phương thức sản xuất còn thủ công, nhỏ lẻ, đầu ra của sản phẩm khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí triển khai thực hiện chương trình còn quá hạn hẹp. OCOP là chương trình mới, đội ngũ cán bộ tham mưu cấp huyện chủ yếu là kiêm nhiệm, phụ trách nhiều công việc nên việc nghiên cứu, tham mưu thực hiện những phần việc của Chương trình OCOP chưa thực sự sâu sát” - ông Thành nói.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2019 này huyện Quế Sơn có 7 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP, gồm: gà tre Đèo Le, nếp đắng Lộc Đại, khoai chà và các sản phẩm từ khoai chà, chuối ép làng Hương Quế, kẹo đậu phụng Ngọc Hải, thịt heo sạch thảo mộc Pieco, phở sắn (nâng hạng sao). Ông Lưu Văn Thành cho hay, để phát triển các sản phẩm OCOP vừa nêu, ngành liên quan cùng chính quyền các địa phương của huyện Quế Sơn tập trung thiết lập cụ thể kế hoạch và tổ chức mở những lớp tập huấn xây dựng, phát triển thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; đồng thời hướng dẫn trực tiếp khâu hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đánh giá xếp hạng sản phẩm OCOP cho đội ngũ cán bộ phụ trách, các HTX, tổ hợp tác và những chủ thể thực hiện chương trình. Cùng với đó, tổ chức tham quan, học tập các mô hình OCOP tiêu biểu, phù hợp ở các địa phương trong tỉnh. Đưa các sản phẩm của địa phương đến trưng bày tại những hội chợ thương mại để quảng bá thế mạnh, tiềm năng cũng như mở rộng thị trường tiêu thụ…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quế Sơn nỗ lực xây dựng sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO