Văn hóa

Rừng, nước, gió, đá, lửa…

NGUYỄN ĐIỆN NAM 08/10/2024 14:29

(VHQN) - Tiếng vọng từ những âm thanh của rừng, của núi, kéo liền một dải từ miền tây xứ Quảng đến Tây Nguyên, có thể lắng nghe qua tiếng sáo, đinh tút, cồng chiêng, nghiêng nghiêng bóng tượng nhà mồ, rực rỡ sắc màu thổ cẩm, và say đắm điệu múa quanh sân nhà rông, gươl trong ánh lửa bập bùng. Đời người ở núi đã ở cùng, đi cùng với tiếng vọng sử thi đại ngàn và miên man thao thức trước câu hỏi đi đâu, về đâu…

gh-7.jpg
Làng của người Cơ Tu ở Tây Giang. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Tiếng vọng di sản ký ức

Những thước phim tài liệu của VTV “Tiếng vọng từ quá khứ” thực hiện chừng 10 năm trước đã dành dung lượng khá nhiều để ghi lời kể về già Clâu Nâm ở Tây Giang.

Xem mà cảm nhận một sức mạnh huyền bí kỳ diệu nào đó cứ chực chờ bùng nổ khi ông già cất tiếng, kể về một thời kháng chiến, về rừng, về người ở núi. Là lấy sự thô sơ đối đầu với hiện đại, không sợ hãi vũ khí của kẻ thù hùng mạnh nào, kể cả từ phương Tây tràn đến.

Cảm nhận lời già, biết là những chông thò không có tiếng động, khe núi cao thì lặng im giăng bẫy đá, rừng sâu có cây cho mủ tẩm loại tên kịch độc, nên những kẻ nào muốn cướp phá xâm chiếm làng người Cơ Tu phải hứng chịu đủ sự trừng phạt.

“Âm thanh gió. Âm thanh nước. Âm thanh đá. Âm thanh rừng. Đọng vào đây... Gọi mời. Đầy vơi. Nhạc theo nhịp chân. Nhún nhảy. Tưởng cùng Đăm San đi bắt nữ thần mặt trời...”

(thơ Hữu Chỉnh).

Ấy là quá khứ tao tác của một thời bom đạn. Còn di sản ký ức chìm sâu hơn nữa trong cộng đồng Cơ Tu, Giẻ Triêng, Xê Đăng, Ca Dong… trên vùng miền núi Quảng Nam có bao nhiêu thứ nữa lặng im khi “núi chỉ có hai người yêu nhau”?

Đây, sơn nữ Ca Dong vượt núi băng ngàn đến với người yêu, chỉ còn ngọn dốc, hay khe suối cuối cùng, chợt ngập ngừng: “Em đang ở trên con dốc núi cao đợi anh dẫn bước/ Em đang ở bên con suối lớn nước chảy xiết chờ anh cõng qua”. Khi cõng nhau qua được rồi thì kết duyên chồng vợ.

Đây, thiếu nữ Giẻ Triêng, triền miên nhiều tháng đi tìm củi ở rừng, một trăm bó chuẩn bị trước lễ cưới chồng. Còn trai làng thì đi tìm ống trúc mọc bên gành suối đá, không non không già, đủ 6 ống đẹp làm bộ đinh tút, để thổi lên những tiếng lòng nỉ non như dế, tỉ tê như suối, gọi người yêu, dỗ người yêu, réo rắt hội mừng lúa mới, gọi hồn lúa về làng, về nhà mới, mới cưới…

Đây trai gái Cơ Tu quây quanh gươl hát lý, nói lý, múa tâng tung da dá, cúng rượu cần đêm say tiếng cồng chiêng vang vọng. Và đọng lại những lời hẹn thề: “Anh bắt được con nai, em muốn anh là con rể của mẹ/anh săn được con gấu, em muốn anh là con rể của cha”. Rồi qua những đêm ngủ duông, những chiều đi sim, tiếng sáo trúc areeng lại réo rắt gọi mời lời tự tình của núi.

Tất cả những đeo đuổi ấn tượng ấy, riêng về âm thanh đã là sự ám ảnh, là tiếng vọng di sản ký ức, chỉ riêng có với người ở núi.

Và không gian thiêng

Âm thanh, hình ảnh rừng, nước, gió, đá, lửa… và còn nhiều thứ nữa xoay quanh cây nêu, xoay quanh gươl, rông, quanh vel, plai (làng), cố kết lại thành không gian sinh tồn của người miền núi.

06.jpg
Đôi mắt ở rừng. Ảnh: PHAN VŨ TRỌNG

Phả lên không gian ấy là huyền sử về những đấng thiêng liêng, là Giàng (Yang), thần núi, thần suối, thần nước, thần cây... Đẫm đầy tín ngưỡng đa thần ràng rịt bước chân lên rẫy, cả khi đắm say trong điệu múa cũng hướng về thần linh.

Như thử hình dung theo điệu múa tâng tung, những chàng trai đóng khố hoặc choàng tấm tuốt từ vai xuống lưng, tay trái cầm khiên, tay phải cầm kiếm hoặc cây giáo lưỡi ngắn, hùng dũng múa, lấy tiếng trống làm nền, thỉnh thoảng hú lên lúc chuyển nhịp như báo với thần linh một nghi thức hiến tế.

Trong khi đó, vòng tròn múa da dá của các nàng sơn nữ uyển chuyển. Họ như cây lau trước gió, như dòng suối mượt mà uốn quanh, đôi tay vươn lên khỏi đầu, bàn tay đưa ngửa theo hướng sau lưng như chống đỡ cả bầu trời, vừa như đôi sừng trâu biểu tượng “đầu trâu máng nước” - vật hiến tế thần linh của người Cơ Tu.

Đã mịt mù không gian thiêng khi mà núi rừng lâm vào những “máng trượt” đồi tan đất chảy cùng bao đổi thay nhà cửa và lối sống. Nhưng đâu đấy tâm thức hướng về những điều thiêng liêng đã in trong ký ức cộng đồng chính là chỗ đi về, níu lại văn hóa đồng bào.

Nhớ Pơloong Plênh, người con Cơ Tu nói lên một điều tâm đắc: “Với người Cơ Tu ở Quảng Nam, rừng là vị thần thiêng liêng của làng, của cộng đồng. Người Cơ Tu không xem rừng là tài nguyên để mua bán và chiếm lấy bằng mọi giá mà họ xem rừng như người thân yêu ruột thịt”.

Mà cần điều đó, không riêng có với người Cơ Tu ở Tây Giang, để giữ cánh rừng đại ngàn còn sót lại, mà phải là tiếng gọi cho tất cả người con của núi rừng. Đó cũng chính là chỗ dựa của người Quảng để bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa và kinh tế xanh dưới mái nhà Trường Sơn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rừng, nước, gió, đá, lửa…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO