(QNO) - Chiều 20/1, Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà lần thứ 8 - năm 2024 diễn ra tại khu vực hồ điều tiết khu dân cư Trảng Kèo (xã Cẩm Hà, TP.Hội An) thu hút đông đảo sự tham gia của cộng đồng và người trồng quật địa phương.
Nghề trồng quật Cẩm Hà là một thực thể văn hóa sống động, gắn với quá trình phát triển của làng xã và cộng đồng dân cư, gắn với không gian văn hóa, cảnh quan sinh thái địa phương.
Do đó, Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà đã trở thành sự kiện thường niên của địa phương vào mỗi tháng Chạp với mục đích tôn vinh bản sắc văn hóa ngành nghề, từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ, tạo thêm sản phẩm du lịch cho địa phương.
Ông Nguyễn Viết Ninh (thôn Bàu Ốc, xã Cẩm Hà) cho biết, gia đình ông tham gia Ngày hội quật cảnh liên tục từ lần đầu tiên được tổ chức. Năm nay gia đình trưng bày 5 chậu với chậu quật giá trị cao nhất được định giá khoảng 25 triệu đồng. Qua từng năm, thị trường tiêu thụ quật của gia đình càng mở rộng khắp khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung - Tây Nguyên.
Tại lễ khai mạc Ngày hội quật cảnh Cẩm Hà lần thứ 8, lãnh đạo TP.Hội An trao Bằng công nhận nghề trồng quật Cẩm Hà là truyền thống tỉnh Quảng Nam. Đây là 1 trong 6 nghề được Sở NN&PTNT công nhận là nghề truyền thống theo Quyết định 631 ngày 4/12/2023.
Tại Cẩm Hà hiện có khoảng 65ha trồng quật và hoa cây cảnh. Đến nay, bình quân mỗi năm doanh thu lên đến 45 tỷ đồng từ nghề trồng quật. Riêng trong dịp Tết Nguyên đán này, nông dân trồng 65 nghìn chậu quật cảnh và hơn 350 nghìn cây quật đất.
Ông Mai Kim Phương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Hà cho hay, địa phương ưu tiên quỹ đất xây dựng làng hoa cây cảnh tại các thôn Bàu Ốc, Đồng Nà, Trảng Suối. Tại Cẩm Hà đã định hình các vùng sản xuất quật tập trung, một số mô hình sản xuất được nhân rộng.
"Cùng với quật chậu đã có thêm nhiều hộ gia đình làm quật thế, quật bonsai và các sản phẩm chế biến từ quật. Từ một loại cây ban đầu chỉ cung cấp sản phẩm thuần về thực phẩm, đến nay cây quật đã trở thành một sản phẩm mang tính văn hóa nghề" - ông Phương nói.
Trong dân gian vẫn lưu truyền câu chuyện: Gần một thế kỷ trước, trong vườn cây ăn quả của một bác nông dân ở xóm Bàu Ốc có một cây lá xanh, thân gai, trái chín vàng có vị chua ngọt. Thế là bác nông dân rủ bạn cùng chiết cành trồng thử trên 2 mảnh vườn nhà. Ban đầu quật trái chủ yếu làm nước giải khát và làm mứt. Sau này thấy trái chín đẹp vào mỗi dịp Tết nên người trong làng đem trồng vào chậu, tạo dáng trang trí rồi dần hình thành nghề trồng quật cảnh.
Theo UBND xã Cẩm Hà, thời gian đến địa phương sẽ định hướng việc nâng cao chất lượng, kỹ - mỹ thuật trồng cây quật cảnh để nâng cao giá trị; tìm hướng đi mới phát triển mô hình quật đất hữu cơ để tạo ra các sản phẩm sạch từ trái quật. Bên cạnh đó, định hình liên kết các nhà vườn trong xã để có thể phát triển sản phẩm dịch vụ du lịch từ nông nghiệp.