Thấy gì qua các bộ chỉ số cải cách?

TRỊNH DŨNG 16/06/2020 04:22

Ba bộ chỉ số PAPI, PAR INDEX và ICT INDEX 2019 của Quảng Nam đều tăng điểm và thăng hạng. Nhưng hiệu lực của cải cách hành chính hay hiện đại hóa nền hành chính qua sự đo lường của người dân, chính quyền vẫn chưa thực sự toàn mỹ, còn nhiều dư địa để thay đổi vị thế địa phương. Cuộc hội thảo phân tích, đánh giá được UBND tỉnh tổ chức hôm nay (16.6) được kỳ vọng sẽ thu nhận nhiều kiến giải để gia tăng điểm số, thứ hạng, hướng đến một chính quyền phục vụ tốt cho người dân, doanh nghiệp.

Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh:T.D
Người dân đến thực hiện các thủ tục hành chính tại trung tâm hành chính tỉnh. Ảnh:T.D

Tăng điểm, thăng hạng

Kết quả công bố PAPI 2019 Quảng Nam (chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh) đạt 44,33 điểm, tăng 1,19 điểm, xếp vị thứ 22, tăng 22 điểm, thuộc nhóm các tỉnh đạt điểm trung bình cao so với năm 2018. Chỉ trừ hai chỉ số thành phần là lĩnh vực tham gia của người dân cấp cơ sở và quản trị môi trường bị mất điểm (mất 0,39 điểm và 0,81 điểm), các chỉ số khác đều tăng điểm, kể cả chỉ số quản trị điện tử được đánh giá tất cả địa phương đều thấp.

Điểm số cao nhất của 8 chỉ số thành phần PAPI 2019 thuộc về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công, thủ tục hành chính công và cung ứng dịch vụ công (tương ứng 7,5 điểm, 7,16 điểm và 7,43 điểm). Các chỉ số này tăng tương ứng 0,86 điểm, 0,14 điểm và 0,41 điểm. Các lĩnh vực này tác động lớn nhất đến mức độ hài lòng của người dân. Chỉ số tham gia của người dân cấp cơ sở liên tục bị mất điểm, nhưng chỉ số kiểm soát tham nhũng trong lĩnh vực công hay công khai minh bạch trong việc ra quyết định ở địa phương vốn bị mất điểm năm 2018 đã gia tăng điểm đáng kể.

PAR INDEX (chỉ số cải cách hành chính) năm 2019 của Quảng Nam cũng khả quan khi đạt 80,84 điểm, tăng 5,62 điểm so năm 2018, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2018, đứng vào nhóm các tỉnh đạt chỉ số trung bình trên 80%.

Trong khi đó ICT Index (chỉ số sẵn sàng cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin – truyền thông của địa phương) cũng cho thấy sự thăng tiến. Từ vị thứ 41 với 0,3616 điểm năm 2018, ICT Index năm 2019 đã đạt 0,482 điểm, thăng lên hạng 18 (tăng 23 bậc). Tất cả chỉ số từ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực đến chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin đều gia tăng cả điểm số và thứ hạng. Hạ tầng nhân lực được đánh giá khá tốt. Chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng được yêu cầu phát triển...

Có thể thấy điểm số, vị thứ so với điểm bình quân chung của 63 tỉnh, thành về PAPI, PAR INDEX, ICT 2019 là những thống kê đáng lạc quan về hiệu quả quản trị và hành chính công của Quảng Nam dưới sự giám sát và đo lường của người dân, nhận định của chính quyền cấp trên về cải cách hành chính, hiện đại hóa nền hành chính công vụ.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân, những kết quả này không phải là một bất ngờ khi chính quyền đã vận hành thông thoáng công cuộc cải cách hành chính, hiện thực hóa các nghị quyết, chỉ thị, kiên trì mục tiêu “chính quyền phục vụ”. Chính quyền đã điều hành, giải quyết tối đa, kịp thời các hồ sơ, thủ tục hành chính của người dân, hiện đại hóa nền hành chính. Tỷ lệ giải quyết thủ tục hành chính đúng hoặc trước hạn của địa phương luôn cao (98 - 99% trở lên)… Tăng cường giải quyết thủ tục hành chính qua mạng, qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 & 4, qua hệ thống công ích, xây dựng những bộ thủ tục hành chính cấp thiết để phục vụ nhân dân.

Dư địa cải cách còn nhiều

Việc thăng hạng, tăng điểm của các chỉ số là điều đáng mừng. Song, những thống kê cụ thể của các bộ chỉ số này vẫn còn quá nhiều khoảng trống cần được cải thiện. Kế hoạch năm 2019 chỉ số PAPI Quảng Nam đạt 48 điểm, tăng 5,06 điểm so với năm 2018, nằm trong nhóm tỉnh, thành đạt điểm trung bình cao nhất cả nước về hiệu quả quản trị và hành chính công đã không thể thực hiện được khi chỉ tăng 1,19 điểm.

Thủ tục hành chính công đo lường chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công ở những lĩnh vực cần thiết nhất cho đời sống người dân, cho dù đã đạt đến 7,16/10 điểm nhưng lại thuộc nhóm đạt điểm thấp nhất, tăng 0,14 điểm so năm 2018. Một thống kê khác cho thấy chỉ số tham gia của người dân ở cấp cơ sở chỉ đạt 4,88 điểm so với kế hoạch phải đạt được 6 điểm, chỉ số công khai minh bạch trong ra quyết định đạt 5,48 điểm (kế hoạch 5,5 điểm), chỉ số nội dung quản trị môi trường đạt 3,87 điểm (kế hoạch 5,3 điểm), chỉ số nội dung quản trị điện tử chỉ đạt 2,95 điểm (theo kế hoạch đạt 3,7/10 điểm). Kế hoạch ấn định phải có 3 chỉ số nội dung đạt điểm số cao nhất nước, nhưng kết quả chỉ đạt 2 và cũng chỉ đạt được 2 chỉ số nằm trong top các tỉnh thành đạt điểm trung bình cao, thay vì 5 chỉ số như kế hoạch đề ra.

PAR INDEX cũng vậy. So với các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, Quảng Nam chỉ xếp hạng 8/14. Vị thứ cao nhất thuộc về cải cách hành chính đạt 51,99/66,5 điểm, xếp thứ 15/63 tỉnh, thành, chỉ số hài lòng của người dân, doanh nghiệp (SIPAS) đạt 8,17 điểm/10, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố và điểm tác động của cải cách hành chính đến phát triển kinh tế - xã hội chỉ đạt trên mức trung bình một chút (3,5/6 điểm), xếp 48/63 tỉnh, thành phố.

So với các tỉnh khác, Quảng Nam chỉ được đánh giá ở mức khá về mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ thông tin. Chất lượng hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ thông tin của Quảng Nam dù có những tiến bộ đáng kể nhưng cũng chỉ ở mức trung bình khi chỉ đạt 0,4019 điểm. Những hạn chế này sẽ là thách thức trong việc thực thi cuộc cách mạng công nghệ số 4.0. Điểm đáng chú ý nhất, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin của địa phương còn hạn chế khi có đến 79,1% đối tượng khảo sát cho rằng việc cung ứng dịch vụ công Quảng Nam chỉ đạt mức 1; 80% cho rằng chỉ đạt mức 2; 50,8% nhận xét chỉ đạt mức độ 3; trong khi đó chỉ có 25% người được khảo sát cho biết việc cung ứng dịch vụ công đạt đến mức độ 4.

Trong một thông báo kết luận về cuộc họp Hội đồng thẩm định kết quả đánh giá, xếp hạng chỉ số cải cách hành chính 2019, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng cải cách hành chính hiện vẫn chưa được một số cơ quan, đơn vị xem là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, chưa thể hiện đúng mức vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ cải cách. Không ít hồ sơ bị giải quyết chậm; không xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi giải quyết thủ tục hành chính trễ hẹn... Những hạn chế này liệu có thu nhận được những ý kiến đóng góp tại hội thảo được mở vào ngày hôm nay (16.6) để góp phần tìm giải pháp nâng cao điểm số và thứ hạng của công cuộc cải cách hành chính, hướng đến một nền  hành chính hiện đại?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thấy gì qua các bộ chỉ số cải cách?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO