Tây Giang - điểm sáng về sắp xếp dân cư miền núi

HOÀNG ĐẠO – HỒ QUÂN – NGUYỄN QUỲNH 02/10/2021 21:24

(QNO) – Với đặc thù miền núi cao, cư dân sống phân tán, Tây Giang đã chọn 5 bước đi là giao thông - mặt bằng - trường, trạm - ruộng, rừng - du lịch, dịch vụ làm chiến lược phát triển dài hơi. Và với tư duy, tầm nhìn xa của các thế hệ lãnh đạo, quyết sách xác định giao thông - mặt bằng dân cư là nhiệm vụ ưu tiên trước hết đang tạo nên bước ngoặc đổi thay cho huyện biên giới này.

 
 

Với Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia, chuyện tìm kiếm phương kế ổn định cho đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang là câu chuyện dài, đau đáu trong rất nhiều lãnh đạo huyện, từ trước đến nay.

Năm 2003, huyện Tây Giang được tách ra từ huyện Hiên cũ, những ngày đầu mới ra ở riêng còn muôn vàn khó khăn, người dân thường nói Tây Giang là huyện “5 không” là không đường, không điện, không trường, không trạm và không nhà làm việc. Do đặc thù địa hình đồi núi cao, sông suối nhiều, người dân ở phân tán trên rừng, đồi núi, triền sông… nên tình trạng lũ ống, lũ quét, sạt lở, uy hiếp tính mạng, tài sản của nhân dân luôn là nỗi lo hiện hữu.

Tây Giang ngày hôm nay. Ảnh: Đ.Q.Q
Tây Giang ngày hôm nay. Ảnh: Đ.Q.Q

“Phải xóa bỏ tập quán du canh, du cư để người dân có nơi ở ổn định, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra, tập trung phát triển kinh tế hộ gia đình, Ban Chấp hành Đảng bộ Tây Giang lâm thời lúc đó quyết tâm tìm hướng đi mới trong việc sắp xếp bố trí dân cư phù hợp với địa hình núi cao và truyền thống văn hóa làng của đồng bào Cơ Tu, vì vậy Đảng bộ đã cho ra đời một nghị quyết riêng về vấn đề này” – ông Mia kể lại.

 
Bằng cách dân vận khéo nên nhân dân đồng tình với chủ trương tái định cư. Ảnh: Đ.Q.Q

Cuối năm 2004, cả hệ thống chính trị của Tây Giang bắt tay vào việc. Tuy nhiên, do nguồn lực hạn chế cộng với kinh nghiệm chưa có, chưa nơi nào làm để học tập. Vậy mà quyết là làm, từ năm 2004 đến 2006, Tây Giang chọn thôn A Rêếc (xã A Vương), Pơr’ Ning (xã Lăng) để làm thí điểm. Tranh thủ sự ủng hộ của già làng, người có uy tín, kiên trì vận động từng gia đình và tìm nguồn vốn trong điều kiện khá hạn hẹp lúc đó, Tây Giang dành mọi ưu tiên để tập trung hoàn thiện 39 lô đất cho thôn A Rêếc và 59 lô đất cho thôn Pơr’ Ning, với 605 khẩu về định cư.

“Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời sau đó đã đánh giá rút kinh nghiệm ngay và Đại hội Đảng bộ khóa 15 đã quyết định ra nghị quyết riêng nhằm tập trung sức mạnh, quyết tâm mỗi năm xây dựng 3 đến 4 điểm tái định cư” – ông Bhling Mia nói.

Các khu tái định cư ở Tây Giang. Ảnh: Đ.Q.Q
Các khu tái định cư ở Tây Giang. Ảnh: Đ.Q.Q

Để nhân dân yên tâm về ở, Tây Giang khảo sát, lập quy hoạch sau khi xin ý kiến của các già làng, người có kinh nghiệm trong thôn, chọn những đồi núi có độ dốc ít, hình bát úp, không sạt lở, không xảy ra lũ quét, tránh được thiên tai và gần nguồn nước sinh hoạt. Nơi ở mới đồng thời phải có quỹ đất để dựng nhà sinh hoạt cộng đồng gươl và các thiết chế văn hóa như phòng học mầm non, sân thể thao; gần khu sản xuất. Chăn nuôi được quy hoạch tập trung, từng bước chấm dứt tình trạng thả rông gia súc trong khu dân cư, tránh dịch bệnh. Ưu tiên đầu tư những thôn, xã làm tốt công tác tuyên truyền vận động. Khi người dân đồng thuận hưởng ứng sẽ tạo được sự lan tỏa, kéo theo các thôn khác.

 

Trưởng thôn K’Kêêng (xã Dang) - Bling Niên kể, trước đây người dân có thói quen sống biệt lập giữa rừng. Họ dựng nhà sàn dọc theo triền đồi núi gần con suối Kang. Ngôi nhà luôn một kiểu quen thuộc là phía dưới làm nơi nuôi nhốt trâu bò, gia cầm, phía trên dành sinh hoạt. Do nằm ở nơi xa xôi, đường đi cách trở nên thôn K’Kêêng không có đường bê tông, điện, trường học. Đầu năm 2013, chính quyền đến gặp người dân bàn phương án chuyển về nơi ở mới cách 8km. Một cuộc họp diễn ra, lãnh đạo huyện, xã nói rằng đã tìm được nơi có mặt bằng 4ha, mỗi hộ dân chuyển đến được chính quyền hỗ 30 triệu đồng đối với mỗi nhà dời đi.

Làng K’Kêêng sau tái định cư. Ảnh: Đ.Q.Q
Làng K’Kêêng sau tái định cư. Ảnh: Đ.Q.Q

“Trong thôn nhiều người không đồng tình, họ phản đối cách làm này. Người dân đưa ra lý do đã ở đây nhiều năm nay, cuộc sống ổn định nên không đi đâu hết. Cuộc họp đầu tiên chưa tìm được tiếng nói chung nên phương án dời làng tạm dừng. Chính quyền tiếp tục họp dân và giải thích cụ thể việc về làng mới gần trung tâm xã, con em đến trường học gần; nhà nước làm đường, kéo điện, nước sinh hoạt… Nghe êm tai, người dân mới chấp thuận về làng mới” – Bling Niên nói.

Đường đến trường của những đứa trẻ Tây Giang gần hơn khi đường, trường, trạm y tế được quy hoạch gần các khu dân cư. Ảnh: Đ.Q.Q
Đường đến trường của những đứa trẻ Tây Giang gần hơn khi đường, trường, trạm y tế được quy hoạch gần các khu dân cư. Ảnh: Đ.Q.Q

Tháng 4.2013, chính quyền dùng xe cơ giới san ủi một ngọn đồi kiểu bát úp, hướng dẫn người dân bố trí phía ngoài cùng trồng hàng tre xanh mướt chống sạt lở, tiếp đến nhà cửa dựng san sát theo vòng tròn. Về làng mới, người dân K’Kêêng có điện, đường và trường học, trạm y tế chỉ cách 500m.

“Làng mới gần trung tâm xã, có đường giao thông nên thuận tiện hơn nhiều so với làng cũ. Người ốm đau không còn phải khiêng cõng băng rừng đi cấp cứu, chỉ việc lên xe máy chở đi bệnh viện. Nếu ở làng cũ mà gặp trận mưa lũ như hồi tháng 9.2020 thì cuốn trôi hết” - già làng thôn K’Kêêng, ông Blinh Sóc bày tỏ.

 

Song song với hình thành mặt bằng là đầu tư tập trung đầu tư hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng gươl và các mô hình phát triển sản xuất, cải tạo đồng ruộng, khu chăn nuôi… nhằm vừa ổn định nơi ở gắn với ổn định cuộc sống, từng bước phát triển.

“Mô hình này bước đầu phát huy tác dụng tích cực, người dân có cuộc sống ổn định, chấm dứt cuộc sống du canh du cư, nỗi lo thiên tai, sạt lở không còn, có điều kiện hưởng thụ các dịch vụ thiết yếu nhiều hơn. Nhà nước thuận lợi trong công tác quản lý xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh vì nhân dân ở tập trung, không còn rãi rác giữa núi rừng dễ bị kẻ xấu lợi dụng” – Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia nhấn mạnh.

Nhờ sắp xếp dân cư, kinh tế - xã hội của Tây Giang ổn định, phát triển:

 

Những ngày này, ngôi làng Ga’nil sát biên giới Việt – Lào chộn rộn, đông vui như công trường với hàng chục ngôi nhà đang xây dựng, hoàn thiện. Gác lại nỗi kinh hoàng sạt vụ sạt lở tháng 9.2020, ông Alăng Nhâu đang cùng nhóm thợ khẩn trương dựng lại nhà mới trước khi mùa mưa bão đến. Được nhà nước hỗ trợ 40 triệu đồng, ông Nhâu đầu tư thêm một khoảng đáng kể nữa để căn nhà được khang trang, vững chãi.

“Ngọn đồi sạt xuống lúc 12 giờ đêm vùi hết nhà trên, may mắn là cả nhà không sao. Mất nhà, tôi phải dựng tạm dựng lều bạt ở cả năm rồi. Nay được chính quyền hỗ trợ nên có cơ hội làm nhà mới. Mình mừng lắm vì không lo thiên tai nữa” – ông Alăng Nhâu quyết tâm.

Người dân Ga’nil xây dựng nhà cửa kiên cố khi có mặt bằng ổn định.
Người dân Ga’nil xây dựng nhà cửa kiên cố khi có mặt bằng ổn định.

Tương tự, ông Ta Ngôn Nhưng cũng có niềm tin là làng Ga’nil nay là nơi định cư cho cả đời con cháu ông. “Năm ngoái ngọn đồi trước cao và sát khu dân cư quá nên nó sạt chứ nay huyện đã cho ủi rồi và làm thêm kè có 3 mái chống sạt lở nữa nên chúng tôi yên tâm mà ở và làm ăn lâu dài” – ông Nhưng cho biết.

Theo UBND xã A Xan, từ năm 2017 đến nay, ngân sách xã đã dành gần 5,5 tỷ đồng để di dời cho 100 hộ dân, trong đó có 60 hộ đã ổn định nhà cửa ở 4 thôn Ariing, Ga’nil, Ki’nonh, T’râm. Ngoài tác dụng phòng chống thiên tai thì hiệu quả rõ nhất là bộ mặt các thôn, làng trở nên khang trang, đường bê tông, điện, nước sinh hoạt đầy đủ, các điều kiện sinh hoạt của người dân ổn định hơn.

Một góc trung tâm xã biên giới A Xan. Ảnh: Đ.Q.Q
Một góc trung tâm xã biên giới A Xan. Ảnh: Đ.Q.Q

“Như thôn Ariing giờ như một khu dân cư hiện đại giữa núi rừng vậy nhưng vẫn giữ các nét riêng về văn hóa Cơ Tu. Chúng tôi phấn đấu đến năm 2025 sẽ đầu tư khoảng 2 tỷ đồng nữa để tái định cư cho 158 hộ” – Chủ tịch UBND xã A Xan Ta Ngôn Thiếu nói.

 

“Cơ bản đã giải quyết sắp xếp, ổn định dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới cho 1.394 hộ; có 10/10 xã được thụ hưởng chính sách và thứ tự ưu tiên về đối tượng đã được thực hiện chính xác, công khai, Nhân dân đồng tình ủng hộ chủ trương. Giúp chúng tôi hạn chế tới thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, từng bước  giảm nghèo, bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng...” – Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Lê Hoàng Linh cho biết.

Năm 2020, Tây Giang chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ. Hơn 1,4 nghìn ha đất nông, lâm nghiệp, 623 con gia súc và hơn 12 nghìn con gia cầm vùi lấp, cuốn trôi, mưa lũ phá hủy nhiều cầu cống, giao thông, thủy lợi nước sinh hoạt của người dân. Tổng thiệt hại hơn 372 tỷ đồng… Tuy nhiên, do làm tốt quy hoạch sắp xếp, bố trí dân cư nên không có thiệt hại về người.

Với thành quả này, Tây Giang đã được Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh tặng Bằng khen về công tác phòng chống lụt bão năm 2020.

 

Tuy nhiên, Tây Giang vẫn còn nhiều việc cần phải làm để chủ trương đúng đắn này phát huy hiệu quả tốt hơn. Hàng loạt vấn đề trong thực tiễn đặt ra đòi hỏi hệ thống chính trị của địa phương này phải tìm giải pháp. Đó là địa hình núi cao, độ dốc lớn, việc chọn địa điểm để san ủi mặt bằng đảm bảo đủ diện tích sử dụng rất khó khăn, đòi hỏi kinh phí ban đầu lớn; một bộ phận người dân chưa thực hiện tốt chủ trương không đòi đền bù phải tuyên truyền, thuyết phục, vận động nhiều lần; một số hạng mục như nhà cửa, ruộng lúa, ao cá của người dân bị thiệt hại phải kiểm kê đền bù nhưng ngân sách huyện không đáp ứng nên gây chậm trễ trong quá trình thực hiện. Cạnh đó, cơ chế, chính sách của Trung ương, của tỉnh trong việc san ủi, bố trí dân cư tập trung chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc lồng ghép các nguồn vốn để tổ chức thực hiện…

Nhờ sắp xếp dân cư nên đường giao thông, trường học, trạm y tế cũng được kiên cố và người dân được thu hưởng. Ảnh: Đ.Q.Q
Nhờ sắp xếp dân cư người dân an cư lạc nghiệp và trẻ em có nơi vui chơi an toàn. Ảnh: Đ.Q.Q

Mặt khác các khu dân cư đã hình thành nhưng bên trong vẫn còn nhiều khó khăn, do nguồn kinh phí đầu tư còn hạn hẹp nên một số điểm dân cư chưa có đường bê tông đi lại, thiếu nước sinh hoạt, điện chiếu sáng, một số dịch vụ cần thiết như mạng điện thoại, internet.

Để những khu dân cư này ổn định, góp phần tích cực trong công tác đảm bảo quốc phòng - an ninh vùng biên giới, ngoài nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà thì cần có sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ hơn nữa của các cấp, nhất là việc tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình phát triển theo Nghị quyết số 05-NQ/TU của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 12/NQ-HĐND của HĐND tỉnh.

 
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tây Giang - điểm sáng về sắp xếp dân cư miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO