Huyện Thăng Bình ưu tiên nhiều nguồn lực hỗ trợ phát triển mạnh sản phẩm OCOP, giúp các chủ thể nâng cao thu nhập và góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.
Nâng cao hiệu quả sản xuất
Những ngày qua, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Bình Đào tập trung đẩy nhanh tiến độ sản xuất, chế biến để có sản lượng lớn dầu mè đen nguyên chất và nếp Hương Lân Trường Giang ra thị trường phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng dịp Tết Nhâm Dần.
Ông Võ Tấn Sanh - Giám đốc HTX cho hay, nhờ chủ động liên kết với nông dân địa phương quy hoạch hình thành vùng sản xuất quy mô lớn nên nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến sản phẩm của HTX khá ổn định.
Đặc biệt, nhờ chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, lắp đặt trang thiết bị máy móc hiện đại và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quá trình sản xuất nên chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao.
HTX còn tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thiết lập bao bì mẫu mã, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Với nhiều nỗ lực, cách đây 2 năm, nếp Hương Lân Trường Giang và dầu mè đen nguyên chất của đơn vị được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh.
“Ước tính, năm 2021 đơn vị cung ứng ra thị trường 1.000 lít dầu mè với giá bán 380 nghìn đồng/lít và 60 tạ nếp thương phẩm với giá bán 35 nghìn đồng/kg, đạt tổng doanh thu khoảng 590 triệu đồng. Năm 2022, HTX sẽ tiếp tục triển khai nhiều phần việc với quyết tâm nâng chuẩn OCOP cho 2 sản phẩm này từ 3 sao lên 4 sao” - ông Sanh nói.
Ông Lê Huy Trắc - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Thăng Bình cho biết, từ năm 2018 - 2020 trên địa bàn huyện có 14 chủ thể (gồm 3 HTX, 2 doanh nghiệp tư nhân, 9 hộ cá thể) tham gia Chương trình OCOP. Tổng số lao động tham gia sản xuất tại các chủ thể vừa nêu là 40 người, thu nhập bình quân khoảng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng.
Theo ông Trắc, giai đoạn đó, tổng nguồn kinh phí địa phương được cấp trên phân bổ để thực hiện chương trình là hơn 2,6 tỷ đồng. Trong đó, chủ yếu ưu tiên hỗ trợ các chủ thể mua sắm trang thiết bị máy móc phục vụ sản xuất, đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tem truy xuất nguồn gốc, cải tiến bao bì mẫu mã, kiểm định chất lượng sản phẩm...
Tính đến cuối năm 2020, toàn huyện có 17 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh, trong đó có 2 sản phẩm 4 sao và 15 sản phẩm 3 sao. Năm 2021, Thăng Bình có thêm 7 sản phẩm tham gia chương trình. Vừa qua, hội đồng đánh giá cấp huyện bình xét tất cả đều đạt yêu cầu và các chủ thể đã gửi hồ sơ về tỉnh để thẩm định, xếp hạng sao.
Phát triển mạnh sản phẩm chủ lực
Theo đánh giá của UBND huyện Thăng Bình, những năm qua hầu hết chủ thể OCOP ở địa phương tập trung nâng cao chất lượng nên các sản phẩm được xếp hạng đạt chuẩn từ 3 sao trở lên đều có chỗ đứng trên thị trường.
Doanh thu của chủ thể tăng từ 5 - 10% so với trước khi tham gia chương trình, góp phần nâng cao đời sống của chủ thể cũng như giải quyết việc làm tại chỗ cho nhiều lao động nông thôn.
Theo kế hoạch đặt ra, từ nay đến năm 2025 Thăng Bình sẽ huy động gần 9 tỷ đồng thực hiện Chương trình OCOP, trong đó hỗ trợ trực tiếp cho các chủ thể khoảng 7 tỷ đồng.
Thời gian tới, huyện sẽ quan tâm hỗ trợ củng cố, nâng hạng sao những sản phẩm OCOP đã có như yến sào của Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng, tinh bột nghệ Tabitha, dầu tràm Linh Vũ, tinh dầu sả Hoàng Kim, nước mắm Cửa Khe, gạo “cái quạt mo” của HTX Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình...
Đồng thời phát triển mới nhiều sản phẩm theo hướng tập trung vào các sản phẩm chế biến, chế biến sâu và những sản phẩm liên kết theo chuỗi giá trị chủ lực của huyện gắn với quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu.
Phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn huyện có ít nhất 50 sản phẩm đạt hạng OCOP 3 sao trở lên, trong đó có 30 sản phẩm 3 sao, 16 sản phẩm 4 sao, 4 sản phẩm 5 sao (tham gia xuất khẩu).
Được biết, thời gian qua huyện Thăng Bình hỗ trợ 200 triệu đồng xây dựng 2 điểm bán hàng OCOP tại xã Bình Đào và Bình Phú. Từ nay đến năm 2025, huyện tiếp tục hỗ trợ xây dựng thêm từ 2 - 5 điểm bán hàng OCOP tại các địa điểm trung tâm có phương tiện giao thông công cộng và các điểm có tiềm năng về phát triển du lịch...