Tai nạn giao thông - nỗi đau cùng cực

CÔNG TÚ 23/11/2023 09:00

Hậu quả của tai nạn giao thông khiến không chỉ nạn nhân trả giá bằng tính mạng hoặc sức khỏe mà gia đình còn phải chịu nỗi đau cùng cực về tinh thần, cho đến gánh nặng mưu sinh trên chặng đường phía trước.

Lãnh đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh trao quà hỗ trợ cho mẹ của anh Phụng. Ảnh: C.T
Lãnh đạo Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh trao quà hỗ trợ cho mẹ của anh Phụng. Ảnh: C.T

Nỗi đau người ở lại

Tai nạn giao thông (TNGT) là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu cho con người. Hậu quả của TNGT không thể lường hết được. Không chỉ khiến tinh thần của nạn nhân, người thân nạn nhân bị sang chấn, TNGT còn ảnh hưởng tới kinh tế, cuộc sống của nhiều người. Bởi lẽ, thống kê có đến hơn 70% số vụ, số người tử vong là thanh niên, là trụ cột trong gia đình.

Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh - ông Phan Đức Tiễn chia sẻ, TNGT khiến người dân phải lo sợ mỗi khi ra đường, trở thành vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Vì vậy, việc giảm thiểu TNGT không chỉ là nhiệm vụ, trách nhiệm của bất kỳ một cá nhân nào mà hơn hết cần sự hợp tác, đoàn kết của cả cộng đồng. Để chủ động phòng tránh, người tham gia giao thông cần nắm rõ, thực hiện tốt các thông điệp, quy tắc an toàn.

Trường hợp của nạn nhân Hồ Văn Thoại (trú tại thôn 1, xã Phước Hòa, Phước Sơn) là minh chứng. Đang ở độ tuổi sung sức nhất, Hồ Văn Thoại (sinh năm 1998) là trụ cột lao động của một gia đình gồm có mẹ và người em gái.

Hoàn cảnh gia đình thuộc diện hộ nghèo, Thoại học hết bậc THPT thì xin nghỉ để bươn chải lo cho bản thân, phụ giúp mẹ nuôi em gái ăn học. Với bao dự định và hoài bão cho tương lai, anh Thoại vốn bản tính hiền lành, chịu thương chịu khó đã chăm chỉ làm việc, được đồng nghiệp quý mến, hàng xóm thương yêu.

Song một buổi chiều định mệnh, Thoại đang trên đường đi làm về thì bị ô tô tải va chạm làm anh ngã xuống, rồi xe container cán phải khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.

TNGT khiến người con trai đột ngột rời xa vĩnh viễn mái ấm làm cho mẹ của Thoại đau đớn tột cùng, khóc thương vật vã. Người con gái của bà đang theo học năm 3 Trường Đại học Luật, Đại học Huế bỗng chốc mất đi chỗ dựa tinh thần vững chắc.

Trước khi biến cố xảy ra, em gái của Thoại được anh trai chu cấp nên cũng đỡ phần chi phí chuyện ăn ở, học tập nơi đất khách quê người. Lúc nghe anh trai qua đời do TNGT, cô sinh viên này ngất lịm.

Nay cô vừa học vừa phải làm phụ thêm nhiều việc khác để kiếm tiền tiếp tục theo đuổi ước mơ mà anh mình từng gửi gắm, dày công chăm lo. Và cứ thế, mỗi lần con gái ra Thừa Thiên Huế vào trường học, người mẹ già ở nhà một mình lại ngày đêm khóc thương cho người con trai bạc mệnh.

Gia cảnh khốn cùng

Cuộc sống đang yên bình thì chồng bà Nguyễn Thị Liên (tổ 3, thôn Trà Quế, Cẩm Hà, Hội An) bị tai biến rồi qua đời từ 3 năm trước, để lại bà với đứa con trai sinh năm 1994 chưa lập gia đình bị bệnh thần kinh, cuộc sống rất vất vả.

Xui rủi chưa hết, đầu năm 2023, bà bị TNGT khiến gân tay bị đứt, khả năng lao động bị giảm đi đáng kể. Nhưng để kiếm tiền trang trải qua ngày, mỗi sáng sớm, bà gắng sức đạp xe đạp xuống tận chợ Hội An rửa chén bát, phụ bán cho quán bún gần đó với tiền công buổi sáng được 60 nghìn đồng. Nhớ chồng, thương con, bà Liên càng thêm tủi thân phận mình.

Trú thôn Phú Vinh, xã Tam Hòa (Núi Thành), anh Đặng Văn Phụng (năm nay 40 tuổi) có vợ và 3 người con. Khoảng 10 năm trước, hai vợ chồng ly hôn, anh ở lại nhà với mẹ già cùng 2 người con gái lớn. Là lao động chính của gia đình, song vụ TNGT xảy ra cách đây 6 năm khiến anh nằm bệnh viện nhiều tháng trời. Bác sĩ phải phẫu thuật lấy não ra nuôi bên ngoài.

Vụ tai nạn để lại hậu quả rất nặng nề, vì sau khi xuất viện anh Phụng bị mất sức lao động, phải dùng thuốc điều trị hàng ngày do đầu thường xuyên đau dữ dội. Bây giờ, mọi công việc chỉ biết trông chờ vào người mẹ già ốm yếu, gầy nhom. Bà vừa phải chăm lo thuốc men cho anh Phụng, vừa phải lo cho cháu nội.

Mẹ anh, bà Đặng Thị Hiệp (sinh năm 1962) cho biết, anh Phụng sinh ra vốn đã không có cha. Bà lam lũ làm thuê, cuốc mướn và được hàng xóm, người thân bảo bọc nuôi cho con khôn lớn, dựng vợ cho nó. Cuộc sống tuy nghèo nhưng cũng không đến nỗi nào. “Hai vợ chồng nó ly hôn.

Sau thời điểm bị TNGT, cuộc sống của gia đình như rơi vào bế tắc, vì tôi già yếu mà con trai bị đau suốt không thể tự lo cho mình, huống hồ gì đi làm nuôi cả mấy người” - bà Hiệp trải lòng. Chăm sóc cho anh Phụng, bà Hiệp còn cố gắng đi làm cỏ, cuốc đất, gieo đậu và nhiều việc khác cho bà con trong và ngoài thôn để có thu nhập trang trải cuộc sống.

Ông Phan Văn Kiêu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Phú Vinh xác nhận, gia đình anh Phụng có hoàn cảnh khó khăn nhất ở khu dân cư này. Để hỗ trợ, địa phương đã huy động các nguồn lực xây dựng “Nhà đại đoàn kết”.

Trước đó, bà con chòm xóm thương cảm bỏ công sức đổ đất đắp nền nhà, các hội, đoàn thể quan tâm hỗ trợ trao tặng bò để làm sinh kế. Nhưng như đã kể, nhà không có lao động chính, người có sức khỏe nhất là anh Phụng lại “phế” do TNGT khiến cuộc sống gia đình rơi vào cảnh khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tai nạn giao thông - nỗi đau cùng cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO