Cơ cấu kinh tế huyện Thăng Bình đang chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
Công nghiệp ngày càng phát triển
Trên địa bàn huyện Thăng Bình có 9 cụm công nghiệp (CCN) được quy hoạch theo quyết định của UBND tỉnh với diện tích đất quy hoạch hơn 156,8ha. Trong đó có 4 CCN đã được thành lập, đi vào hoạt động gồm Hà Lam - Chợ Được, Bình An, Kế Xuyên - Quán Gò và Quý Xuân.
Những ngày này, hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty TNHH Seaside Sofa Cut & Sew (CCN Hà Lam - Chợ Được) rất sôi động. Chị Trịnh Thị Minh Thúy - trợ lý giám đốc công ty cho biết, trong năm 2024, doanh nghiệp đã xuất khẩu hơn 800 nghìn bộ sản phẩm ghế sofa sang thị trường Mỹ. Doanh nghiệp đang giải quyết việc làm cho 360 lao động với thu nhập ổn định.
Công ty đi vào hoạt động từ năm 2020 đến nay, sản xuất kinh doanh ổn định dù cho dịch COVID-19 gây nhiều trở lực. Nhờ tuyển được nguồn lao động có tay nghề cao và đào tạo lại nên quá trình sản xuất ghế sofa đạt chất lượng, đảm bảo các yêu cầu khắt khe của thị trường Mỹ khó tính.
Công ty TNHH Peak Outdoor cũng đang sản xuất kinh doanh thuận lợi ở CCN Hà Lam - Chợ Được. Năm 2024, doanh nghiệp này sản xuất hơn 200 nghìn lều bạt xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu, đem lại doanh thu khá. Doanh nghiệp đang có nguồn lao động ổn định với 370 người.
Ông Zhao Lin - Phó Giám đốc Công ty TNHH Peak Outdoor cho biết, từ khi đi vào hoạt động đến nay, doanh nghiệp nhận được sự quan tâm, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn của chính quyền địa phương. Nguồn lao động của địa phương đáp ứng được các yêu cầu cao trong sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Công ty TNHH Peak Outdoor vừa đầu tư thêm một nhà xưởng để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Công ty cần mua thêm một nhà xưởng và tuyển dụng lao động để đáp ứng đơn hàng xuất khẩu.
Theo ông Lê Quang Hạt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thăng Bình, tổng giá trị ngành công nghiệp - xây dựng năm 2024 đạt 6.421 tỷ đồng (đạt 100,72% so với kế hoạch năm 2024, tăng hơn 10,9% so với năm 2023).
Phần lớn doanh nghiệp sản xuất trong các CCN hoạt động ổn định và ngày càng phát triển, tăng quy mô sản xuất kinh doanh. Sản phẩm công nghiệp chính của huyện Thăng Bình gồm may mặc, khai thác khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông - lâm - thủy sản. Hoạt động công nghiệp giải quyết được hàng nghìn lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao mức sống cho người dân.
Động lực mới
Theo ông Nguyễn Văn Thông - Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất & công nghiệp, dịch vụ Thăng Bình, thời gian gần đây huyện đã thu hút được 4 dự án đầu tư công nghiệp.
Bao gồm nhà máy sản xuất hàng nội thất Hà Lam của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nội thất Hà Lam với tổng mức đầu tư 42 tỷ đồng; nhà máy sản xuất mút xốp của Công ty TNHH Xuất nhập khẩu nội thất Hà Lam với tổng mức đầu tư khoảng 48 tỷ đồng; nhà máy sản xuất đồ nội thất rời của Công ty TNHH TM & KTĐ Thăng Bình với tổng mức đầu tư khoảng 35 tỷ đồng; nhà máy gia công nhôm định hình YNG Hua của Công ty TNHH Asean Quảng Nam với tổng mức đầu tư khoảng 32 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thông cho biết, định hướng phát triển ngành công nghiệp huyện Thăng Bình là chú trọng thu hút đầu tư của doanh nghiệp để phát triển công nghiệp trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương. Phát triển công nghiệp trên cơ sở gắn quy hoạch ngành với quy hoạch vùng nhằm tạo tính đồng bộ và tác động lẫn nhau để phát triển.
Huyện phối hợp với các cơ quan của tỉnh để mở rộng Khu công nghiệp Tam Thăng đến xã Bình Sa và Khu công nghiệp Đông Quế Sơn đến xã Bình Phục, Bình Giang. Thăng Bình chủ trương nâng CCN Hà Lam - Chợ Được lên thành khu công nghiệp.
“Huyện tiếp tục huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng các CCN hoàn thiện hơn; thực hiện tốt các cơ chế chính sách, xây dựng các dự án cơ hội; nhất là đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường quảng bá và xúc tiến kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp” - ông Thông nói.
Theo ông Lê Quang Hạt, mục tiêu chung phát triển ngành công nghiệp trên địa bàn là chú trọng phát triển công nghiệp theo chiều sâu, hiện đại hóa từng bước sản xuất công nghiệp hiện có, phát triển mạnh ngành công nghiệp có lợi thế cạnh tranh, tạo ra giá trị tăng cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Huyện vận dụng các cơ chế, chính sách để tiếp tục xúc tiến, kêu gọi đầu tư nhằm nâng cao tỷ lệ lấp đầy tại các CCN đã được quy hoạch chi tiết. Ưu tiên của huyện Thăng Bình trong phát triển công nghiệp là thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp chế biến, sử dụng nguyên liệu và lao động tại địa phương, chú trọng bảo vệ môi trường, sản xuất xanh, bền vững...