Những tháng cuối năm được xem là mùa tăng tốc của thị trường khách du lịch quốc tế, đặc biệt là khách Âu, Úc, Mỹ. Đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Quảng Nam chủ động đón dòng khách này.
Tăng cường kết nối
Từ đầu tháng 10 đến nay, bình quân mỗi ngày Công ty Du lịch Hội An DMC tổ chức tour cho khoảng 10 đoàn khách tham quan, trải nghiệm các làng quê, làng nghề Quảng Nam.
Hầu hết khách đến từ thị trường Tây Âu (Pháp, Đức, Anh). Với các sản phẩm thiên về trải nghiệm hoạt động nông nghiệp, nông thôn, các tour của DMC luôn được đối tác và du khách đánh giá cao.
Ông Nguyễn Trọng Tuấn – Giám đốc Công ty Du lịch Hội An DMC chia sẻ, kết quả trên là quá trình chuẩn bị chương trình, sản phẩm, dịch vụ hợp lý và chuyên nghiệp suốt nhiều tháng trước.
“Từ đầu năm chúng tôi đã gửi chương trình, sản phẩm tour đến đối tác quốc tế để họ chào khách dịp cuối năm hoặc năm sau. Điều này giúp đơn vị luôn có nguồn khách ổn định” – ông Tuấn chia sẻ.
Thông thường, từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau được xem là mùa cao điểm của du khách quốc tế đến Quảng Nam, chủ yếu khách Âu – Mỹ.
Chuẩn bị cho “sự kiện” này từ nhiều tháng trước, các doanh nghiệp du lịch Quảng Nam đã đẩy mạnh công tác xúc tiến, truyền thông giới thiệu, quảng bá sản phẩm, dịch vụ đến một số thị trường mục tiêu.
Tại Hoiana, việc triển khai các sự kiện mang tính lễ hội dịp cuối năm được làm từ khá sớm trên các phương tiện truyền thông trực tuyến và các đối tác nhằm thu hút khách đến khu nghỉ dưỡng.
Các giá trị nổi bật về di sản, văn hóa, thiên nhiên cùng chính sách thị thực thuận lợi đã giúp lượng khách quốc tế đến Quảng Nam không ngừng gia tăng qua từng năm. Thống kê 10 tháng của năm 2024, Quảng Nam đã đón gần 4,62 triệu lượt khách quốc tế, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù, các thị trường khách châu Á (Hàn Quốc, Đài Loan, ASEAN)… chiếm ưu thế nhưng không phủ nhận khả năng chi tiêu và lưu trú của khách châu Âu, Úc, Mỹ khá tốt. Việc đón khách Âu Úc còn quan trọng hơn khi thị trường khách Hàn Quốc đang có xu hướng sụt giảm.
Năm 2024 ngành du lịch Quảng Nam đặt mục tiêu đón 5,1 triệu khách quốc tế. Do vậy, với việc đón gần 4,62 triệu khách qua 10 tháng của năm đã mang đến nhiều kỳ vọng hoàn thành kế hoạch đề ra bởi mùa cao điểm khách quốc tế mới chỉ bắt đầu.
Ông Văn Bá Sơn – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, để hoàn thành kế hoạch thu hút khách quốc tế, ngành du lịch sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến và tổ chức các sự kiện có quy mô lớn vào những thị trường truyền thống, trọng tâm.
Đồng thời xây dựng các sản phẩm đặc thù để đón đầu sự gia tăng của thị trường khách Ấn Độ, nhất là sau các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch và mở lại các đường bay trực tiếp đến Đà Nẵng hồi tháng 10.
Dự lường những khó khăn
Từ sau đại dịch COVID-19, cơ cấu khách du lịch đến Quảng Nam đã có sự chuyển dịch và thay đổi lớn giữa khách quốc tế - nội địa và châu Âu – châu Á. Cùng đó, sự xuất hiện của nhiều sản phẩm du lịch xanh, sinh thái cũng mang đến sức hấp dẫn đa dạng cho bức tranh du lịch địa phương.
Dù vậy, ông Trần Hoài Nguyên – Phó Giám đốc Saigontourist - chi nhánh Đà Nẵng cảnh báo, việc thay đổi tâm lý du lịch và chi tiêu của khách hàng cũng là yếu tố cần xem xét khi đề ra các mục tiêu xây dựng sản phẩm dịch vụ.
“Qua quan sát tôi thấy, du lịch bây giờ đã không còn phân mùa như ngày xưa nữa, khách dường như đi quanh năm do thay đổi thói quen tiêu dùng, chỉ cần mua được vé rẻ khách sẽ đi” – ông Nguyên dẫn chứng.
Cạnh đó, lượng khách quốc tế cuối năm cũng có thể sụt giảm khi đổi hướng sang các nước Đông Bắc Á, Thái Lan bởi các chính sách ưu đãi. Thời điểm này cũng là mùa lá đỏ tại các nước Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Sự cạnh tranh này đã diễn ra ở quy mô các nước chứ không chỉ là khu vực vùng miền. Chưa kể, các chương trình du lịch tàu biển cũng không còn diễn ra ở Đà Nẵng mà đã chuyển ra cảng Chân Mây (Huế) sẽ khiến điểm đến Đà Nẵng, Quảng Nam bị ảnh hưởng.
Rồi ngày càng nhiều du khách tự đặt tour, tự đi khiến doanh nghiệp lữ hành hụt doanh thu. Nói chung rất nhiều vấn đề để ngành du lịch và doanh nghiệp tính toán cho mục tiêu đón khách cuối năm” – ông Nguyên phân tích thêm.
Ông Nguyên cũng cho rằng, để thu hút khách, các doanh nghiệp phải thích ứng và thay đổi như triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, áp dụng công nghệ số để khách hàng thuận lợi khi đặt tour.
“Việc triển khai nhiều giải pháp đồng bộ là cần thiết, kể cả phối hợp với cộng đồng, doanh nghiệp, các địa phương xây dựng nhiều chương trình kích cầu, khuyến mãi, tăng dịch vụ để thu hút thị trường khách quốc tế đến Quảng Nam” - ông Văn Bá Sơn nói.
Đại diện Sở VH-TT&DL cũng cho rằng, thời gian tới, ngành du lịch triển khai thực hiện các chương trình truyền thông, quảng bá du lịch xanh, du lịch miền núi, du lịch nông thôn và tiếp tục phát triển sản phẩm du lịch mới, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, du lịch MICE.
Câu chuyện nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch, nâng cấp và cải thiện cơ sở hạ tầng du lịch, đẩy mạnh quảng bá du lịch trực tuyến cũng như thực hiện các chiến dịch quảng cáo trực tuyến trên các mạng xã hội du lịch, Google, Youtube, Facebook… là giải pháp để thu hút du khách quốc tế và các thị trường tiềm năng.