Quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp

MAI LINH 16/06/2021 06:26

Những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh chuyển mạnh sang phương thức sản xuất hàng hóa và mang lại giá trị kinh tế cao. Nhiệm vụ đột phá của ngành trong thời gian tới là cùng chính quyền các cấp tập trung rà soát, điều tra, đánh giá hiện trạng sử dụng đất để quy hoạch xây dựng những vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp với quy mô lớn.

Trong những năm đến, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành khoảng 150.000ha rừng nguyên liệu gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến. Ảnh: MAI LINH
Trong những năm đến, các địa phương trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành khoảng 150.000ha rừng nguyên liệu gỗ lớn để phục vụ công nghiệp chế biến. Ảnh: MAI LINH

Chuyển biến tích cực

Theo thống kê từ Sở NN&PTNT, trong 10 năm qua, bên cạnh việc tích cực hỗ trợ nông dân dồn điền đổi thửa gần 18.500ha đất nông nghiệp, ngành liên quan cùng chính quyền các cấp cũng tập trung huy động nhiều nguồn lực đầu tư xây dựng 456 công trình thủy lợi nhỏ, 253 công trình thủy lợi hóa đất màu và kiên cố, tu sửa gần 1.270km kênh mương loại 3 với tổng kinh phí hơn 1.834 tỷ đồng nhằm đảm bảo cung ứng nước tưới cho hơn 31.000ha đất lúa, hoa màu các loại.

Ngoài ra, bằng nhiều kênh vốn, toàn tỉnh bê tông hóa thêm hơn 610km giao thông nội đồng tạo điều kiện thuận lợi cho nhà nông vận chuyển giống, phân bón, vật tư nông nghiệp ra đồng và đưa nông sản sau thu hoạch về nhà. Với những phần việc nêu trên, nhiều địa phương đã hình thành hàng loạt cánh đồng mẫu lớn.

Nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng cạn chủ lực mang lại cho nhà nông mức thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: MAI LINH
Nhiều vùng chuyên canh các loại cây trồng cạn chủ lực mang lại cho nhà nông mức thu nhập từ 100 - 250 triệu đồng/ha/năm. Ảnh: MAI LINH

Hằng năm các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đứng ra làm trung gian cho nhiều doanh nghiệp liên kết với nông dân sản xuất khoảng 3.500 - 4.500ha lúa giống hàng hóa (trong đó hạt giống lúa thuần chiếm hơn 90% diện tích) và khoảng 1.500 - 2.000ha cây trồng cạn trên những cánh đồng mẫu. Hầu hết mô hình liên kết giúp nhà nông tăng 25 - 200% thu nhập, tùy theo đối tượng cây trồng.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, mấu chốt làm nên thành công của liên kết sản xuất trong nông nghiệp là hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn. Do đó, điều tra, rà soát, đánh giá thực trạng toàn bộ quỹ đất nông nghiệp là nhiệm vụ đột phá năm 2021 ngành nông nghiệp đăng ký với tỉnh. Hoàn thành nhiệm vụ này là cơ sở để ngành lập quy hoạch, kế hoạch cụ thể tiếp tục xây dựng những vùng sản xuất nông sản theo phương thức hàng hóa.

Tổ chức lại sản xuất

Ông Ngô Tấn nói, trên cơ sở điều tra, rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất, ngành nông nghiệp và chính quyền các địa phương sẽ tập trung tổ chức lại sản xuất đối với từng lĩnh vực. Trong đó, dự kiến cắt giảm mạnh diện tích gieo trồng lúa xuống còn dưới 75.000ha/ năm.

Khu vực miền núi giảm 4.000ha và vùng đồng bằng chuyển 6.000ha sang sản xuất các loại cây khác. Để các địa phương có cơ sở xây dựng kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nhiệm vụ rà soát, đánh giá hiện trạng sử dụng đất càng phải nhanh chóng hoàn thành.

Cần tích cực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư để liên kết với nông dân sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Ảnh: MAI LINH
Cần tích cực thu hút doanh nghiệp vào đầu tư để liên kết với nông dân sản xuất nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản. Ảnh: MAI LINH

Giai đoạn tới Quảng Nam tiếp tục duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với quy mô diện tích ít nhất 5.000ha/năm để tiêu thụ trong nước. Đối với mô hình này, Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình được xác định là 5 địa phương trọng điểm.

Tỉnh cũng tập trung phát triển 1.000ha sản xuất gạo hữu cơ, gạo thảo dược phục vụ xuất khẩu. Cùng với cây lúa, tỉnh ưu tiên nguồn lực xây dựng hệ thống điện thủy lợi hóa đất màu và hỗ trợ nhà nông cải tạo đồng ruộng, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để hình thành những vùng chuyên canh cây trồng cạn tập trung có sự liên kết với các doanh nghiệp nhằm tạo đầu ra ổn định cho nông sản.

Thời gian tới, tỉnh sẽ duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với quy mô diện tích ít nhất là 5.000ha/năm. Ảnh: MAI LINH
Thời gian tới, tỉnh sẽ duy trì và phát triển mô hình liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa với quy mô diện tích ít nhất là 5.000ha/năm. Ảnh: MAI LINH

Từ nay đến năm 2025 Quảng Nam sẽ xây dựng hàng loạt mô hình luân canh - xen canh - gối vụ các loại rau, đậu, củ, quả... theo phương thức liên kết sản xuất hàng hóa với tổng diện tích khoảng 18.000ha, chủ yếu ở Đại Lộc, Duy Xuyên, Thăng Bình, Phú Ninh. Đồng thời tổ chức rà soát, bố trí lại vùng sản xuất các loại cây ăn quả như xoài keo, chuối, dứa... với quy mô khoảng 30.000ha tại các huyện thuộc khu vực trung du và đồng bằng ven biển để tạo ra những vùng nguyên liệu lớn phục vụ chế biến.

Các ngành, địa phương cũng sẽ quy hoạch xây dựng những vùng trồng rừng nguyên liệu gỗ lớn với quy mô diện tích khoảng 150.000ha phục vụ cho công nghiệp chế biến. Đối với lĩnh vực này, chủ yếu tập trung ở các huyện miền núi như Tiên Phước, Bắc Trà My, Nông Sơn, Hiệp Đức, Đông Giang, Nam Giang và phía tây một số địa phương khu vực đồng bằng...

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Quy hoạch vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO