Thềm hiên có sóng

QUỐC TUẤN 09/12/2023 08:00

Gió bấc đầu mùa lùa từng đợt phần phật. Những đợt sóng ầm ào thi thoảng lại chồm qua lớp kè đất như muốn ngoạm lấy mọi thứ phía sau bờ kè. Biển Cửa Đại vắng. Chỉ vài người đàn ông rảo bước qua lại, chốc chốc đứng trầm ngâm lắc đầu ngán ngẩm vì bọt biển đã tung đến sát mé nhà mình. 

Sạt lở bờ biển đã tiến sát vào nhà dân ở khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An. Ảnh: Q.T
Sạt lở bờ biển đã tiến sát vào nhà dân ở khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An. Ảnh: Q.T

Bơm cát vá… biển

Từ bữa chuyển trời mang không khí lạnh về, đã mấy đêm liền ông Biết thao thức để... canh sóng. Ngủ làm sao được khi mọi người ở đây vẫn còn rùng mình mỗi lúc mường tượng lại tiếng rầm chát chúa khi căn nhà hàng xóm bị sóng giật sập vào giữa đêm...  

“Cũng may là bữa đó căn nhà nớ không có người ở. Buổi đêm sóng mạnh lắm. Nó tràn vào bãi đất sau kè khoét sụp hết bờ cát nhìn như cái ao ngay mé nhà. Đó là năm nay trời còn tương đối êm chứ nếu có bão mạnh chưa biết cái nhà tôi có còn không” - ông Lê Biết (trú khối Thịnh Mỹ, phường Cẩm An, Hội An) nói và cười gượng.

Đã thấy họa lở biển Cửa Đại gần đó từ lâu nhưng ông Biết không ngờ một ngày gia đình phải đối mặt với cảnh tượng này một cách khốc liệt đến vậy. Sạt lở đã âm ỉ khu vực này hai năm nay và ngày một lan sâu vào bờ. Căn nhà tuềnh toàng của người đàn ông trạc 70 tuổi này còn trụ được đến giờ là nhờ lớp kè bao cát được gia đình ông và một nhà hàng xóm khác dựng lên hồi tháng 9.

Chưa đầy 3 tháng, hai nhà phải hì hục bơm thêm một lớp kè bao nữa để che chắn trước sóng dữ. Nhìn xung quanh, khoảng trống trong vườn ông Biết và hàng xóm chỉ thấy lổn ngổn máy bơm và ống nước, những dụng cụ thường trực để tiếp tục gia cố kè khi có điều kiện.

“Sóng xé kiểu ni tiền đâu mà bơm cát miết cho nổi, anh?” - chúng tôi hỏi. “Hồi đầu năm chừ bỏ vô hơn tỷ bạc rồi. Tiền nớ đủ xây cái nhà hai tấm. May có thằng em bà con nhà kế bên đổ ra làm chứ mình mấy chục năm đi biển cũng không tích cóp nổi được số tiền nớ. Tính là làm kè cứng thì khả năng sẽ giữ bờ tốt hơn nhưng mà chính quyền không đồng ý nên làm kè mềm đây” - ông Biết giãi bày.

Sạt lở bờ biển ở một số khu vực ven biển phường Cẩm An, TP.Hội An đang ở mức đáng báo động. Ảnh: Q.T
Sạt lở bờ biển ở một số khu vực ven biển phường Cẩm An, TP.Hội An đang ở mức đáng báo động. Ảnh: Q.T

Bờ kè “bạc tỷ” chỉ sau mấy tháng áng chừng đã xiêu vẹo mấy phần trước sóng dữ. Những gì được cha con ông Biết lập nên để gia cố, tăng thêm sức mạnh ứng phó với sóng đều đã bật bãi. Từ dừa, cọc tre, túi vải độn cát thậm chí đến những tảng đá áng chừng phải vài chục ký đều bị con nước hung hãn quăng quật ngã rạp, lăn lóc.

Chưa hết một mùa gió trở, công sức, của cải của người dân Thịnh Mỹ đổ vào đánh vật với biển có nguy cơ tan theo bọt sóng. Ông Biết cũng như bao người khác hiểu rằng đây chỉ là giải pháp tình thế chẳng đặng đừng. Nhưng trước sóng dữ, mọi thứ đều nhỏ bé như cát. Với tốc độ giằng xé của sóng, những cư dân miệt biển này liệu đủ sức cầm cự thêm bao nhiêu mùa gió nữa?! 

Vỡ vụn theo sóng còn có cả một đoạn đường bê tông dài chạy dọc theo bờ biển. Mất đường, gia đình ông Biết phải trổ rào đi nhờ một hàng xóm khác. Mất bãi, mỗi lần đi biển vào hai cha con lại phải hì hục kéo thúng tuốt lên neo gần trường học đã bỏ hoang phía sâu trong làng. Một dải cát phẳng phiu trước nhà mới mùa hè ngày nào cũng có mấy “ông Tây, bà Tây” lững thững dạo qua giờ chỉ còn trong hoài niệm…

Bao giờ thôi “dã tràng xe cát”?

Trước cơn giận dữ của sóng, suốt thời gian dài dải bờ biển Hội An chỉ còn biết thu mình chịu trận. Ai cũng co cụm phòng thủ. Phần dân, dân làm. Phần doanh nghiệp, doanh nghiệp làm. Chỗ nào của chung thì chính quyền xắn tay vào kè.

Một góc bãi biển chỉ thấy lổn ngổn gạch đá, đê kè. Ảnh: Q.T
Một góc bãi biển chỉ thấy lổn ngổn gạch đá, đê kè. Ảnh: Q.T

Số liệu từ UBND TP.Hội An, đến giữa năm 2023 đã có 10 công trình kè từ ngân sách Nhà nước và 7 công trình kè do doanh nghiệp thực hiện chỉ trên vỏn vẹn vài cây số bờ biển. Công cuộc “giải cứu” bờ biển Hội An hơn một thập kỷ qua như một trận bóng, bị đối phương ép sân liên tục, không có chiến thuật rõ ràng, “mạnh ai nấy đá”, hệ quả là sạt lở vẫn âm ỉ đe dọa.

Người làng Thịnh Mỹ vẫn đinh ninh rằng, bờ biển quê nhà bị xé toạc chỉ trong thời gian ngắn ngủi vừa qua có phần căn nguyên từ các dự án kè lân cận, nhất là các đường kè ngang (từ bờ ra biển).

Theo lý giải của các ngư dân, các đường kè ngang sẽ bảo vệ được bờ cho phạm vi trong kè nhưng sẽ làm ức sóng, đẩy sóng lớn qua hai bên tất yếu dẫn đến việc khoét sâu các khu vực không được kè. Ông Biết chỉ tay về phía bắc dẫn chứng: “Đâu xa, hết đường kè nhà tôi trên kia chút thôi, không có kè là lở tè le, hẳm sâu vô bờ giáp ngang nhà tôi rồi đó”.

Năm 2020, tại một hội thảo về ứng phó sạt lở biển, ông Nguyễn Sự - nguyên Bí thư Thành ủy Hội An nói: “Nếu cứ mạnh ai nấy kè như hiện nay thì từ cái áo chỉ rách một chỗ đến lúc nào đó toàn bộ tấm áo của ta thành tấm áo rách hết”.

Chỉ sau khoảng 3 năm, có vẻ câu chuyện này dần trở thành hiện thực khi “tấm áo” thủng thêm lỗ chỗ. Từ Cửa Đại, Thịnh Mỹ lên Tân Thành rồi cả An Bàng, sóng biển đã lần lượt ghé thăm và để lại những vết hằn nham nhở. Sơ bộ, đã có hơn 230 tỷ đồng ngân sách Nhà nước cùng khoảng 300 tỷ đồng của doanh nghiệp và người dân đổ xuống chỉ với mong ước là bãi biển quay về với hình thù ngày cũ. 

Thực ra, vài chục năm trước đây biển Cẩm An cũng từng ghi nhận sạt lở nặng. Nhưng lúc đó biển tiến thì người lùi và không lâu sau mọi thứ được tự nhiên hoàn trả nguyên vẹn. Nhưng giờ không gian phía sau đã nêm chặt, chật chội nhà cửa công trình, những thứ nương náu cùng biển xem như không còn đường lùi.

Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết: “Bờ biển Hội An là tài nguyên quan trọng gắn với kinh tế du lịch. Nếu không có bờ biển, Hội An sẽ khó duy trì du lịch một cách bền vững. Mất bờ biển, hàng ngàn người dân Cửa Đại, Cẩm An cũng đối mặt với nguy cơ thất nghiệp”.

Gian nan đường dài

Công cuộc cứu bãi sẽ không thể dừng lại. Trong năm 2024, dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An” sẽ được triển khai. Dự án có giá trị lên đến 42 triệu euro, tức là ngót nghét nghìn tỷ đồng. Chưa nói đến một dự án khắc phục sạt lở bờ biển Cẩm An khác mà chính quyền địa phương đã đề xuất trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 dự kiến sẽ “ngốn” thêm khoảng vài trăm tỷ đồng nữa. 

Một dãy hàng quán ở khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP.Hội An) chênh vênh trước sóng biển. Ảnh: Q.T
Một dãy hàng quán ở khối Thịnh Mỹ (phường Cẩm An, TP.Hội An) chênh vênh trước sóng biển. Ảnh: Q.T

Tổng cộng con số trên sẽ gấp nhiều lần số tiền đã đổ ra từ trước đến nay. Gom hết lại sẽ là một phép tính dằng dặc khó có kết quả nếu cân đo đong đếm thiệt hơn giữa những gì chúng ta thu được từ bãi biển và rồi đã phải trả giá lại chính ở nơi này. Song một câu hỏi đau đáu rằng, với chừng ấy tiền đổ vào thêm, hồi kết về một bờ biển Hội An sẽ thay áo mới hay chí ít là thôi rách bươm hay không vẫn là dấu hỏi khó có lời giải đáp. 

Tại hội thảo chiến lược quản lý bền vững bờ biển Hội An diễn ra vào tháng 9/2023 để chuẩn bị triển khai dự án “Chống xói lở và bảo vệ bền vững bờ biển Hội An”, GS. Nguyễn Trung Việt - Phó Hiệu trưởng trường Đại học Thủy lợi, người gắn bó xuyên suốt với câu chuyện sạt lở biển Hội An băn khoăn rằng: “Đơn vị tư vấn dự án nên và cần phải làm rõ hiệu quả, tuổi thọ dự án này như thế nào? Dĩ nhiên công trình không phải làm một lần là xong mà giải pháp nuôi bãi cần rất nhiều thời gian nhưng cũng cần định lượng là 5 năm, 10 năm, 20 năm hay bao lâu.

Biển Hội An trong mùa gió lặng thì không vấn đề gì nhưng trong mùa gió đông bắc thì sóng rất lớn, chắc chắn sạt lở vẫn sẽ diễn ra dai dẳng, vậy thì tính toán về lượng bùn cát thất thoát sẽ như thế nào? Chỉ giải pháp mềm theo tôi sẽ là không đủ”. 

Khi các kịch bản hứa hẹn còn đang ở thì tương lai, phía ngoài kia những con sóng đã mon men chạm vào làng biển...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thềm hiên có sóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO