Tam Kỳ dựa vào người có uy tín trong cộng đồng để vận động dân

THANH XUÂN 15/10/2023 08:42

(QNO) - Từ một thị xã, Tam Kỳ vươn lên trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh và hiện nay đang phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại I. Trong quá trình đó, công tác dân vận đã được đặt lên hàng đầu, xây dựng khối đoàn kết thống nhất trên dưới một lòng thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển thành phố, nâng cao đời sống nhân dân.

Tổ dân vận phường An Mỹ vận động người dân vùng dự án
Tổ dân vận phường An Mỹ vận động người dân vùng dự án

Từ năm 2012, Đảng ủy phường An Mỹ đã chỉ đạo Khối Dân vận Đảng ủy xây dựng mô hình Tổ dân vận “Vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương giải phóng mặt bằng trên địa bàn phường”, do đồng chí Trưởng Khối dân vận, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường làm tổ trưởng, các trưởng phó đoàn thể chính trị - xã hội làm thành viên.

Đồng thời huy động cả đội ngũ cán bộ không chuyên trách của khối phố bị ảnh hưởng bởi dự án tham gia làm thành viên của tổ vận động. Thành viên tổ dân vận được thông tin đầy đủ chủ trương, chính sách bồi thường để tuyên truyền, giải thích, cùng với đó các thành viên tổ dân vận được nghiên cứu hồ sơ, chủ trương chính sách bồi thường, bằng phương châm “mưa dầm thấm lâu” và dựa vào những người có uy tín trong cộng đồng mà tổ dân vận phường đã thực hiện thành công công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án.

Tại phường An Mỹ có nhiều dự án đã được triển khai xây dựng với tổng diện tích khoảng gần 95ha, 840 lượt hộ gia đình bị tác động ảnh hưởng bởi các dự án. Trong đó, những năm gần đây có nhiều dự án trọng điểm như đường Điện Biên Phủ, khu tái định cư phục vụ dự án đường Điện Biên Phủ, dự án N10, hồ điều hòa Nguyễn Du, khu dân cư Tứ Hiệp, đường bao Nguyễn Hoàng...

Để thực hiện thành công các dự án trên, công tác dân vận đã được đặt lên hàng đầu. Bà Lê thị Kim Vương - Trưởng Khối Dân vận, Tổ trưởng Tổ dân vận bồi thường, giải phóng mặt bằng phường An Mỹ chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách, quy định của Nhà nước về bồi thường, giải phóng mặt bằng đến người dân mà còn đến tận nhà, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của nhân dân vùng dự án để đề đạt lên cấp trên giải quyết quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người dân. Bản thân mỗi thành viên tổ dân vận phải nắm chắc các quy định về bồi thường, từ đó mới tuyên truyền hiệu quả trong nhân dân”.  

Đối với các xã vùng ven, công tác dân vận trong thực hiện xây dựng nông thôn mới đã và đang được triển khai thường xuyên, liên tục và hiệu quả. Trong đó các địa phương triển khai xây dựng các mô hình dân vận khéo gắn với đời sống ở khu dân cư.

Ở xã Tam Thăng, địa phương nổi bật với công tác vận động nhân dân xã hội hóa nâng cấp mở rộng đường ĐX3 liên xã và mô hình “tự quản 5 trong 1” (mô hình đầu tiên của tỉnh, đó là tự quản về an ninh trật tự, phòng cháy chữa cháy, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, phòng chống dịch và vận động người mãn hạn tù tái hòa nhập cộng đồng). Kinh nghiệm của địa phương là trưng cầu ý kiến nhân dân để xây dựng và thực hiện mô hình dân vận, từ đó lấy sức dân đem lại lợi ích cho dân.

Đường ĐX 3 qua xã Tam Thăng sau khi mở rộng
Đường ĐX3 qua xã Tam Thăng sau khi mở rộng

Ông Nguyễn Tấn Hưng - Phó Bí thư Đảng ủy xã Tam Thăng cho biết: “Trước khi quyết định phát động mô hình dân vận khéo, chúng tôi luôn lấy ý kiến nhân dân, nếu mô hình thực sự cần thiết, có tính khả thi thì mới thực hiện. Ví dụ như mô hình 5 trong 1. Qua hơn 1 năm thực hiện, mô hình cho kết quả rõ rệt, nên người dân tự nguyện tham gia ngày càng đông hơn”.

Công tác dân vận chủ yếu vẫn là lấy lực lượng cán bộ thôn, khối phố, người có uy tín trong cộng đồng làm nòng cốt, bởi họ gần nhất với nhân dân, dễ dàng tiếp cận vận động nhân dân thường xuyên, hiệu quả nhất.

Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Thạnh đầy đủ tiện nghi để người dân sinh hoạt văn hóa, thể thao
Nhà sinh hoạt văn hóa thôn Phú Thạnh đầy đủ tiện nghi để người dân sinh hoạt văn hóa, thể thao

Lấy ví dụ điển hình trong công tác dân vận thành công ở thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú. Từ một thôn khó khăn, cơ sở vật chất, nhà sinh hoạt hoạt văn hóa tạm bợ, đến nay thôn Phú Thạnh đã trở thành điểm sáng của xã về thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân. Trong đó nhân dân đóng góp gần 900 triệu đồng để xây dựng các thiết chế văn hóa.

Để có được cơ ngơi sinh hoạt văn hóa cộng đồng đầy đủ tiện nghi gồm nhà sinh hoạt văn hóa đủ sức chứa 300 người, hệ thống âm thanh, ánh sáng, khu luyện tập thể thao, sân khấu ngoài trời, khuôn viên cảnh quan sáng, xanh, sạch, đẹp, Chi ủy Chi bộ, Ban nhân dân, Ban công tác mặt trận thôn Phú Thạnh công khai phương án, dự toán kế hoạch, thu chi đến từng hộ dân.

Ông Đỗ Qúy Nhiệm - Trưởng ban công tác mặt trận thôn Phú Thạnh nói: “Để vận động được nguồn kinh phí trong nhân dân xây dựng thiết chế văn hóa thì trước tiên cán bộ thôn phải làm việc trung thực, công khai, minh bạch. Mọi khoản thu, chi đều công khai và có sự giám sát của nhân dân. Khi đi vận động chúng ta phải đặt lợi ích chung lên trên hết, tuyệt đối không tư lợi.

Ở thôn chúng tôi, các nguồn đóng góp của nhân dân được đầu tư vào thiết chế văn hóa và người dân được hưởng lợi, sử dụng thường xuyên nên họ thấy rất hài lòng. Hằng ngày người dân đến sinh hoạt văn hóa, thể thao rất sôi nổi góp phần tạo sự đoàn kết, gắn bó trong nhân dân”.

Hiện nay, Tam Kỳ phát huy rất hiệu quả công tác dân vận, đóng góp cho sự phát triển của thành phố, từ các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban ngành, đoàn thể, các xã phường đều thi đua thực hiện công tác dân vận, dân vận khéo trên tất cả các lĩnh vực, nhất là những lĩnh vực quan trọng như cải cách hành chính, chuyển đổi số, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư, trật tự đô thị, giảm nghèo, khởi nghiệp…

“Trọng dân, gần dân, hiểu dân và có trách nhiệm với dân”, “Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” ... là những phương châm được thành phố quán triệt xuyên suốt trong công tác dân vận. 

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tam Kỳ dựa vào người có uy tín trong cộng đồng để vận động dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO