TP.Tam Kỳ vừa khánh thành thư viện số và phòng học STEM tại 3 trường tiểu học và THCS trên địa bàn, đây được xem là bước đột phá trong phát triển giáo dục số của Tam Kỳ.
Mô hình thí điểm
Triển khai mô hình giáo dục mới dạy học STEM và thư viện số ở các trường học, bước vào năm học 2024 - 2025, Tam Kỳ thực hiện thí điểm xây dựng thư viện số tại Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, THCS Lý Thường Kiệt và phòng học STEM tại Trường THCS Lý Tự Trọng.
Vừa qua, UBND TP.Tam Kỳ tổ chức khánh thành, đưa vào sử dụng 3 công trình. Đây là địa phương tiên phong của tỉnh triển khai mô hình giáo dục mới, thí điểm dạy học STEM và thư viện số ở các trường học, bậc học, hướng đến mục tiêu xây dựng TP.Tam Kỳ trở thành điểm sáng về chuyển đổi số giáo dục của Quảng Nam.
Theo ông Trần Thanh Dương - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng TP.Tam Kỳ, dự án thí điểm xây dựng phòng học STEM và thư viện số trường học có tổng vốn đầu tư 11,5 tỷ đồng, được khởi công tháng 10/2024, đến tháng 12/2024 hoàn thành.
Quy mô phòng học STEM được đầu tư trang bị các bộ STEM thuộc nhiều lĩnh vực khoa học và đo lường, vật lý, vật lý cơ và điện tử, kiến trúc và xây dựng, robot tự động, robot thông minh, trí tuệ nhân tạo (AI), stem coding và phần mềm...
Trong khi đó, thư viện số được trang bị hạ tầng công nghệ như máy in thẻ thành viên thư viện, máy in barcode để quản lý tài liệu, máy quét mã vạch quản lý mượn trả tài liệu, cổng checkin bạn đọc, phần mềm quản lý thư viện, trang bị 20 máy tính kết nối internet; các loại sách số, sách nói, sách in 3D, sách in truyền thống với hơn 3.000 đầu sách.
Ông Nguyễn Văn Lộc - Trưởng phòng GD-ĐT TP.Tam Kỳ chia sẻ, những năm qua thầy và trò ngành GD-ĐT Tam Kỳ đã tiếp cận với giáo dục STEM nhưng thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập.
Vì vậy, được lãnh đạo thành phố quan tâm đầu tư phòng học STEM và thư viện số tại 3 ngôi trường là chủ trương rất có ý nghĩa đối với toàn ngành, mang đến môi trường học tập hiện đại, thông minh, năng động, khơi dậy tinh thần sáng tạo, chủ động học tập cho học sinh; qua đó góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Điểm sáng về chuyển đổi số giáo dục
Với quan điểm phát triển giáo dục là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, cùng với phát triển đội ngũ, thời gian qua Tam Kỳ đã dành nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học theo hướng chuẩn hóa, hiện đại.
Địa phương cũng triển khai xây dựng các khung chương trình về chuyển đổi số, nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Anh, phát triển thư viện số trường học gắn với văn hóa đọc, dạy học STEM gắn với thực hành lý - kỹ thuật và nghiên cứu khoa học.
Theo định hướng của thành phố, tập trung xây dựng chương trình chuyển đổi số giáo dục, trong đó tập trung xây dựng cơ sở học liệu về bài giảng, tư liệu, ngân hàng đề thi, bài kiểm tra, đánh giá; xây dựng khung năng lực số cho giáo viên, học sinh từng cấp; quản lý học tập học sinh hướng đến cá nhân hóa; xây dựng thư viện số, phát triển văn hóa đọc và ứng dụng công cụ giáo dục thông minh vào giảng dạy, học tập.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP.Tam Kỳ - ông Nguyễn Minh Nam cho rằng, việc đầu tư xây dựng thư viện số và phòng học STEM tại 3 trường là bước thí điểm, tạo đà để địa phương tiếp tục ưu tiên nguồn lực nhân rộng và phát triển đồng bộ. Hơn nữa với quyết tâm là đơn vị tiên phong của tỉnh, Tam Kỳ đã tranh thủ các nhà quản lý, chuyên gia để thí điểm đầu tư xây dựng.
Thành phố sẽ hướng đến phát triển giáo dục số toàn diện gắn với việc xây dựng môi trường học tập chủ động, sáng tạo, tự học, tự nghiên cứu, phát triển mạnh mẽ văn hóa đọc; tạo điều kiện tất cả thầy cô giáo, học sinh được tiếp cận các phương pháp, công nghệ mới trong giáo dục.
“Tuy công trình có tổng mức đầu tư không lớn nhưng là bước khởi đầu đầy ý nghĩa, là dấu mốc quan trọng trong hành trình thúc đẩy văn hóa đọc, hướng đến tự học, tự nghiên cứu và thực hành gắn với chuyển đổi số mạnh mẽ trong giáo dục thành phố.
Đây là kết quả cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố về phát triển sự nghiệp giáo dục thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; là nhiệm vụ đột phá trong công tác GD-ĐT của thành phố theo tinh thần Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT” - ông Nam nói.
Năm 2013, TP.Tam Kỳ khai trương Thư viện số cộng đồng tại Quảng trường 24/3. Đây là thư viện số cộng đồng đầu tiên của cả nước, góp phần phát triển các không gian đọc cộng đồng cho nhân dân thành phố, nhất là tầng lớp thanh thiếu nhi, phát triển văn hóa đọc và phong trào học tập suốt đời, vừa tạo không gian văn hóa kết nối xã hội tích cực, hướng đến xây dựng “Thành phố học tập toàn cầu”. Đây cũng là nơi để tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật, giao lưu tác giả - tác phẩm, truyền cảm hứng và lan tỏa văn hóa đọc cho cộng đồng.