(QNO) - Thực tế đã tồn tại một khoảng cách đáng kể trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) giữa các nước phát triển và đang phát triển.
AI đã có sự phát triển vượt bậc và trở thành một trong những công nghệ then chốt góp phần thay đổi và thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế xã hội của các quốc gia.
Oxford Insights, một công ty tư vấn chuyên tư vấn cho các tổ chức và chính phủ về các vấn đề liên quan đến chuyển đổi kỹ thuật số, đã xếp hạng mức độ sẵn sàng của 160 quốc gia trên thế giới khi sử dụng AI trong các dịch vụ công.
Mỹ đứng đầu bảng xếp hạng, phần lớn là nhờ vào quy mô và sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực công nghệ. Singapore đứng thứ hai nhờ sức mạnh thể chế và năng lực kỹ thuật số của chính phủ. Lần đầu tiên, các quốc gia Đông Á chiếm 1/4 trong số 20 quốc gia được xếp hạng hàng đầu.
Đáng chú ý, các khu vực có điểm số thấp nhất trong chỉ số này bao gồm phần lớn các nước đang phát triển, chẳng hạn như châu Phi cận Sahara, Carribean và Mỹ Latinh, cũng như một số quốc gia Trung và Nam Á.
Các nước phát triển có một lợi thế nhất định trong việc đạt được tiến bộ nhanh chóng trong cuộc cách mạng AI. Với năng lực kinh tế lớn hơn, các quốc gia giàu có này đương nhiên có vị thế tốt nhất để đầu tư lớn vào nghiên cứu và phát triển cần thiết cho việc tạo ra các mô hình AI hiện đại.
Ngược lại, các nước đang phát triển thường có những ưu tiên cấp bách hơn, chẳng hạn như giáo dục, vệ sinh, chăm sóc sức khỏe và cung cấp thức ăn cho người dân, những ưu tiên này sẽ thay thế cho bất kỳ khoản đầu tư đáng kể nào vào chuyển đổi kỹ thuật số.
Khi các chính phủ ngày càng nhận thức được các cơ hội và rủi ro do AI mang lại, Oxford Insights nhận thấy sự gia tăng liên tục của các chiến lược AI quốc gia trên toàn cầu. Tính đến tháng 10.2021, 44 quốc gia được ghi nhận đã có kế hoạch chiến lược AI của riêng mình, cho thấy họ sẵn sàng đi trước trong cuộc đua AI toàn cầu.
Cơ hội cho Việt Nam
Cũng theo bảng xếp hạng này, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 62, tăng 14 bậc so với năm 2020. Thông tin này được PGS.TS. Huỳnh Thành Đạt, Bộ trưởng Bộ KH&CN đưa ra trong Ngày hội Trí tuệ nhân tạo Việt Nam (AI4VN 2022) tổ chức trong hai ngày 22,23.9 tại Hà Nội.Ngày hội quy tụ nhiều chuyên gia, nhà quản lý, công nghệ, đào tạo và doanh nghiệp... lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) trong nước và quốc tế thảo luận về các chủ đề bao gồm: kiến tạo động lực, phát triển hệ sinh thái, công nghệ AI đã thay đổi cuộc sống con người thế nào, ứng dụng và nâng cao chất lượng cuộc sống, giải pháp để giúp doanh nghiệp bứt phá bằng công nghệ AI...
Phát biểu trong một phiên thảo luận của ngày hội, ông Nguyễn Xuân Hoài - Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam chia sẻ sự thiếu hụt nguồn nhân lực trong lĩnh vực AI luôn là một trong những khó khăn hàng đầu của các đơn vị, doanh nghiệp.
Theo Viện trưởng Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam, AI đang dần trở thành một ngành công nghiệp, vì vậy, cần đào tạo các kỹ năng về từng lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo để cho ra nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực này.
Theo ông Anissh Pandey, Giám đốc NVIDIA khu vực Asean, Chính phủ Việt Nam đã có nhiều chính sách khuyến khích phát triển đào tạo AI tuy nhiên khoảng cách giữa phát triển AI và đào tạo AI ở Việt Nam vẫn còn khá lớn.
Sau hơn một năm triển khai Chiến lược AI do Thủ tướng Chính phủ phát động, Việt Nam đã ghi nhận một số kết quả bước đầu rất đáng được khích lệ. Chính phủ cũng đã có các chủ trương cụ thể trong việc thúc đẩy phát triển ứng dụng công nghệ AI; định hướng AI là một trong những công nghệ lõi, góp phần làm nòng cốt thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số, tạo ra những sản phẩm, thiết bị và các tiện ích thông minh ứng dụng trong sản xuất, dịch vụ, kinh doanh, quản lý xã hội và đời sống.