(VHQN) - Dáng hình tháng Ba trong tôi là những người bạn quê nhà đã về với đường chiều mây trắng...
1. Mấy năm nay, không dự đám giỗ một người bạn cũ, dù vẫn không quên. Nhớ nét hiền của Hoàng Tư Thiện cùng những suy nghiệm của anh về nghĩa - đời, trong tình yêu sâu xa đối với quê nhà, trong bài thơ “Thành phố tháng Ba” từ gần 50 năm trước....
Và 15 năm trước, Đặng Ngọc Khoa cùng bạn hữu đã tổ chức buổi tưởng niệm nhà thơ đất Quảng Hoàng Tư Thiện. Trước đó, tập thơ “Trăng khuyết” gồm những bài thơ máu thịt của anh cũng được in. Hơn một năm sau, chính Khoa cũng ra đi! Nhưng điều anh để lại cho đời này, cho những người cần lao, là vô giá!
Và những người thân đã làm những gì phải làm cho Thiện, cho Khoa? Để hướng về người đã khuất bóng. Đó cũng chính là sự tồn tại của con người: khi biết sống nhân hậu, cuộc sống chỉ là sự “mất đi” của thân xác hữu hạn. Những gì con người đã hiến tặng cho cuộc đời sẽ hòa nhập vào dòng sống miên viễn, dẫu đấy chỉ là một “Cái bóng”, như Thiện đã từng suy nghiệm: “Chập chờn/ cái bóng/ Tắt đèn/ mất bóng/ Tôi tìm/ thấy tôi”.
Và dẫu cho có lúc lãng quên hoặc đánh mất một mùi hương giữa bụi bặm phố phường, ánh dương bất tuyệt vẫn rọi sáng những đời người. Cho nên, lịch sử, chính là mồ hôi và máu của biết bao người. Lịch sử là dòng sông với tất cả cảnh vật im lìm hiện ra ở hai bên bờ, với vô số những chấm người vô danh, mờ ảo… Và, thời gian còn là những tiếng động im lìm, bên dưới những hồi trống chiêng rực rỡ…
2. Tôi lại nhớ một người bạn khác, là Nguyễn Trung Bình. Khoảng năm 1995, những ngày đầu khi vào đất phương Nam, Bình đưa bản thảo tập thơ, muốn in mà… chưa biết làm sao! Thơ hay, nên tôi mới “dại dột” mà chạy mượn tiền, giúp Bình xuất bản. Tôi gửi bài thơ dài, khoảng chừng 150 câu (cũng là nhan đề tập thơ - Bài của trẻ dáng nâu) đến Trần Nhật Thu, nhờ trích in một đoạn.
Ai dè, Trần Nhật Thu in trọn bài, chiếm gần hết đất thơ của tuần báo Văn Nghệ TP. Hồ Chí Minh. Một vài bàn cà phê cóc ngạc nhiên: Bài thơ hay thiệt! Mà sao tên tác giả lạ hoắc vậy? Thế đấy, Nguyễn Trung Bình “trình làng” tại Sài Gòn như vậy đó!
Rồi thì Bình cũng đã ra đi, sau Đặng Ngọc Khoa đâu chừng nửa tháng. Ra đi, là trở về, như chính Bình tiên cảm: dáng nâu đã thành ký ức/ ký ức như cái dằm ăn vô da thịt/ ký ức dáng nâu/ cuộc đi của đứa trẻ đã về/ tay trắng/ dáng nâu.
Những năm tháng ấy, đời sống còn lắm khó khăn; nhưng tình bằng hữu thì không hề vơi cạn. Hay nói ngược lại, thì có lẽ đúng hơn. Như tấm lòng Hoàng Minh Nhân đối với bạn: Làm sao có được mươi đồng bạc/ tặng bạn chiều nay trái cốc xanh/ đưa tay anh hái trời xanh vậy/ trái cốc lòng anh mãi để dành.
Hoàng Minh Nhân và tôi lần đầu gặp mặt, khoảng tháng 10/1975, khi anh cùng anh Nguyễn Chí Trung ra Huế đặng “gom” người Quảng… đi lạc trong chiến tranh về lại quê nhà. Hoàng Minh Nhân, với quyển sách “Gói nhân tình nặng trĩu” (về nhà thơ Thu Bồn), mà anh mang tặng, trong một lần tôi về Đà Nẵng…
3. Quê hương đang bước ra khỏi những nếp nghĩ cũ để bứt lên trong niềm hy vọng của kỷ nguyên mới. Như những cây cầu bắc qua sông rộng ngày xưa - biểu trưng cho sự nối kết từ bàn tay đến những bàn tay. Nhưng cuộc sống luôn đòi hỏi vươn tới những cây cầu vô hình khác. Cuộc sống vẫn không hề dừng lại. Nhưng không phải tất cả sẽ mất đi. Bởi vì, trong lãng quên, luôn luôn còn có nỗi nhớ.
Nỗi nhớ tồn tại mọi nơi. Như những nụ cười vắng xa. Như những ánh lấp lánh lặng thầm mang tên tinh thể của lịch sử. Như những dấu vết còn ghi lại trên đất này, sau khi vượt qua bao đau khổ. Như những câu thơ Đặng Ngọc Khoa, đớn đau mà vẫn đầy niềm tin trước cuộc đời: Sẽ có một ngày như thế tim tôi/ Trước cái chết lẽ nào sợ hãi/ Ngực con tôi trái tim trao lại/ Không trái tim ai ngừng đập trên đời.
Dung mạo những người bạn lần lượt trở về, trong tưởng nhớ. Có thoảng cười. Có niềm im lặng. Có cả dáng phôi phai. Tất cả, chỉ là thoáng qua. Mơ hồ, mà sao như có thực!
Phía sau tất cả, bằng hữu của các anh còn lại ở đây, như nụ cười yên tĩnh. Và, phía sau những môi cười, là tiếng thời gian, như nhớ như mong, như không hề phai nhạt…