(QNO) - Người dân thôn Phú Nghĩa, xã Đại An (Đại Lộc) đang từng ngày lo lắng trước tình trạng sạt lở bờ sông Vu Gia liên tục khoét sâu vào làng, đe dọa nhà cửa, đất sản xuất.
Sống trong bất an
Tình trạng sạt lở sông Vu Gia, đoạn qua địa bàn thôn Phú Nghĩa (Đại An) với mức độ nghiêm trọng. Theo thống kê, 3 năm qua, ít nhất hơn 1ha đất sản xuất vòng 1 của người dân trôi xuống sông. Ảnh hưởng của bão số 4, bão số 5 kèm theo mưa lớn kéo dài vừa qua, cộng với dòng lũ từ thượng nguồn đổ về làm nhiều diện tích đất "biến mất". Sạt lở bờ sông đã nuốt chửng một trụ điện, tiếp tục đe dọa 2 cột điện lớn và đường dây trung thế cấp điện cho các xã Đại An - Đại Cường và một số xã vùng B.
Phóng viên Báo Quảng Nam điện tử có mặt tại đoạn sông bị sạt lở, tận mắt thấy những con nước cuồn cuộn, dăm mười phút lại ngoạm từng mảng đất lớn. Chính quyền địa phương đã giăng dây và lắp biển cảnh báo, cấm người và phương tiện đến điểm sạt lở nhằm đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho nhân dân. Tuy nhiên, cứ qua một đêm, dây kéo cảnh báo lại nới dần về phía những ngôi nhà...
Bà Nguyễn Thị Kiều Thu, người dân có nhà ở sát sông hốt hoảng khi mỗi phút lại có tiếng đất lở ầm ầm. “Vài sào đất vòng 1 của tôi đã lở hết rồi. Mất đất sản xuất chỉ là chuyện nhỏ, bây giờ tôi đang lo căn nhà vợ chồng tôi xây được 5 năm qua sắp đổ sông. Không biết ở đâu để làm ăn, nuôi con ăn học" - bà Thu buồn bã.
Ông Ngô Sung chia sẻ, những năm 2019 - 2021, khu vực này sạt lở chừng 7-8 sào đất và hiện đã lở hơn 1ha đất vòng 1. “Dân tôi ai cũng mong chính quyền các cấp có phương án hỗ trợ, giúp đỡ bởi không chỉ mất đất sản xuất, nguy cơ mất luôn vườn tược, nhà cửa rất cao” - ông Sung nói.
Theo khảo sát, có 6-7 nhà dân gần nhất đang nằm trong khu vực sạt lở với điểm gần nhất là 10m, xa nhất tầm 15-20m. Cụ thể như nhà ông Ngô Sung, bà Nguyễn Thị Lợi, Huỳnh Thị Xoa, Lê Thị Tám, Trần Khương, Nguyễn Đức Sĩ, Huỳnh Thị Huệ.
"Chính việc xây dựng công trình chỉnh dòng sông Quảng Huế - Vu Gia đưa nước về Đà Nẵng là nguyên nhân gây sạt lở khu dân cư. Hiện, 2 bờ kè ở 2 bên bờ sông với chiều dài khoảng 1km đã bị phá vỡ. Tai hoạ ập tới rồi" - một người dân Phú Nghĩa nói.
[VIDEO] - Sạt lở bờ sông Vu Gia, đoạn qua thôn Phú Nghĩa, xã Đại An:
Chờ biện pháp khẩn cấp
Ông Ngô Đình Nguyện - Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Phú Nghĩa cho biết, hiện có hơn 1ha đất sản xuất của thôn đã mất do sạt lở sông. "Người dân ăn không ngon, ngủ không yên và liên tục cầu cứu. Tình thế này phải chờ chủ trương của huyện, của tỉnh và phải chờ hết mưa, hết lũ mới triển khai được phương án, bởi đang thời điểm mưa lũ. Cứ nghe có bão, lụt là lập tức di dời hết dân" - ông Nguyện nói.
Ông Nguyện cho rằng, do tình trạng ngăn chặn dòng sông, đưa nước về Đà Nẵng khiến bờ kè bị sạt lở, gây lở đất sản xuất và đe dọa khu dân cư. Ban nhân dân thôn đã lập tờ trình báo cáo lên trên về hiện trạng, nguyên nhân và chờ phương án khắc phục.
Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, mùa mưa, sự chênh lệch dòng chảy đã gây sạt lở nghiêm trọng. Trước đó, năm 2020 - 2021, khu vực này đã có sạt lở nhưng sau đợt bão số 4, số 5 mới đây, tình trạng sạt lở diễn ra nặng nề hơn. Đã có 1 trụ điện rớt sông và điểm sạt lở tiếp tục cách 2 trụ điện lớn và đường dây trung thế chưa tới 10m.
“Địa phương mong muốn các cấp có biện pháp sớm khắc phục để giúp đỡ người dân ổn định đời sống, giảm thiểu thiệt hại. Về lâu dài, phải di dời nhà dân đến nơi ở an toàn, đồng thời triển khai kè chống sạt lở để hạn chế tốc độ sạt lở tiếp diễn” - ông Hòa nói.
Còn ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc khẳng định, khu vực sạt lở tại thôn Phú Nghĩa đã diễn ra trong mấy năm trở lại đây do có đập tạm ngăn dòng về Vu Gia. Tình trạng xói lở nặng địa phương đã báo cáo tỉnh kiểm tra, có phương án khắc phục tạm thời song vẫn chưa xử lý được. Đợt mưa lũ kéo dài khu vực này tiếp tục gây sạt lở thêm.
Mỗi đợt mưa bão, địa phương chủ động sơ tán người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm nhưng về lâu dài, Đại Lộc kiến nghị tỉnh có phương án cụ thể để đảm bảo an toàn cho người và tài sản nhân dân.