Tạo đột phá cải cách hành chính

HÀN GIANG 04/03/2022 06:25

Chọn tháng cuối mỗi quý làm Tháng cao điểm giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử - bắt đầu từ tháng 3 này - tiếp tục khẳng định quyết tâm của UBND tỉnh trong công tác cải cách hành chính.

Đoàn Khối các cơ quan tỉnh ra mắt tổ thanh niên xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Quảng Nam. Ảnh: H.G
Đoàn Khối các cơ quan tỉnh ra mắt tổ thanh niên xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 tại Trung tâm Phục vụ Hành chính công Quảng Nam. Ảnh: H.G

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến còn thấp

Năm 2021, Trung tâm Phục vụ hành chính công Quảng Nam tiếp nhận 73.412 hồ sơ, với tỷ lệ hồ sơ được giải quyết trả trước và đúng hạn đạt 99,8% (61.053 hồ sơ). Tuy nhiên, tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận và xử lý trực tuyến mới chiếm 27,6% (20.257 hồ sơ) - đây cũng là thực trạng chung của toàn tỉnh.

Ông Trần Trung Kiên - Trưởng phòng Cải cách hành chính (Sở Nội vụ) nhìn nhận, tỷ lệ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 ở các địa phương, đơn vị vẫn còn thấp.

Để cải thiện thực trạng này, từ cuối năm 2021, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 7744 phát động đợt thi đua cao điểm nâng cao chất lượng giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 trên địa bàn tỉnh.

Tuy nhiên, trong tháng 1.2022, tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 chỉ đạt 35,9% ở cấp tỉnh; 1,43% ở cấp huyện và 1,8% cấp xã. Nhiều TTHC trực tuyến đã được công bố nhưng chưa phát sinh hồ sơ; đặc biệt, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 còn rất thấp.

Ngày 1.3.2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04 yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai đồng bộ, thống nhất, toàn diện và liên tục công tác cải cách hành chính; trọng tâm là thực hiện giải quyết TTHC trên môi trường điện tử thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo đó, toàn tỉnh chọn các tháng 3, 6, 9, 12 hằng năm làm Tháng cao điểm giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; bắt đầu từ tháng 3.2022 gắn với việc phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, địa phương.

Trong 6 mục tiêu đặt ra, UBND tỉnh “đặt hàng” việc tiếp nhận, giải quyết, thanh toán, trả kết quả hồ sơ TTHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương được thực hiện 100% bằng hình thức trực tuyến đối với các TTHC được UBND tỉnh phê duyệt dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 đã liên thông, tích hợp vào Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Phấn đấu không có hồ sơ trễ hạn vì nguyên nhân chủ quan trong tháng cao điểm; rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC để trả kết quả sớm nhất cho cá nhân, tổ chức. Không để xảy ra phản ánh, kiến nghị về hành vi, thái độ nhũng nhiễu khi thực hiện TTHC, nhất là trong các tháng cao điểm.

“4 tăng”, “2 giảm”, “2 không”

Tinh thần của Chỉ thị 04 tiếp tục khẳng định quyết tâm của Quảng Nam trong việc nâng cao chất lượng giải quyết TTHC trên môi trường điện tử; hạn chế thấp nhất việc giải quyết hồ sơ theo hình thức trực tiếp đối với các TTHC đã phê duyệt dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Theo ông Trương Hồng Giang - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, năm 2022 Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và chuyển đổi số tỉnh xác định tạo bước đột phá trong cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách TTHC.

Với các giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC, đảm bảo tất cả hồ sơ tiếp nhận của cá nhân, tổ chức yêu cầu giải quyết TTHC phải được cập nhật đầy đủ trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh.

Đặc biệt, chú trọng triển khai đồng bộ, hiệu quả mục tiêu “4 tăng” (tăng tính công khai, minh bạch; tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ; tăng cường phương thức giải quyết TTHC qua môi trường mạng; tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp); “2 giảm” (giảm thời gian thực hiện TTHC; giảm chi phí tuân thủ TTHC); “2 không” (không gây phiền hà, sách nhiễu; không trễ hẹn).

Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu rà soát, đánh giá, tổng hợp và hoàn thiện các quy trình, quy chế phối hợp giải quyết TTHC, công việc hành chính của các cơ quan, đơn vị. Tổ chức Tháng hành động “tiếp nhận và giải quyết hồ sơ TTHC trong ngày” sau khi đủ điều kiện tiếp nhận giải quyết theo quy định.

Toàn tỉnh rà soát, cắt giảm tối thiểu 10% thời gian giải quyết TTHC so với quy định hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ngành, địa phương; Tiếp tục triển khai thực hiện phân cấp, phân quyền, ủy quyền giải quyết các TTHC cho các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố theo quy định. Xây dựng Hệ thống lấy ý kiến trong quy trình giải quyết TTHC lĩnh vực đầu tư trên địa bàn tỉnh.

“Với quyết tâm tạo đột phá về cải cách TTHC của tỉnh, Ban Chỉ đạo tỉnh yêu cầu tập trung nâng cấp hệ thống xác định chỉ số cải cách hành chính; triển khai hệ thống theo dõi, đánh giá hoạt động cải cách hành chính và Hệ thống theo dõi, giám sát, đánh giá tiến độ, chất lượng giải quyết TTHC.

Triển khai ứng dụng chatbot nhằm giải đáp, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp các thắc mắc, khó khăn liên quan đến sử dụng Cổng vụ công trực tuyến dịch và việc nộp hồ sơ TTHC một cách nhanh chóng, chính xác; tương tác với người dân, doanh nghiệp 24/7, nhanh chóng giải quyết các nghiệp vụ cơ bản, từ đó giúp gia tăng trải nghiệm của người dân, doanh nghiệp và giảm thiểu chi phí vận hành đội ngũ hỗ trợ, tư vấn của bộ phận một cửa” - ông Giang nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tạo đột phá cải cách hành chính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO