Tam Kỳ quyết tâm tạo đột phá trong đầu tư phát triển giai đoạn 5 năm tới bằng việc huy động nhiều nguồn lực của Trung ương, tỉnh, địa phương, kể cả nguồn đóng góp của người dân nhằm hướng đến mục tiêu cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025.
Vốn đầu tư công tăng hơn 2 lần
Theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 vừa được HĐND TP.Tam Kỳ thông qua, nguồn vốn cho kế hoạch này là gần 3.570 tỷ đồng.
Giải thích về việc nguồn vốn giai đoạn 5 năm tới tăng hơn 2 lần so với giai đoạn 5 năm trước đó, Trưởng phòng Tài chính - Kế hoạch thành phố - ông Nguyễn Quang Tuấn cho rằng, chủ yếu tăng 2 nguồn chính, là nguồn thu tiền sử dụng đất (gồm thu tiền sử dụng đất của thành phố và nguồn trích lại theo cơ chế khi các doanh nghiệp đầu tư các dự án nhà ở trên địa bàn) và nguồn Trung ương, tỉnh bổ sung theo cơ chế đầu tư xây dựng đô thị loại 1.
Theo ông Trần Nam Hưng - Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP.Tam Kỳ, chủ trương xã hội hóa trong đầu tư chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đô thị thời gian qua đã nhận được sự hưởng ứng tích cực vì phục vụ cho quyền lợi thiết thực của người dân. Nhưng các địa phương phải nhất quán quan điểm trong việc thực hiện huy động sức dân chứ không thể có địa phương làm, địa phương không làm. Cạnh đó, các địa phương cần tập trung đẩy mạnh khai thác đất lẻ để có nguồn thu đầu tư phát triển, quan tâm cải tạo, chỉnh trang vỉa hè, điện chiếu sáng kiệt hẻm, tạo bộ mặt đô thị khang trang.
Cụ thể, trong giai đoạn 2021 - 2025 nguồn thu tiền sử dụng đất là 2.000 tỷ đồng, nguồn Trung ương, tỉnh bổ sung 1.000 tỷ đồng; các nguồn vốn còn lại cơ bản ổn định như nguồn ngân sách tập trung 133 tỷ đồng hay nguồn tiền thuê đất, vượt thu, bán nhà sở hữu nhà nước khoảng 200 tỷ đồng.
Ngoài ra, với các dự án có nguồn thu tiền sử dụng đất, thành phố dự kiến vay Quỹ phát triển đất tỉnh khoảng 500 tỷ đồng, tạm ứng ngân sách tỉnh 100 tỷ đồng để đáp ứng tiến độ giải phóng mặt bằng và thi công dự án.
Theo ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND thành phố, việc lập kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm tới với nguồn vốn tăng gấp đôi so với giai đoạn trước nhằm tạo đột phá trong đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng, hướng đến mục tiêu đạt các tiêu chí đô thị loại 1 vào năm 2025.
Nhiệm vụ chủ yếu trong 5 năm tới là tập trung xây dựng, khớp nối, hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng đô thị, đầu tư các khu dân cư, tái định cư để phục vụ giải phóng mặt bằng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, hướng đến mục tiêu đô thị loại 1 theo tinh thần Nghị quyết 08 (4.5.2021) của Tỉnh ủy và Kết luận 98 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Vì vậy, kế hoạch phân bổ nguồn vốn sẽ ưu tiên nguồn lực lớn cho hạ tầng đô thị, giao thông, thoát nước với 1.200 tỷ đồng (chiếm hơn 33% tổng nguồn vốn), hạ tầng các khu dân cư 1.170 tỷ đồng (32% tổng nguồn vốn).
Huy động xã hội hóa
Để xây dựng, khớp nối, chỉnh trang kết cấu hạ tầng đô thị, khu dân cư, theo báo cáo của thành phố, bên cạnh 172 dự án đầu tư công khởi công mới trên nhiều lĩnh vực trong giai đoạn 2021 - 2025, các xã, phường còn đề xuất 440 dự án với số tiền hơn 512 tỷ đồng.
Với mục tiêu đến năm 2025 có 80% vỉa hè được nâng cấp, chỉnh trang, hệ thống giao thông kiệt hẻm, đường liên thôn, liên xóm, thoát nước được khớp nối, đồng bộ, ngoài nguồn đầu tư hỗ trợ của thành phố và ngân sách xã, phường, Tam Kỳ đẩy mạnh nguồn vốn từ xã hội hóa. Cụ thể, các địa phương cần tiếp tục vận động người dân tự nguyện hiến đất, giải phóng mặt bằng, đóng góp kinh phí để làm giao thông kiệt hẻm, chỉnh trang vỉa hè.
Ông Bùi Tấn Công - Chủ tịch UBND phường An Xuân cho biết, trước đây nhiều dự án chỉnh trang đô thị như vỉa hè, kiệt hẻm trên địa bàn, phường vận động người dân đóng góp 20%, thậm chí có dự án 25%. Sau đó, giảm xuống 10% và vừa qua cũng có dự án không thu đồng nào. Tuy nhiên, nhiều ý kiến đề xuất nên có sự tham gia đóng góp của người dân để tăng cường sự quản lý, giám sát của nhân dân đối với công trình, góp phần nâng cao chất lượng.
“Tôi thống nhất cao với chủ trương Nhà nước và nhân dân cùng làm; tuy nhiên, cũng có băn khoăn bởi thực tế khó vận động vì có nhiều hộ dân còn rất nghèo, nhất là các hộ gia đình ở trong kiệt hẻm. Vì vậy, theo tôi đề xuất mức thu người dân đóng góp 5% là hợp lý” - ông Công nói.
Đồng quan điểm, Chủ tịch UBND phường Phước Hòa - ông Lê Đình Thành cho rằng nguồn huy động xã hội hóa trong nhân dân 10% là quá lớn và nên giảm xuống mức 5% cho phù hợp với điều kiện của người dân.