(QNO) - Vào mùa mưa lũ, hàng chục hộ dân sống ven sông Vu Gia, đoạn qua thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa, huyện Đại Lộc) rất bất an khi tình trạng sạt lở ven sông, sạt lở bờ kè diễn biến phức tạp làm mất đất sản xuất, vườn tược, đe dọa trôi mất nhà cửa.
Những mùa mưa lũ gần đây, tình trạng sạt lở ven sông, sạt lở bờ kè sông Vu Gia, đoạn qua thôn Đại Phú (xã Đại Nghĩa) đã ở mức báo động. Đoạn sạt lở ven sông Vu Gia qua Đại Phú dài 1km, ảnh hưởng trực tiếp đến 75 hộ dân thuộc tổ 1, tổ 2 có nhà ở sát triền sông của thôn Đại Phú.
Chị Hạ Thị Thủy (tổ 2, thôn Đại Phú) cho hay: “Vào mùa lũ, nước chảy khủng khiếp lắm. Bà con trồng tre giữ đất nhưng đất ven sông và cả bờ tre cũng dần trôi hết. Đất sản xuất của làng nằm ở xa kia nhưng lở hết rồi. Nhà tôi bị trôi 2 sào đất rồi , chừ lại lo ảnh hưởng nhà cửa. Ở đây ai cũng làm nhà kiên cố tránh lũ, nếu bị sạt lở, khó khăn trong việc tìm đất, rồi tiền của đâu mà làm lại nhà”.
Bà Đỗ Thị Miên (84 tuổi) đang ở với con gái, cũng có nhà sát sông. Cũng như nhiều hộ dân nơi đây, mẹ con bà Miên đã có căn nhà kiên cố, có gác tránh lũ. Thế nhưng, cứ mỗi mùa mưa lũ về, nỗi lo sợ chưa bao giờ dứt…
Theo khảo sát của chúng tôi, tại các điểm sạt lở bờ kè, bờ sông bị xâm thực nặng theo kiểu “hàm ếch”, ăn sâu vào làng, cuốn trôi nhiều bờ tre, nhiều diện tích đất sản xuất vòng 2 và đất vườn của người dân Đại Phú. Ước tính, các điểm sạt lở ảnh hưởng đến hàng chục hộ dân có nhà cửa của Đại Phú (xã Đại Nghĩa) và thôn lân cận là Trường An (xã Đại Quang).
Ông Huỳnh Ngọc Dũng - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Đại Phú cho biết, hàng chục năm trước, khu vực này cũng từng bị sạt lở nặng, nhà nước từng triển khai di dời một số hộ ra khỏi vùng xung yếu và xây dựng bờ kè. Cũng nhờ bờ kè này mà tình trạng sạt lở giảm hẳn qua một thời gian dài, bảo vệ được khu dân cư và đường dân sinh, khu vực Đền tưởng niệm Trường An.
Thấy khu vực này có bờ kè, đã an toàn, bà con thôn Đại Phú đã ổn định đời sống, đầu tư xây dựng nhà cửa kiên cố, đảm bảo tránh bão lũ. Tuy nhiên, do tác động của dòng chảy, nhất là các trận lũ lớn gần đây, nhất là các năm 2017 và 2019, bờ kè sông bằng rọ đá nhằm bảo vệ làng cũng đã bị sạt lở 500m xuống sông khiến ai nấy lo lắng, bất an.
Ông Dũng chia sẻ thêm, trước đây, xã Đại Nghĩa và thôn Đại Phú từng vận động nhân dân triển khai trồng tre ven sông chống sạt lở song tình hình không ăn thua, những bờ tre cũng rớt sông qua mỗi trận lũ. Nỗi lo về sạt lở của hàng trăm hộ dân qua mỗi đợt lũ càng chồng chất. Nhà cửa bà con ở đây rất kiên cố rồi nên ai nấy lo lắng. Nếu sông sạt lở tiếp thì rất khó khăn, mất đất ở, mất nhà. Hiện bờ kè dài 1km đã bị sạt lở một số đoạn, ước chừng các điểm sạt lở chừng 500m.
"Nếu không khẩn cấp gia cố bờ kè ven sông, nguy cơ rất nhiều diện tích đất vườn, nhà dân sát sông tiếp tục bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Qua nhiều đợt tiếp xúc cử tri, họp HĐND, chúng tôi cũng nhiều lần kiến nghị nhà nước hỗ trợ, quan tâm để người dân được an cư lạc nghiệp” - ông Dũng kiến nghị.