Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) ở huyện Thăng Bình thời gian qua đạt được nhiều kết quả và địa phương đang nỗ lực đưa sản phẩm lên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Nâng cao chất lượng
Thành lập Cơ sở sản xuất bún khô Thành Mỹ từ năm 2008, những năm gần đây anh Huỳnh Văn Mỹ (ở tổ 2, thôn Tú Trà, xã Bình Chánh) chú trọng đầu tư máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Đến nay, sản phẩm bún khô Thành Mỹ có mặt ở thị trường trong và ngoài tỉnh. Mỗi ngày, cơ sở của anh Mỹ xuất bán 4 - 5 tạ bún khô, thu về hàng trăm triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Đặc biệt, sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020.
Bà Nguyễn Thị Thạnh - Phó Chủ tịch UBND xã Bình Chánh cho hay, ngoài sản phẩm trên, địa phương còn có thêm tinh dầu sả chanh Hoàng Kim ở thôn Ngũ Xã đạt chuẩn 3 sao. Năm 2022, Bình Chánh phấn đấu có thêm 2 sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục đồng hành với các chủ thể OCOP, tiếp tục đưa sản phẩm quảng bá trên sàn giao dịch thương mại điện tử để buôn bán thuận lợi hơn. Đồng thời hỗ trợ một phần kinh phí để các cơ sở có sản phẩm 3 sao mở rộng sản xuất, nâng cao chất lượng để đạt 4 sao” - bà Thạnh nói.
Tại Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng ở xã Bình Đào, phòng sơ chế yến luôn được khử khuẩn hoàn toàn, mọi vật dụng được vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước sử dụng đảm bảo an toàn. Công nhân trước khi bước vào làm việc đều trang bị bảo hộ, rửa tay sát khuẩn.
Tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất và chế biến, sản phẩm yến tinh chế sấy khô của công ty đã được công nhận đạt chuẩn OCOP 4 sao vào năm 2019 và đang tham gia thi nâng hạng lên 5 sao chương trình OCOP của tỉnh.
Để đạt chứng nhận này, công ty luôn tuân thủ quy trình chế biến theo tiêu chuẩn nguyên tắc an toàn thực phẩm - HACCP; ổn định liên kết sản xuất với 30 hộ nuôi yến; xây dựng khu trình diễn nghề nuôi yến kết hợp với du lịch để quảng bá thương hiệu yến sào Đất Quảng.
Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử
Mở rộng thị trường sản phẩm OCOP, ngoài phương thức bán hàng truyền thống, Thăng Bình đang đẩy mạnh đưa sản phẩm địa phương lên sàn giao dịch thương mại điện tử, nhất là trong bối cảnh tác động của dịch Covid-19.
“Khi lên sàn giao dịch thương mại điện tử, từ trang chính thống của Nhà nước, sản phẩm của mình sẽ khẳng định uy tín, được cơ quan chức năng giám sát chất lượng, tiếp cận thị trường thuận tiện hơn” - ông Trần Hữu Long, Giám đốc Công ty TNHH MTV Yến sào Đất Quảng chia sẻ.
Ông Trần Hữu Tịnh - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thanh niên Thăng Bình cho rằng, đưa sản phẩm OCOP lên sàn giao dịch thương mại điên tử là xu thế tất yếu của các doanh nghiệp hiện nay. Khi được người tiêu dùng ở mọi miền Tổ quốc biết đến, những sản phẩm làm ra buộc phải nâng cao chất lượng hơn và cũng sẽ tiêu thụ nhiều hơn.
“Sản phẩm OCOP nếu phát triển thì gắn với chuỗi sản xuất, mà chuỗi sản xuất thì liên kết mở rộng vùng nguyên liệu, liên quan đến giải quyết nguồn lao động, tạo công văn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân ở vùng đó, cũng như tạo ra một giá trị hàng hóa nông sản được nâng cao hơn so với trước đây” - ông Tịnh cho biết thêm.
Ông Đoàn Thanh Khiết - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết, năm 2021 Thăng Bình có 1 sản phẩm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn 3 sao, đó là nước mắm nhỉ cá cơm ở xã Bình Dương và một sản phẩm đạt chuẩn 4 sao là trà cà gai leo Đại Việt ở Bình Định Nam.
Từ năm 2018 đến nay, Thăng Bình có 24 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Theo ngành chức năng của huyện, chương trình OCOP góp phần tăng thêm thu nhập cho chủ thể cũng như người dân thông qua việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
“Để tiếp tục đưa sản phẩm mang tính đặc trưng của Thăng Bình đến với người tiêu dùng mọi miền đất nước, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ cụ thể cho các sản phẩm OCOP, tiền OCOP, đồng thời phối hợp mở một trung tâm OCOP của huyện và các địa điểm bán hàng OCOP trên địa bàn. Qua đó góp phần hỗ trợ các chủ thể, liên kết sản xuất và phát triển đươc thị trường” - ông Khiết nói.