Sử dụng tài nguyên trong mọi khả năng có thể, không bỏ phí thứ gì là tận dụng. Còn tận hiến là cho hết cả, dâng hết cả, không giữ lại thứ gì. Trong đời sống, tận dụng và tận hiến đều đem lại những chuỗi giá trị to lớn, chiêm nghiệm thấy thú vị vô cùng.
Từ năm 1990, khái niệm kinh tế tuần hoàn đã được đề cập, nhưng gần đây mới trở thành thời thượng tại Việt Nam, khi Chính phủ đưa vào các định hướng, quyết sách phát triển.
Có thể diễn đạt một cách đơn giản, kinh tế tuần hoàn là nguyên lý vận hành sản xuất mà “mọi thứ đều là đầu vào đối với thứ khác” trong chu trình tận dụng và tận hiến cả chuỗi liên kết nguyên vật liệu cho ra nhiều sản phẩm và giá trị tổng hợp.
Đơn cử ví dụ từ cây cỏ gần gũi quanh ta sẽ cảm nghiệm được điều ấy. Chẳng hạn cây lúa trước đây chủ yếu cho gạo để nấu thành cơm ăn hoặc làm bún mỳ... Nhưng cây lúa còn tận hiến nhiều thứ cho người ta tận dụng làm ra những hàng hóa giá trị khác.
Thân cây, xưa thì ủ phân hoặc làm chất đốt, nay có thể dùng để sản xuất giấy, làm giá thể cấy nấm rơm. Vỏ trấu xưa dùng đun nấu, ủ trứng, nay có thể dùng sản xuất đệm sinh học hay nệm lót áo giáp.
Vỏ lụa gạo lứt là một thành phần trong thực phẩm thực dưỡng phòng bệnh. Cám có thể chế biến ra mặt nạ đắp mặt làm đẹp. Gạo thì làm nguyên liệu chế biến của công nghiệp thực phẩm cho ra đủ thứ hàng hóa bánh kẹo...
Vậy nên trong sản xuất lúa gạo không chỉ nhắm đến việc làm ra gạo để giành ngôi vị nhứt nhì thế giới về xuất khẩu, mà có khi cần tư duy lại, rằng nếu tận dụng mọi thứ từ cây lúa sẽ cho chuỗi giá trị tổng hợp lớn hơn rất nhiều lần so với việc chỉ lấy một sản phẩm đơn lẻ là gạo.
Việc tận dụng nguyên liệu có thể diễn ra tuần hoàn trong nội tại một thứ hay một ngành. Nhưng phổ biến hơn là kết hợp nhiều thứ và liên ngành.
Xưa, nông dân Việt nói chung, người Quảng nói riêng đã biết sáng tạo các mô hình xen canh, luân canh các loại cây trồng trên đồng đất, trong đó có chu trình tận dụng thứ này để làm thứ kia.
Rồi kết hợp trồng trọt với chăn nuôi, như nuôi heo lấy thịt, còn phân heo bón lúa, lúa cho gạo và rơm, lấy cám gạo nuôi heo và rơm làm phân chuồng; cũng mô hình này bây giờ là cây chuối và con bò được áp dụng tương tự theo chu trình tuần hoàn.
Khi tận dụng nguyên liệu theo chuỗi liên ngành sẽ tạo ra liên kết, liên hệ mật thiết như giữa ngành nông nghiệp và công nghiệp. Như chúng ta biết không bỏ phí thứ gì từ cây lúa, bởi có thể tận dụng tất cả đầu ra của sản phẩm từ lúa để làm đầu vào cho các ngành sản xuất khác nhau. Và khi đưa vào chu trình sản xuất tuần hoàn, đầu ra của ngành lúa gạo cũng sẽ là đầu vào của ngành chế biến khác.
Trong sản xuất ngày nay, cả thế giới văn minh lo ngại là những chất phát thải, là rác phế liệu, khí thải, nước thải… nhiều thêm. Vậy nên nếu biết tận dụng mọi thứ đưa vào chu trình sản xuất tuần hoàn sẽ giảm phát thải, tận hiến các giá trị cho thu nhập cao hơn và hơn nữa là phát triển kinh tế xanh.
Những hành động của Quảng Nam nói riêng, Việt Nam nói chung, để phấn đấu có nền kinh tế xanh, giảm phát thải carbon xuống bằng 0 (Net Zero), lại càng phải khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn trong nội ngành và liên ngành.
Hiện tại với ngành du lịch, ngoài giảm phát thải rác, túi nylon, thì có thể tận dụng những thứ phẩm nông nghiệp để tạo ra sản phẩm tiêu dùng xanh. Với ngành nông nghiệp, tuần hoàn trong trồng trọt, chăn nuôi, tận dụng hết nguyên liệu để làm đầu vào lẫn nhau theo chuỗi liên kết rất quan trọng để gia tăng giá trị, tạo thu nhập thêm cho nông dân.
Sản xuất tuần hoàn với nông nghiệp có thể vận dụng trong suốt quá trình của chuỗi giá trị từ “cung cấp đầu vào => tổ chức sản xuất => chế biến => tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Còn với công nghiệp Quảng Nam thì một mặt khuyến khích các nhà máy sản xuất tuần hoàn, một mặt kêu gọi doanh nghiệp tham gia chương trình giảm phát thải, tái chế chất thải bằng cách tận dụng công nghệ xử lý tối ưu.
Một loài cây, một con vật cũng có thể tận hiến giá trị cao hơn khi được tận dụng hết nguyên liệu, năng lượng tái tạo.
Một con người cũng vậy, khi được tận dụng mọi năng lực sáng tạo thì tận hiến cho đời biết bao giá trị.