Đó là một trong các kiến nghị của Ban Pháp chế HĐND tỉnh sau khi khảo sát về tổ chức, hoạt động của các đơn vị hành chính cấp xã thành lập mới.
Thực hiện Nghị quyết 863 ngày 10.1.2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các huyện Quế Sơn, Nông Sơn, Hiệp Đức tiến hành thủ tục sắp xếp 6 đơn vị hành chính cấp xã thành 3 đơn vị hành chính cấp xã (giảm 3 xã). Các đơn vị hành chính cấp xã được thành lập mới gồm Ninh Phước (Nông Sơn), Quế Mỹ (Quế Sơn) và thị trấn Tân Bình (Hiệp Đức).
Sau khi thành lập đơn vị hành chính mới, các địa phương nhanh chóng kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị, thực hiện các phương án bố trí, sắp xếp, phân công công tác và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, người lao động dôi dư.
Theo khảo sát của Ban Pháp chế HĐND tỉnh, số lượng cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách cấp xã sau khi sắp xếp dôi dư là 62 người. Trong đó, cán bộ, công chức là 50 người và 12 người hoạt động không chuyên trách. Đối với số lượng người dôi dư, các địa phương tập trung tiến hành thủ tục xét chuyển thành công chức cấp huyện, điều sang các xã có nhu cầu, cho nghỉ hưu trước tuổi hoặc nghỉ việc. Theo đó, đã thực hiện chuyển cán bộ, công chức cấp xã lên cấp huyện 9 người, nghỉ hưu trước tuổi theo Nghị định 108/ NĐ-CP của Chính phủ 9 người, điều động công chức sang xã khác 5 người; giải quyết chế độ dôi dư 12 người. Đến nay còn lại 27 người (xã Ninh Phước 14 người, thị trấn Tân Bình 9 người, xã Quế Mỹ 4 người).
Nhìn nhận về các khó khăn, vướng mắc sau khi thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, bà Đặng Thị Minh Nguyệt - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh cho rằng, công tác sắp xếp, bố trí nhân sự bước đầu gặp một số khó khăn trong việc bố trí cấp trưởng, cấp phó của các địa phương; cán bộ, công chức tinh giản, dôi dư phải nghỉ việc theo quy định. Phương án bố trí, điều động, xét chuyển cán bộ, công chức dôi dư ở một số địa phương chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến tâm lý của người lao động. Trong khi đó, việc bố trí kinh phí chi trả chế độ cho các trường hợp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư có nơi chưa kịp thời làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và khó khăn cho việc sắp xếp bộ máy.
“Thủ tục xét chuyển công chức cấp xã thành công chức cấp huyện còn bất cập do việc hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ của Sở Nội vụ chưa cụ thể, rõ ràng, phải bổ sung nhiều lần. Thời gian thẩm định, tham mưu trình UBND tỉnh quyết định còn chậm. Bên cạnh đó, việc điều chuyển sang xã khác gặp khó khăn do hầu hết các xã đang thực hiện rà soát, sắp xếp theo Nghị định 34 của Chính phủ nên ít có nhu cầu hoặc người được điều chuyển không phù hợp chuyên môn mà vị trí công tác yêu cầu” - Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh Đặng Thị Minh Nguyệt cho biết.
Ghi nhận thực tế từ cơ sở, tại Báo cáo 164 ngày 21.12.2020, Ban pháp chế HĐND tỉnh kiến nghị Tỉnh ủy chỉ đạo, hướng dẫn việc bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã khi thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính đảm bảo thời gian quy định tại Hướng dẫn số 28 ngày 28.2.2020. HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động đối với địa phương thực hiện sắp xếp sáp nhập đơn vị hành chính (đã bị cắt giảm do sáp nhập) để kịp thời giải quyết vấn đề phát sinh.
Về phía UBND tỉnh, cần xem xét, giãn lộ trình hoàn thành sắp xếp cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách đảm bảo số lượng lãnh đạo, quản lý và số lượng cán bộ, công chức đúng theo quy định mà tỉnh đã đề ra (kế hoạch UBND tỉnh vào cuối năm 2021). Đồng thời giải quyết kịp thời chế độ chính sách đối với số cán bộ, công chức, những người hoạt động không chuyên trách còn dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập; chỉ đạo rà soát và giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện quy trình thủ tục thực hiện xét chuyển từ công chức cấp xã lên huyện...