Chính trị

Thanh xuân đẹp nhất khi được cống hiến!

THANH THỦY 23/04/2025 08:30

Bảy lăm tuổi đời, gần 55 tuổi đảng, bà Trần Thị Hà vẫn giữ trọn niềm tin vào lý tưởng cách mạng, luôn theo dõi báo Đảng để nắm thông tin và chia sẻ với bà con làng xóm. Bà vẫn tự hào rằng: “Với tôi, thanh xuân đẹp nhất là khi được cống hiến cho cách mạng!”.

Bà Trần Thị Hà - nguyên chiến sĩ Đại đội Đặc công - Biệt động Lê Độ TP.Đà Nẵng. Ảnh THANH THỦY

Nhiệt huyết tuổi trẻ

Bà Hà tên thật là Trần Thị Miễn, quê xã Điện Nam (nay là phường Điện Nam Đông), thị xã Điện Bàn. Vì hoạt động bí mật nên tổ chức làm giả hồ sơ lấy tên là Trần Thị Hà, quê ở xã Hòa Thái, huyện Hòa Vang.

Mười lăm tuổi, bà Hà tham gia du kích xã Điện Nam. Một năm sau bà được tổ chức giới thiệu sang công tác tại Đại đội biệt động thành Lê Độ. Năm 1967, bà cùng đơn vị tham gia đánh vào Quân vụ Đà Nẵng. Cả đơn vị di chuyển đến chợ Cồn thì bị lộ do có người chỉ điểm, nhiều người bị bắt. Số còn lại, được dân che chở, cải trang hợp pháp rút về an toàn.

Đến chiến dịch X2-1968, nhận nhiệm vụ đánh vào nội thành Đà Nẵng, đại đội biệt động tách ra nhiều mũi tiến công. Mũi của bà do Đại đội phó Nguyễn Đình Sơn chỉ huy gồm 9 đồng chí, nhận nhiệm vụ đánh trung tâm đài phát thanh nằm trên đường Quang Trung.

Cả mũi làm lễ xuất quân tại Điện An, vượt cầu Giếng Trời đến Điện Ngọc phân ra làm 2 tổ. Tổ 5 người đi ra phía Non Nước, tổ 4 người đi ngược về Hòa Phước và giao ước 7 giờ tối toàn mũi phải có mặt tại cơ sở nằm trong một con hẻm đường Khải Định.

Bảy giờ tối hôm đó chỉ có đồng chí Phạm Huệ được giao liên đưa đến, số còn lại phải trú tạm ở các điểm khác, qua 7 giờ tối hôm sau mới tập trung đủ. Tổ 4 người bị quân cảnh bao vây bắt 1 người. Tổng cộng khi tập hợp 2 mũi còn 8 người. Kế hoạch chiến đấu được đưa ra, phân công nhiệm vụ, trang bị vũ khí cho từng người xong, đột nhiên có cảnh sát gõ cửa đòi kiểm tra giấy tờ.

Đại đội phó Sơn tắt điện, bọn cảnh sát la lên “Việt cộng, Việt cộng…”. Lập tức bà Hà lao ra phía trước chặn cửa chính để đồng đội mình rút lui phía sau. Một tiếng nổ vang lên, 3 đồng chí ngã xuống ngay cửa, bà Hà bị thương, 2 đồng đội hy sinh.

“Tôi cùng anh em đạp cửa nhảy qua giếng nước luồn theo các con hẻm tiến vào cổng đài phát thanh, đánh cảm tử theo kế hoạch nhưng không kịp, địch chốt chặn các ngả, bắn pháo sáng, đồng đội không tiếp cận được mục tiêu, bị địch bao vây. Sau nhiều lần kêu gọi đầu hàng, anh em kiên cường chiến đấu không lùi bước, cuối cùng hy sinh và bị địch bắt” - ông Nguyễn Đình Sơn, người chỉ huy trận đánh kể lại.

Bà Hà bị thương vùng mông và vùng xương cụt, toàn thân không đứng dậy được, 11 giờ trưa, địch khiêng bà đặt trên miếng ván đem ra xe chở quanh thành phố, vừa đi chúng vừa phát loa rằng đã bắt được biệt động thành Đà Nẵng. Bà nhớ lại: “Đến khi tôi không còn cựa quậy được nữa, chúng đưa tôi vào bệnh viện. Lúc đó tôi nghe mang máng giọng một người đàn ông “con ni trước sau chi cũng chết vì máu chảy thành miếng khô rang rồi”.

Bệnh viện huy động nhiều cách điều trị để tôi mau tỉnh lại nhằm khai thác. Đến tối tôi phát hiện ra một người bà con cùng quê và hắn cũng nhận ra tôi. Biết là quen nhưng tôi không hề hỏi han. Hắn lại gần tôi nói, “cô có nhắn chi về ông bà không tôi nhắn cho”, tôi im lặng không nói gì. Hắn cứ tỉ tê kể về những ngày ở nhà đi giữ bò, bắt ốc, hái rau cùng nhau, hắn kể đúng hết, nhưng tôi tỏ vẻ nhạt nhẽo nói: “Tôi là Hà ở Hòa Thái, Hòa Vang, ông lầm rồi”. Hắn quả quyết: “Cô là cô Miễn con ông Hiền 100% chứ tôi không bao giờ lầm”. Lúc đó tôi cảm nhận hắn thật tâm nhưng vì nhiệm vụ, tôi không cho phép mình lung lay ý chí.

Những ngày tháng điều trị ở bệnh viện, thân thể tôi như chết đi sống lại. Khi tỉnh thì tụi phòng nhì xuống hỏi cung, không lấy được cung chúng không cho điều trị, vết thương lở loét nhiễm trùng, vùng cùng cụt lồi ra chừng nào nó cắt chừng đó, tôi nằm sấp một chỗ ròng rã chín tháng trời. Hết thời hiệu khai báo, bệnh viện điều trị hơn 15 ngày thì vết thương lành”.

Giữ trọn lời thề

Sau đó, địch đưa bà Hà qua trại giam Non Nước, nhập chung với 17 người Quảng Nam bị bắt trước đó. Sáng hôm sau, họ gọi hết 18 người ra ban điều hành. Quân cảnh phát giấy bút hướng dẫn viết đơn xin chiêu hồi. Bà Hà kể: “17 người kia viết hết, tôi nói không biết chữ, nó bảo viết hộ rồi tôi lăn tay, tôi không chịu.

Ông Nguyễn Đình Sơn (thứ 2 từ trái qua) - người chỉ huy mũi đánh vào trung tâm Đài Phát thanh Đà Nẵng năm 1968. Ảnh THANH THỦY
Ông Nguyễn Đình Sơn (thứ 2 từ trái qua) - người chỉ huy mũi đánh vào trung tâm Đài Phát thanh Đà Nẵng năm 1968. Ảnh THANH THỦY

Đúng 12 giờ trưa, bọn giám thị đưa tôi ra biệt giam, cái phòng tối om, xung quanh bao bọc 9 lớp gai thép, không một bóng người, tôi nhớ như in số tù của mình 5151. Một tuần sau, chúng cho ra phơi nắng, tôi ngất, nó đẩy vô lại biệt giam rồi đưa thêm 9 nữ tù chính trị quê Quảng Trị vào ở cùng. Mỗi ngày tù biệt giam được phát 1 cục cơm và 1 ca nước, ăn uống vệ sinh của 10 chị em vỏn vẹn trong cái phòng 4m2. Không khai thác được gì, chúng đưa tôi vô trại giam Phú Tài - Quy Nhơn”.

Sau khi vào trại Phú Tài, theo lời bà Hà, điểm danh xong, địch lệnh phải vào trại chiêu hồi, gần 40 người ngồi lỳ trong sân không đi. Bọn cai tù sai tụi chiêu hồi (cũng là phụ nữ) ra đánh theo kiểu “nơi nào hiểm nhứt là đánh, đánh cho có sống cũng như chết”. Ròng rã suốt 7 ngày tuyệt thực, ngồi ngoài sân phơi nắng lại bị đánh đập dã man, một số chị em chịu không nổi chiêu hồi, còn lại 22 người vẫn kiên định có chết cũng nằm tại đây chết chứ nhất định không chiêu hồi. Vết thương của Hà lại lở loét sau những trận đòn roi...

Thất bại trước tinh thần bất khuất của 22 nữ tù binh, chúng đưa giam “chuồng cọp”. “Chuồng cọp” được làm bằng dây thép gai, diện tích 1m2, để giữa trời trên nền đất sỏi đá lởm chởm, mỗi chuồng nhốt 4 người, đứng lên không được, 4 người chỉ ngồi bệt dưới đất sỏi giữa cái nắng mùa hè rực lửa năm 1969. Không cho ăn uống, bà Hà và các nữ tù binh phải xé vạt áo, chờ đến chiều tối bọn chiêu hồi và lính trên kia tắm, nước chảy xuống đường mương sát “chuồng cọp”, nhúng vạt áo thấm nước nhỏ cho từng người trong chuồng.

Vết thương của bà Hà mỗi ngày càng nặng hơn, nhiễm trùng hôi thối. Có mấy bạn tù đi dọn vệ sinh bên kia lén ném những gói muối nhỏ vào “chuồng cọp”, các nữ tù binh chia nhau ngậm, còn để dành rửa vết thương cho bà Hà. Phần khát, phần đói, phần dang nắng dầm sương, sau một tuần nhiều người “bức chốt” chiêu hồi.

Với sự đấu tranh, gan dạ, lỳ đòn của mình, ngày 20/7/1971 bà Hà được tổ chức kết nạp Đảng tại chi bộ trại 2 trại giam Phú Tài.

Cuối năm 1972, địch đưa gần 1.000 nữ tù binh từ trại giam Phú Tài vào Cần Thơ để đày ra Phú Quốc. Ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, theo thỏa thuận với phái đoàn 4 bên, địch không đưa tù binh ra Phú Quốc, buộc trao trả tại Lộc Ninh. Khi trao trả, bọn chúng để lại 120 người, trong đó có bà Hà, nghe cơ sở mật báo là chở ra biển thủ tiêu. Chị em còn lại đấu tranh quyết liệt, đòi phải gặp trực tiếp phái đoàn 4 bên. Ngày đón phái đoàn lên, 120 nữ tù binh vỡ òa, lúc đó ai cũng mừng sẽ được sống và trở về với đơn vị.

Sau khi được trao trả, bà Hà về đơn vị 70B, Mặt trận 4, Quảng Đà, tiếp tục tham gia chiến đấu cho đến ngày quê hương hoàn toàn phóng; rồi phục viên xuất ngũ về quê lấy chồng, sinh con, tham gia công tác tại địa phương cho đến nay.

Bà nói, bây giờ, thỉnh thoảng trong ký ức vẫn hiện về những gương mặt đồng đội đã hy sinh anh dũng. “Với tôi, thanh xuân đẹp nhất là khi được cống hiến cho cách mạng!”.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thanh xuân đẹp nhất khi được cống hiến!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO