(QNO) - Chiều 3/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính - Trưởng ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ 3 của Ban Chỉ đạo.
Phiên họp được kết nối trực tuyến đến điểm cầu 63 tỉnh thành. Tại điểm cầu Quảng Nam, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu tham dự.
Năm 2022, dưới sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, công tác CCHC đạt nhiều kết quả tích cực. Từ ngày 1/1 đến 31/12/2022, các bộ ngành, địa phương đã rà soát, ban hành 2.358 quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ thuộc phạm vi quản lý. Cắt giảm 1.041 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.
Đến nay đã có 53/63 địa phương thực hiện thống nhất 2 hệ thống cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối chính thức đối với 12 bộ ngành, 1 doanh nghiệp nhà nước (EVN), 3 doanh nghiệp viễn thông và 31 địa phương. Theo thống kê, đã cấp hơn 76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử cho công dân và hoàn thành tích hợp, cung cấp 21/25 dịch vụ công thiết yếu.
Công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước tiếp tục đạt kết quả quan trọng. Đến nay 63 tỉnh thành giảm được 2.159 tổ chức phòng và tương đương; giảm 7.469 đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2016. Cả nước giảm 79.057 biên chế (chiếm 29,96% so với số biên chế công chức, viên chức giảm giai đoạn 2016 - 2021); trong đó, các bộ ngành 5.510 người và địa phương 73.547 người.
Năm 2022, tỷ lệ dịch vụ công có đủ điều kiện được đưa lên cung cấp trực tuyến mức độ 4 đạt 100%, tăng 4% so với năm 2021. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được xử lý trực tuyến trên tổng số hồ sơ TTHC đạt 52,8%, tăng 17,5% so với năm 2021.
Tại Quảng Nam, UBND tỉnh đã phê duyệt danh mục 126 TTHC cắt giảm ít nhất 10% thời gian giải quyết so với quy định; phê duyệt 9 TTHC thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả phi địa giới hành chính; phê duyệt thực hiện trả kết quả ngay trong ngày đối với 36 TTHC cấp tỉnh; 66 TTHC cấp huyện và 94 TTHC cấp xã. Công tác chuyển đổi số được chú trọng, hệ thống mạng nội bộ, kết nối internet được triển khai tại 100% sở ngành, đơn vị hành chính cấp huyện và xã.
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính biểu dương, đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng và kết quả đạt được của các bộ ngành, địa phương; sự chỉ đạo quyết liệt của các thành viên Ban Chỉ đạo trong công tác CCHC, đóng góp quan trọng vào thành công chung của cả nước.
Năm 2023 được xác định là năm dữ liệu số, vì vậy các bộ ngành, đơn vị, địa phương phải tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu cho đơn vị mình. Quá trình thực hiện CCHC phải bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết. Các nhiệm vụ phải được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, quyết liệt, thường xuyên, liên tục, hiệu quả; làm việc nào dứt điểm việc đó; tăng cường kết nối, phối hợp chặt chẽ, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để phát triển.
Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương chủ động, tích cực thực hiện CCHC trên tất cả mặt. Tập trung đẩy mạnh CCHC gắn với đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo đột phá trong công tác CCHC.
“Tiếp tục đổi mới cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, nêu cao vai trò của người đứng đầu. Xây dựng, sắp xếp bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; thực hiện tinh giản biên chế gắn với sắp xếp tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…” - Thủ tướng nhấn mạnh.