Rước đèn đi chơi...

VĨNH LỘC 29/09/2023 13:17

(VHQN) - Đèn lồng Hội An không chỉ là vật trang trí hay một sản phẩm du lịch độc đáo mà còn hàm chứa giá trị văn hóa của vùng đất di sản gắn với sự hình thành, phát triển đô thị cổ Hội An trong tiến trình lịch sử.

Đèn lồng Hội An luôn được du khách ưa thích.
Đèn lồng Hội An luôn được du khách ưa thích.

Sản phẩm gắn với Hội An

Tính đến nay, ông Huỳnh Văn Ba (phường Cẩm Hà, TP.Hội An) đã có hơn 70 năm gắn bó với đèn lồng. Ở tuổi 90, đi gần hết cuộc đời, chứng kiến bao giai đoạn thăng trầm của đèn lồng, hơn ai hết ông cảm nhận được những giá trị văn hóa mà đèn lồng đã mang lại cho phố Hội.

Theo ông Ba, dù đèn lồng có mặt ở Hội An từ rất lâu nhưng không ai biết chính xác xuất hiện khi nào, tổ nghề là ai. Từ khi Hội An phát triển du lịch, nghề đèn lồng cũng dần phục hồi.

Những cặp đèn lồng trang trí tại các đền chùa, hội quán đã khơi gợi sự tò mò, yêu thích trong du khách. Ông Ba trở thành người đầu tiên sáng tạo ra cách làm lồng đèn xếp, mở ra bước đột phá để sản phẩm đèn lồng Hội An xuất ngoại ra thế giới.

Nghiên cứu từ Trung tâm Quản lý và bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, nghề làm lồng đèn xuất hiện ở Hội An bắt đầu khoảng thế kỷ 17 gắn liền với các tập quán dân gian trong những dịp trung thu, lễ, tết, nhất là trong các hội quán người Hoa và những hoạt động giao thương lúc bấy giờ.

Cùng tiến trình lịch sử, đèn lồng đã có sự giao lưu rộng rãi về kỹ thuật chế tác giữa người Việt, Hoa, Nhật, kể cả phương Tây. Trong khi đèn truyền thống người Việt chủ yếu làm bằng khung tre, dán giấy dó hình bánh ú, ông sao, cá chép thì người Hoa, người làng Minh Hương chuyên làm các loại đèn khung gỗ, đèn kéo quân, trang trí các chữ Hán mang ý nghĩa cát tường hoặc tên các dòng họ, hiệu buôn, hội quán…

Nghề làm đèn lồng Hội An. Ảnh: V.L
Nghề làm đèn lồng Hội An. Ảnh: V.L

Theo thời gian, những chiếc đèn lồng xưa dần được cải tiến, sáng tạo thêm nhiều mẫu mới như hình tròn, bát giác, lục giác, kim cương, hình trái bí, củ tỏi, hình thùng, hình quả đu đủ… Khung lồng đèn cũng từ vật liệu tre chuyển sang khung sắt, khung gỗ bọc vải lụa, vải phi… Qua đó, góp phần tạo nên sự đa dạng kiểu dáng nhưng vẫn mang nét đặc trưng của phố Hội.

Ông Võ Phùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, nguyên Giám đốc Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An khẳng định, vẻ đẹp đèn lồng Hội An không chỉ là sắc màu mà còn mang trong mình những giá trị văn hóa và bóng dáng của phố cổ.

Tỏa sáng với trung thu

Bước vào năm 1990, nghề đèn lồng bắt đầu được khôi phục, những chiếc đèn khung tre giấy dó dần xuất hiện vào mỗi dịp hiếu hỷ, lễ, Tết Trung thu… Tuy vậy, dấu mốc khởi đầu cho sự “tỏa sáng” của đèn lồng phải tính từ trung thu năm 1997 khi Trung tâm VH-TT (nay là Trung tâm VH-TT&TT-TH TP.Hội An) tổ chức phố đi bộ và phát động cuộc thi làm lồng đèn nghệ thuật trong dân (mỗi nhà dân treo một lồng đèn).

Đến năm 1998, đèn lồng trở nên nổi tiếng khi chương trình Đêm phố cổ Hội An ra đời. Kể từ đó, mỗi dịp trung thu đèn lồng Hội An lại rực rỡ trong các di tích, nhà dân và trên hầu hết tuyến đường phố cổ, trở thành một “đặc sản” văn hóa độc đáo của vùng đất này.

 

Có thể nói, trung thu ở Hội An sẽ kém lung linh hơn nếu thiếu đèn lồng. Từ đầu tháng 8 âm lịch, thành phố bắt đầu nhộn nhịp không khí lễ hội. Đêm về, dường như mọi tuyến đường đều sáng ánh đèn lồng. Trung thu năm nay, phố còn lôi cuốn hơn với nhiều sự kiện văn hóa nghệ thuật hấp dẫn.

Tại các di tích, nhà cổ, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp du lịch… đèn lồng được trang trí đủ sắc màu, mang đến không khí lễ hội ấn tượng, trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo của miền di sản. Sẽ không ngoa khi đèn lồng Hội An cũng được xem là “biểu tượng” của phố cổ. Nhắc tới đèn lồng là nói đến Hội An và ngược lại.

Ông Huỳnh Văn Ba phân tích, so với nơi khác, đèn lồng Hội An có vẻ đẹp riêng, thể hiện không chỉ ở màu sắc, hình dáng, vật liệu mà còn gắn với những biểu tượng văn hóa truyền thống bản địa. Đặc biệt, đó còn là một sản phẩm hàng hóa với hàm lượng mỹ thuật, kỹ thuật cao.

Đến nay, Hội An có khoảng 30 cơ sở sản xuất và gần 200 cơ sở kinh doanh đèn lồng, bên cạnh cung cấp cho các quầy kinh doanh tại địa phương, đa số đèn lồng xuất khẩu ra nước ngoài. Nhiều cơ sở sản xuất đèn lồng đã trở thành địa chỉ kết hợp giữa sản xuất và phục vụ khách trải nghiệm. Du khách có thể tự tay làm đèn lồng cho mình như món quà kỷ niệm chuyến tham quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Rước đèn đi chơi...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO