Biên giới - Hải đảo

“Thần y” của đồng bào vùng biên

ALĂNG NGƯỚC 21/06/2024 11:05

Rạng sáng một ngày đầu năm 2024, sương núi dày đặc, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quốc Trí - Phó Bí thư Chi bộ Phòng khám Đa khoa quân dân y A Xan (Tây Giang) bị đánh thức bởi cuộc điện thoại của người nhà bệnh nhân, thông báo có một sản phụ sắp chuyển dạ ở bìa rừng. Ngay lập tức, anh lên đường làm nhiệm vụ…

91dfae7178abdbf582ba.jpg
Bác sĩ Trí thăm khám bệnh cho người dân biên giới. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hơn 20 năm gắn bó với biên giới, chừng như Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Văn Quốc Trí (SN 1980) đã quá quen với những lần gõ cửa cầu cứu của đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở các huyện miền tây xứ Quảng.

Bất kể thời điểm nào, hễ có người trong làng ốm đau bệnh tật, ngộ độc thức ăn, thậm chí là sắp chuyển dạ sinh con…, bác sĩ Trí luôn được người dân tin tưởng cậy nhờ. Bằng trách nhiệm của người lính quân y, anh cứu sống hàng chục sinh mạng, làm “bà đỡ” của rất nhiều sản phụ ở biên giới Việt - Lào.

"Bác sĩ Trí ơi, cứu vợ con em"

Đó là lần thứ… “n” bác sĩ Trí nhận cuộc gọi cầu cứu của người thân sản phụ, sau hơn 20 năm hành nghề và đặt chân lên biên giới. Lần này là ở một xã biên giới Ga Ry (Tây Giang) trong một đêm rạng sáng đầu năm 2024.

Chồng của sản phụ Bríu Thị Poi (SN 1995, người Cơ Tu ở thôn Arooi, xã Ga Ry) cho hay, vợ mình đang trên đường đi sinh thì vỡ ối, lên cơn đau bụng dữ dội, không thể tiếp tục ngồi xe máy để di chuyển đến phòng khám, ngay ở bìa rừng.

977a0162.jpg
Thiếu tá, bác sĩ quân y Nguyễn Văn Quốc Trí. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Cuộc gọi vừa tắt, bác sĩ Trí chỉ kịp với lấy túi thuốc chuyên dụng, rồi cùng đồng nghiệp lên đường cứu mẹ con sản phụ. Trong đêm tối mù sương, anh em phải mò mẫm để tìm lối đi an toàn.

Khi xe máy được điều khiển đến địa phận thôn Ganil (xã A Xan), cách trung tâm xã chừng 5km, nhận ra bác sĩ Trí, người nhà sản phụ lóe lên niềm hy vọng rồi sau đó vỡ òa hạnh phúc.

“Lúc này, sản phụ đau đớn ngồi bên vệ đường, nắm chặt tay người chồng nhìn chúng tôi như cầu mong sự giúp đỡ. Tôi bình tĩnh bảo người nhà và cán bộ Đồn Biên phòng A Xan đi cùng, tìm củi đốt lửa, rồi dùng đèn chiếu sáng để hỗ trợ giúp sản phụ “vượt cạn”.

Sau những nỗ lực của anh em, một bé gái được chào đời khỏe mạnh, tiếng khóc của đứa trẻ sơ sinh vang cả cánh rừng già giữa buổi bình minh rét buốt. Sau khi được cắt rốn, cả mẹ con sản phụ được chuyển về phòng khám, tiếp tục chăm sóc, theo dõi sức khỏe” - bác sĩ Trí kể lại.

977a0184.jpg
Bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí nhận giấy khen biểu dương điển hình tiên tiến của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Câu chuyện làm “bà đỡ” của bác sĩ Trí kéo dài và trong veo như mạch nguồn thác nước. Cũng một ngày mùa đông năm 2021, sản phụ Bríu Thị Trang (SN 2000, trú tại thôn Ariing, xã A Xan) được người nhà chở đến Phòng khám Đa khoa quân dân y A Xan trong tình trạng sắp chuyển dạ nhưng khó sinh. Thai con so, thể trạng sản phụ lại yếu do bị bệnh tim bẩm sinh và đến phòng khám muộn.

“Qua thăm khám và siêu âm, chúng tôi nhận thấy việc chuyển sản phụ lên tuyến trên là điều không thể. Bởi đường sá khó khăn, từ xã A Xan xuống Trung tâm Y tế huyện gần 50 cây số, phương tiện vận chuyển lại không có, nếu chuyển tuyến, hai mẹ con sản phụ có thể tử vong trước khi đến được bệnh viện.

Sau khi hội ý, chúng tôi quyết định cho sinh tại phòng khám và nhờ sự hỗ trợ chuyên môn qua điện thoại, thông qua cuộc gọi video của tuyến trên. Gần một giờ đồng hồ, bằng sự hỗ trợ tích cực của đội ngũ y bác sĩ của phòng khám, cuối cùng sản phụ hạ sinh được bé gái nặng 2,1kg khỏe mạnh, tính mạng người mẹ được bảo đảm, tất cả chúng tôi đều vỡ òa hạnh phúc” - bác sĩ Trí chia sẻ.

Gắn bó với đồng bào biên giới, bác sĩ Trí chừng như đã quen với những cuộc điện thoại khẩn cấp. Có lúc đêm hôm khuya khoắt, điện thoại dồn dập đổ chuông, từ đầu dây bên kia giọng những người đàn ông run rẩy: “Bác sĩ Trí ơi, cứu vợ con em với!”. Những lần như thế, anh lại hối hả ngược núi, cứu người…

Ân nhân của dân làng

Thoát khỏi lưỡi hái tử thần sau đợt ngộ độc nấm vào cuối năm 2023, ông Ta Ngôn Lăng (SN 1947, ở thôn Glao, xã Ga Ry) nói, chính bác sĩ Trí đã cứu sống ông cùng 2 người thân khác trong gia đình, là Ta Ngôn Thị Nhưu (SN 1986) và Ríah Thị Sênh (SN 1990).

92260.jpg
Bác sĩ Trí đỡ đẻ cho sản phụ Bríu Thị Poi ngay bìa rừng. Ảnh: Đ.N

“Già không thể nào quên vào buổi tối hôm đó, ngày 15/12/2023, sau bữa cơm tối của gia đình, cả già và 2 người con đều nôn ói, rồi co giật. Sau đó, được bà con điện báo xuống lực lượng quân y biên phòng, bác sĩ Trí đã cứu sống cả nhà” - ông Lăng tâm sự.

Ở Tây Giang, danh sách người bệnh được bác sĩ Trí thăm khám, điều trị khoảng 4.000 người; trong đó có hơn 100 người được cứu sống sau các vụ ngộ độc nấm, lá ngón, thực phẩm; thậm chí là bị ong đốt, rắn độc cắn…

Vào cuối tháng 8/2021, bác sĩ Trí phải bỏ dở bữa cơm trưa khi người nhà bệnh nhân Alăng Thị Ái (SN 1966, ở thôn Ariing, A Xan) tìm đến, nhờ cứu chữa do bị ngộ độc lá ngón. Sau nỗ lực cấp cứu, loại bỏ chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách súc rửa dạ dày, truyền dịch, uống than hoạt tính…, cuối cùng người bệnh đã được cứu sống.

Trong ký ức của bác sĩ Trí, những cuộc tuyên chiến với ngộ độc lá ngón và cả giành giật sự sống của bệnh nhân từ tay “con ma rừng” trở thành kỷ niệm khó quên suốt hành trình hơn 20 năm hành nghề y ở biên giới.

Miệt mài vận động, tuyên truyền, vài năm trở lại đây, anh góp công “chặn đứng” những hủ tục trong cộng đồng, giúp nâng cao hiểu biết về tác hại của mê tín, dị đoan và xóa dần câu chuyện về những “con ma rừng”.

image007 (1)
Bác sĩ Trí (ở giữa) giao lưu trong chương trình “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức. Ảnh: NVCC

Gắn cả tuổi thanh xuân với núi rừng, bác sĩ Trí rất hiểu chuyện người dân ở biên giới, đặc biệt là khu vực giáp ranh với các cụm bản của nước bạn Lào. Anh nói, ngày trước, mỗi khi đau ốm, người dân thường tin vào chuyện thầy cúng, bùa ngải hơn là chuyện đi… trạm xá, gặp bác sĩ.

“Vì thế, nhà có người bệnh nhất định phải mổ trâu, mổ bò rồi mời thầy cúng đến trừ tà, giải hạn. Nhưng, sau các lần cúng, bệnh tình không những không thuyên giảm mà còn nặng hơn, thậm chí có nhiều trường hợp tử vong xảy ra một cách thương tâm. Thấy được tác hại của việc tin lời thầy cúng, về sau, mỗi khi đau ốm, người dân lại tìm đến trạm xá để thăm khám nên rất mừng” - bác sĩ Trí nói.

Năm 2021, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí trở thành một trong 10 điển hình được Báo Thanh Niên chọn tuyên dương “Gương sáng biên cương”.

Năm 2022, nhận bằng khen của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trong thực hiện nhiệm vụ tham gia phòng chống dịch COVID-19. Ngày 12/6 mới đây, anh góp mặt tại chương trình giao lưu “Ngời sáng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ” do Bộ Quốc phòng tổ chức.

Đặt tên con là... Hạnh Phúc

Một ngày cuối tháng 11/2022, sản phụ người Lào (ở bản Keo, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông) chuyển dạ đã lâu nhưng không thể sinh con. Sau nhiều ngày chờ đợi, người nhà dùng võng khiêng sản phụ vượt núi sang xã giáp biên A Xan nhờ cứu giúp.

Lúc này, sản phụ sức khỏe đã yếu, bác sĩ Trí nhanh chóng tiêm trợ sức, động viên, hướng dẫn sản phụ. Không lâu sau, một bé gái người Lào được chào đời trên đất Việt Nam. Trước khi ra về, người cha nhờ bác sĩ Trí đặt tên cho con mình.

Sau phút suy nghĩ, bác sĩ Trí nói: “Mỗi đứa trẻ sinh ra đều là hạnh phúc của người cha, người mẹ. Nếu gia đình đã nhờ, tôi mạn phép đặt tên cháu là Hạnh Phúc”.

Giữa năm 2021, bác sĩ Nguyễn Văn Quốc Trí giúp sản phụ người Cơ Tu ở thôn Agríh (xã A Xan) “vượt cạn” thành công vào lúc 2 giờ sáng. Cảm mến người lính quân y biên phòng hết lòng vì dân bản, đôi vợ chồng trẻ đã quyết định lấy tên của ân nhân đặt tên con mình: Briu Quốc Trí.

Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “Lan tỏa năng lượng tích cực vì khát vọng Quảng Nam”

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
“Thần y” của đồng bào vùng biên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO